20/06/2020 08:44

Thời hiệu trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

Thời hiệu trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

Một số vấn đề pháp lý đặt ra là thời hiệu yêu cầu Nhà nước bồi thường và thời hiệu khởi kiện yêu cầu Nhà nước bồi thường trong Luật TNBTCNN là giống nhau hay khác nhau? Thời hiệu yêu cầu Nhà nước bồi thường có phải là loại thời hiệu đặc trưng, riêng có trong Luật TNBTCNN mà BLDS không có quy định ?

Khoản 1 Điều 149 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 quy định: “Thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định”.

Điều 150 BLDS năm 2015 quy định bốn loại thời hiệu: thời hiệu hưởng quyền dân sự (khoản 1); thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự (khoản 2); thời hiệu khởi kiện (khoản 3); và thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự (khoản 4).

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) năm 2017 có quy định về thời hiệu yêu cầu Nhà nước bồi thường (khoản 1 Điều 6), thời hiệu khởi kiện yêu cầu Nhà nước bồi thường (Điều 52), và thời hiệu yêu cầu Nhà nước bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hành chính (khoản 2 Điều 6).

Một số vấn đề pháp lý đặt ra là thời hiệu yêu cầu Nhà nước bồi thường và thời hiệu khởi kiện yêu cầu Nhà nước bồi thường trong Luật TNBTCNN là giống nhau hay khác nhau? Thời hiệu yêu cầu Nhà nước bồi thường có phải là loại thời hiệu đặc trưng, riêng có trong Luật TNBTCNN mà BLDS không có quy định? Một số nội dung liên quan đến thời hiệu trong Luật TNBTCNN được thể hiện như thế nào? Thời hiệu yêu cầu Nhà nước bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, vụ án hành chính được thể hiện ra sao?… Chúng ta sẽ lần lược đi tìm câu trả lời cho các câu hỏi vừa nêu để góp phần làm sáng rõ pháp luật thực định, áp dụng thống nhất pháp luật và hoàn thiện pháp luật về thời hiệu trong Luật TNBTCNN nói riêng cũng như pháp luật dân sự nói chung.

1.Thời hiệu yêu cầu Nhà nước bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ

Khoản 1 Điều 6 Luật TNBTCNN năm 2017 quy định: “Thời hiệu yêu cầu bồi thường là 03 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu bồi thường quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 5 của Luật này nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 52 của Luật này và trường hợp yêu cầu phục hồi danh dự”.

Thời hiệu yêu cầu bồi thường vừa nêu trên là thời hiệu yêu cầu Nhà nước bồi thường được giải quyết (theo thủ tục) tại cơ quan Nhà nước trực tiếp quản lý người thi hành công vụ. Điều này có nghĩa rằng, người yêu cầu bồi thường yêu cầu chính cơ quan Nhà nước trực tiếp quản lý người thi hành công vụ giải quyết bồi thường.

Trước đây và hiện nay, ngoài thời hiệu hưởng quyền dân sự và thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự, BLDS chỉ có quy định thời hiệu khởi kiện và thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự. Cụ thể hiện nay, theo khoản 3 và 4 Điều 150 BLDS năm 2015, “thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện” và “thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là thời hạn mà chủ thể được quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền yêu cầu”.

Với các quy định nêu trên, “thời hiệu khởi kiện” là “thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự”, còn “thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự” là “thời hạn mà chủ thể được quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự”. Như vậy, BLDS phân biệt “thời hiệu khởi kiện” và “thời hiệu yêu cầu” là dựa vào tiêu chí phân biệt “vụ án dân sự” hay “việc dân sự” theo tố tụng dân sự, và trong cả hai trường hợp, yêu cầu đều được tiến hành tại Tòa án.

Theo chúng tôi, so với BLDS, Luật TNBTCNN đã theo một hướng khác mang tính đặc thù, riêng có liên quan đến thời hiệu yêu cầu Nhà nước bồi thường. Ở đây, thời hiệu được nêu tại khoản 1 Điều 6 Luật TNBTCNN năm 2017 không phải là thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự về vấn đề bồi thường và cũng không phải là thời hiệu để yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự liên quan đến vấn đề bồi thường, mà là thời hiệu yêu cầu Nhà nước bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ. Nói cách khác, Luật TNBTCNN đã tạo ra một loại thời hiệu mới chưa được quy định trong BLDS.

Với những nội dung được trình bày ở phần trên, khi có điều kiện sửa đổi, bổ sung BLDS năm 2015, Luật TNBTCNN năm 2017, chúng tôi thấy cần thiết nên ghi nhận trong các văn bản này một khái niệm về thời hiệu yêu cầu bồi thường, cụ thể như sau: Thời hiệu yêu cầu bồi thường là thời hạn mà chủ thể bị thiệt hại được quyền yêu cầu chủ thể có chức năng giải quyết bồi thường do Luật quy định tiến hành giải quyết yêu cầu bồi thường để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì chủ thể mất quyền yêu cầu bồi thường.

Hiện nay, khi chưa có khái niệm nêu trên được ghi nhận trong BLDS và Luật TNBTCNN hiện hành thì trong án lệ cũng như thực tiễn xét xử, Tòa án nên có sự giải thích theo hướng xác định thời hiệu yêu cầu bồi thường là một loại thời hiệu trong pháp luật dân sự, riêng có và có tình đặc thù trong Luật TNBTCNN.

2.Thời hiệu khởi kiện yêu cầu Nhà nước bồi thường theo thủ tục giải quyết vụ án dân sự tại Tòa án

Theo pháp luật nội dung, khoản 3 Điều 150 BLDS năm 2015 quy định: “Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện”.

Theo pháp luật hình thức, khoản 1 Điều 184 BLTTDS năm 2015 quy định: “Thời hiệu khởi kiện được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự”.

* Thời hiệu khởi kiện ra Tòa án khi chưa yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ giải quyết bồi thường

Luật TNBTCNN năm 2017 (điểm a khoản 1 Điều 52) quy định: “Trong thời hạn 03 năm kể từ ngày nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường, người yêu cầu bồi thường có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết yêu cầu bồi thường trong trường hợp: Người yêu cầu bồi thường chưa yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại giải quyết yêu cầu bồi thường”.

Đối với trường hợp này, thời hiệu khởi kiện yêu cầu Nhà nước bồi thường giống với thời hiệu yêu cầu Nhà nước bồi thường là 03 năm, kể từ ngày nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường. Điểm khác biệt đối với hai loại thời hiệu này là trong thời hạn 03 năm ấy, người yêu cầu bồi thường có quyền yêu cầu Nhà nước bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ (khoản 1 Điều 6 Luật TNBTCNN năm 2017); hoặc có quyền khởi kiện yêu cầu Nhà nước bồi thường bằng thủ tục tố tụng dân sự tại Tòa án (điểm a khoản 1 Điều 52 Luật TNBTCNN năm 2017).

* Thời hiệu khởi kiện ra Tòa án khi đã yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ giải quyết nhưng sau đó rút yêu cầu bồi thường

Luật TNBTCNN năm 2017 (điểm b khoản 1 Điều 52) quy định: “Trong thời hạn 03 năm kể từ ngày nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường, người yêu cầu bồi thường có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết yêu cầu bồi thường trong trường hợp: Người yêu cầu bồi thường rút yêu cầu bồi thường quy định tại điểm a khoản 1 Điều 51 của Luật này”.

Đối với trường hợp này, thời hiệu khởi kiện yêu cầu Nhà nước bồi thường bằng thủ tục tố tụng dân sự tại Tòa án vẫn là 03 năm kể từ ngày nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường giống như thời hiệu khởi kiện ra Tòa án khi chưa yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ giải quyết bồi thường được nêu tại điểm a khoản 1 Điều 52 Luật TNBTCNN năm 2017.

Điểm khác biệt về thời hiệu được quy định tại điểm a và thời hiệu được quy định điểm b của khoản 1 Điều 52 Luật TNBTCNN năm 2017 là trong thời hạn 03 năm ấy, điểm a quy định người yêu cầu bồi thường có quyền khởi kiện trực tiếp đến Tòa án để yêu cầu Nhà nước bồi thường và trong trường hợp này, người yêu cầu bồi thường không yêu cầu Nhà nước bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ; còn điểm b quy định người yêu cầu bồi thường sau khi đã yêu cầu Nhà nước bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ, rồi sau đó họ rút yêu cầu bồi thường, cơ quan giải quyết bồi thường ra quyết định đình chỉ giải quyết bồi thường, và người yêu cầu bồi thường có quyền khởi kiện đến Tòa án để yêu cầu Nhà nước bồi thường.

* Thời hiệu khởi kiện ra Tòa án khi nhận được quyết định giải quyết bồi thường của cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ

Luật TNBTCNN năm 2017 (khoản 2 Điều 52) quy định: “Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết bồi thường quy định tại Điều 47 của Luật này mà người yêu cầu bồi thường không đồng ý với quyết định đó thì có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết yêu cầu bồi thường”.

Theo quy định trên, thời hiệu khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu Nhà nước bồi thường là rất ngắn, chỉ có 15 ngày. Tuy nhiên, chúng ta nên quan tâm đến sự kiện pháp lý và thời điểm bắt đầu của thời hiệu, đó là “kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết bồi thường”. Điều này có nghĩa rằng, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết bồi thường, nếu người yêu cầu bồi thường không đồng ý với quyết định giải quyết bồi thường của cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ thì có quyền khởi kiện ra Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự trong thời hạn 15 ngày để yêu cầu Nhà nước bồi thường.

* Thời hiệu khởi kiện ra Tòa án khi có biên bản kết quả thương lượng thành với cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ

Luật TNBTCNN năm 2017 (khoản 2 Điều 52) quy định: “Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có biên bản kết quả thương lượng thành quy định tại khoản 7 Điều 46 của Luật này mà cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại không ra quyết định giải quyết bồi thường thì người bị thiệt hại có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết yêu cầu bồi thường”.

Theo khoản 1 Điều 47 Luật TNBTCNN năm 2017, “Ngay sau khi có biên bản kết quả thương lượng thành, Thủ trưởng cơ quan giải quyết bồi thường ra quyết định giải quyết bồi thường và trao cho người yêu cầu bồi thường tại buổi thương lượng”. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, khách quan hay chủ quan mà sau khi có biên bản kết quả thương lượng thành, Thủ trưởng cơ quan giải quyết bồi thường không ra quyết định giải quyết bồi thường thì người bị thiệt hại có quyền khởi kiện cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ ra Tòa án trong thời hạn 15 ngày (kể từ ngày có biên bản kết quả thương lượng thành) để yêu cầu Nhà nước bồi thường theo thủ tục tố tụng dân sự.

* Thời hiệu khởi kiện ra Tòa án khi có biên bản kết quả thương lượng không thành với cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ

Luật TNBTCNN năm 2017 (khoản 2 Điều 52) quy định: “Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có biên bản kết quả thương lượng không thành quy định tại khoản 7 Điều 46 của Luật này thì người bị thiệt hại có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết yêu cầu bồi thường”.

Thời hiệu khởi kiện này liên quan đến việc người bị thiệt hại đã yêu cầu Nhà nước bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ và thủ tục thương lượng việc bồi thường đã được thực hiện nhưng kết quả thương lượng không thành. Do vậy, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có biên bản kết quả thương lượng không thành, người bị thiệt hại có quyền khởi kiện cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ ra Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự để yêu cầu Nhà nước bồi thường.

3.Thời hiệu yêu cầu Nhà nước bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính tại Tòa án

Luật TNBTCNN năm 2017 đã cũng cố thêm khả năng người bị thiệt hại (người yêu cầu bồi thường) có quyền yêu cầu bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính để “tiết kiệm được thời gian, chi phí cho cả hai bên, đồng thời cũng phù hợp với quy định tại nhiều luật hiện hành như Luật Khiếu nại năm 2011, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 và Luật Tố tụng Hành chính năm 2015”.

Luật TNBTCNN năm 2017 (khoản 1 Điều 55) quy định: “Việc giải quyết vụ án hình sự, vụ án hành chính có nội dung yêu cầu bồi thường được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự, tố tụng hành chính”.

* Thời hiệu yêu cầu Nhà nước bồi thường trong tố tụng hành chính

Đối với thời hiệu yêu cầu Nhà nước bồi thường trong quá trình tố tụng hành chính, khoản 2 Điều 6 Luật TNBTCNN năm 2017 quy định: “Thời hiệu yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hành chính được xác định theo thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính”. Với quy định vừa nêu, các loại thời hiệu yêu cầu Nhà nước bồi thường là 3 năm tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ, thời hiệu khởi kiện yêu cầu Nhà nước bồi thường là 03 năm theo thủ tục tố tụng dân sự… được trình bày ở phần trên không được áp dụng, bởi lẽ không có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường.

Luật Tố tụng Hành chính năm 2015 (Điều 116) quy định: Thời hiệu khởi kiện là 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính (điểm a khoản 2). Trường hợp đương sự khiếu nại theo đúng quy định của pháp luật đến cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thì thời hiệu khởi kiện: là 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quyết định giải quyết khiếu nại lần hai (điểm a khoản 3); là 01 năm kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật mà cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền không giải quyết và không có văn bản trả lời cho người khiếu nại (điểm b khoản 3).

* Thời hiệu yêu cầu Nhà nước bồi thường trong tố tụng hình sự

BLTTHS năm 2015 (Điều 30) quy định: “Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại, bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì vấn đề dân sự có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự”.

Đối với yêu cầu Nhà nước bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự, Luật TNBTCNN năm 2017 không có quy định về thời hiệu yêu cầu Nhà nước bồi thường. Điều này có nghĩa rằng, thời hiệu yêu cầu Nhà nước bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự phụ thuộc vào quá trình giải quyết vụ án hình sự (khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử) theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

Kết luận và kiến nghị

Luật TNBTCNN năm 2017 đã quy định nhiều loại thời hiệu khác nhau như thời hiệu yêu cầu Nhà nước bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ, thời hiệu khởi kiện ra Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự để yêu cầu Nhà nước bồi thường, thời hiệu yêu cầu Nhà nước bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính. Theo chúng tôi, Luật TNBTCNN năm 2017 quy định nhiều loại thời hiệu như vậy là xuất phát từ việc đa dạng hóa các thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường, nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại do Nhà nước gây ra.

Trong bài viết, chúng tôi đã làm rõ và khẳng định thời hiệu yêu cầu Nhà nước bồi thường là loại thời hiệu đặc trưng riêng có trong Luật TNBTCNN, đưa ra khái niệm thời hiệu yêu cầu bồi thường, phân loại thời hiệu khởi kiện yêu cầu Nhà nước bồi thường theo thủ tục tố tụng dân sự, làm rõ thời hiệu yêu cầu Nhà nước bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, vụ án hành chính. Qua đó, chúng tôi hy vọng sẽ góp phần làm sáng rõ pháp luật thực định, áp dụng thống nhất pháp luật và hoàn thiện pháp luật về thời hiệu trong Luật TNBTCNN cũng như pháp luật dân sự.

Thông qua việc nghiên cứu pháp luật thực định và thực tiễn xét xử, chúng tôi thấy cần thiết có một Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hoặc (và) một Thông tư liên tịch của các ngành liên quan để hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật về thời hiệu yêu cầu, khởi kiện yêu cầu Nhà nước bồi thường nói riêng cũng như những vấn đề khác trong Luật TNBTCNN năm 2017 nói chung.

Nguồn: Theo Tạp chí Tòa án

3206

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]