27/05/2020 08:07

Thông báo rút kinh nghiệm giải quyết vụ án hình sự

Thông báo rút kinh nghiệm giải quyết vụ án hình sự

Thông qua công tác kiểm sát xét xử vụ án Trương Thị H và các đồng phạm về tội “Đánh bạc” bị cấp giám đốc thẩm huỷ án để xét xử lại, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng thông báo đến các VKSND trong khu vực miền Trung – Tây Nguyên nghiên cứu rút kinh nghiệm chung, cụ thể như sau:

1. Nội dung vụ án

Vào trưa ngày 29/5/2018, Nguyễn Thị C, Trần Đình D, Huỳnh Văn Q đến quán cà phê của Lý Thị Thu T để uống nước. Đến khoảng 11 giờ, C, D, Q, T cùng nhau đánh bài binh xập xám ăn tiền. Cả nhóm ngồi quanh bàn gỗ sau quầy tính tiền của quán và dùng bộ bài tây 52 lá trong quán của T để chơi. Trước khi đánh bài, bốn người giao kèo mỗi người bỏ ra 1.500.000 đồng để dưới chiếu bạc để chơi, riêng T không đặt mà chơi ván nào chung tiền ván đó. Mỗi ván mỗi người đặt cược 200.000 đồng và thoả thuận nếu thắng thì không cất tiền đi, nếu thua thù tiếp tục đặt cược vào để chơi. Cả bốn người chơi đến khoảng 11 giờ 30 phút thì Phan Thị N, Trương Thị H vào tham gia đánh. Do đã đủ người chơi nên N đặt tiền theo cửa của T, H đặt tiền theo cửa của Q. Mỗi ván N và H góp từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng, người chơi chính góp số tiền còn lại để đủ 200.000 đồng mỗi lượt chơi. Trong lúc đánh có Phạm K, Nguyễn Thị B, Trương Thị A đứng xem. Đến 13 giờ 10 phút cùng ngày, cả nhóm bị Công an bắt quả tang, thu giữ tại chiếu bạc 16.000.000 đồng; 01 bộ bài tây và 01 cái mền vải.

2. Quá trình giải quyết vụ án

Bản án hình sự sơ thẩm số 58 ngày 01/11/2018 của TAND thị xã B, tỉnh N áp dụng khoản 1 Điều 321; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 (BLHS); thêm điểm h khoản 1 Điều 52 BLHS đối với bị cáo H; thêm điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS đối với bị cáo Q; xử phạt: H 09 tháng tù; Q 90.000.000 đồng; C 90.000.000 đồng. Ngoài ra, Bản án còn áp dụng khoản 3 Điều 321; điểm e khoản 2 Điều 32; khoản 2 Điều 35 BLHS phạt tiền 10.000.000 đồng đối với H.

Thàng 12/11/2018, Trương Thị H kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Bản án hình sự phúc thẩm số 65 ngày 28/2/2019 của TAND tỉnh N chấp nhận kháng cáo, áp dụng thêm Điều 36 BLHS xử phạt bị cáo H 24 tháng cải tạo không giam giữ.

Ngày 25/6/2019, Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng kháng nghị đề nghị TAND cấp cao tại Đà Nẵng xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm huỷ toàn bộ Bản án hình sự phúc thẩm số 65 và giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 58 về phần hình phạt đối với bị cáo H.

Ngày 13/9/2019, Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng ban hành Kháng nghị thay đổi, bổ sung đề nghị TAND cấp cao tại Đà Nẵng huỷ Bản án hình sự phúc thẩm số 65 và Bản án hình sự sơ thẩm số 58 về phần hình phạt đối với các bị cáo H, Q, C để xét xử sơ thẩm lại.

Tại Quyết định giám đốc thẩm số 53/2019/HS-GĐT ngày 22/11/2019 của Uỷ ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Đà Nẵng, chấp nhận một phần kháng nghị: Huỷ Bản án hình sự phúc thẩm số 65; giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 58 về phần hình phạt đối với bị cáo H, huỷ phần hình phạt đối với các bị cáo Q, C để xét xử sơ thẩm lại.

3. Những vấn đề cần rút kinh nghiệm

Bản án hình sự sơ thẩm và phúc thẩm tuyên xử các bị cáo về tội “Đánh bạc” là có căn cứ, đúng tội danh. Tuy nhiên, mức hình phạt áp dụng đối với các bị cáo là không đủ nghiêm khắc. Bởi lẽ, bị cáo H bị áp dụng tình tiết tăng nặng “Tái phạm”; năm 2007 đã có hành vi đánh bạc được miễn trách nhiệm hình sự; ngày 18/9/2012 đã bị Toà án xử phạt 06 tháng tù treo, phạt tiền 10.000.000 đồng về tội “Đánh bạc”. Bị cáo Q đã 02 lần bị xử lý hành chính bằng hình thức phạt tiền trong các năm 2015, 2018 về hành vi ghi số đề và làm chủ lô đề. Bị cáo C vào ngày 29/11/2012 bị Toà án tuyên phạt 09 tháng tù; vào ngày 26/3/2015 tiếp tục bị Toà án tuyên phạt 06 tháng cải tạo không giam giữ, đều về tội “Đánh bạc”. Như vậy, tất cả các bị cáo đều đã bị xử lý nhiều lần cả về mặt hành chính và hình sự, nhưng vẫn tiếp tục phạm tội đánh bạc, thể hiện thái độ coi thường pháp luật, không ăn năn hối cải. Toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm chưa phân tích, đánh giá đúng tính chất vụ án, nhân thân, tiền án, tiền sự của các bị cáo, áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với H; phạt tiền đối với Q, C là không đủ sức răn đe, giáo dục các bị cáo và đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Nguồn: Viện kiểm sát nhân dân tối cao

1656

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]