21/10/2021 14:11

Thời hiệu thừa kế theo pháp luật dân sự và thực trạng vận dụng pháp luật của Tòa án

Thời hiệu thừa kế theo pháp luật dân sự và thực trạng vận dụng pháp luật của Tòa án

Tranh chấp thừa kế diễn ra khá phổ biến ở Việt Nam, một vấn đề rất được chú trọng trong các vụ án thừa kế là thời hiệu, việc xác định một di sản còn thời hiệu yêu cầu chia di sản hay không tác động rất ,lớn dến quyền lợi của các người thừa kế. Bài viết phân tích thời hiệu thừa kế ở các góc độ pháp luật thực định, và góc độ thực tiễn Tòa án áp dụng pháp luật trong công tác xét xử. Kiến nghị giải pháp hoàn thiện.

Thừa kế là một chế định quan trọng trong pháp luật dân sự, và tranh chấp thừa kế rất khó khăn và phức tạp, xuyên suốt lịch sử quá trình lập pháp Việt Nam ta từ khi có Pháp lệnh Thừa kế năm 1990, các BLDS năm 1995, năm 2005 và năm 2015 đều có qui định về thừa kế. Nếu như vụ án thừa kế mà có thời điểm mở thừa kế xảy ra ở thời điểm BLDS 2015 hiện hành đang có hiệu lực thì việc xác định còn thời hiệu hay không tương đối đơn giản, tuy nhiên sẽ là phức tạp trong việc xác định thời hiệu thừa kế, khi thời điểm mở thừa kế ở trước hoặc sau Pháp lệnh thừa kế, nhưng hiện bây giờ lại có tranh chấp, do pháp luật qua các thời kì có sự quy định khác nhau và có các Nghị quyết hướng dẫn ở các thời kỳ nhất định, sẽ rất khó xác định còn hay hết thời hiệu khởi kiện.

1.Quy định pháp luật

Theo quy định BLDS 2015, thời hạn yêu cầu chia di sản 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản. Đối với các di sản mà thời điểm mở thừa kế trước khi BLDS 2015 có hiệu lực thì có áp dụng thời hiệu mới theo luật dân sự mới, theo điểm d khoản 1 Điều 688 BLDS 2015 “Thời hiệu được áp dụng theo qui định của Bộ luật này”. Đồng thời, theo giải đáp nghiệp vụ số 01/GĐ – TANDTC, ngày 05 tháng 01 năm 2018 của TANDTC tại Mục I. Dân sự Trường hợp người để lại di sản thừa kế chết trước năm 1987 mà hiện nay Tòa án mới thụ lý, giải quyết tranh chấp thì thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế là bất động sản được xác định như thế nào?lpb

Kể từ ngày Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành, theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015, khoản 4 Điều 4 Nghị quyết số 02/2016/NQ-HĐTP ngày 30-6-2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị quyết số 103/2015/QH13 ngày 25-11-2015 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự và Nghị quyết số 104/2015/QH13 ngày 25-11-2015 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tố tụng hành chính thì từ ngày 01-01-2017.

Tòa án áp dụng khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 về thời hiệu thừa kế để thụ lý, giải quyết vụ án dân sự "Tranh chấp về thừa kế tài sản”. Theo đó, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản kể từ thời điểm mở thừa kế … ”

Như vậy, nếu một trong các người thừa kế di sản, có yêu cầu chia di sản thừa kế thì có quyền yêu cầu Tòa án chia di sản trong thời hạn Luật quy định, tuy nhiên thực tế thời hiệu này có thể kéo dài ra thêm, bởi các quy định cho phép “kéo dài” thời gian khởi kiện được quy định trong BLDS và một số văn bản của UBTVQH, cùng với Án lệ, khi cơ quan tài phán xét xử, họ có thể kết hợp các qui định trên.

 Thứ nhất, ta có quy định về “Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự” tại Điều 156 BLDS 2015, theo đó nếu trong khoảng thời hạn được phép yêu cầu chia thừa kế mà xuất hiện một trong các sự kiện ở Điều luật như trên thì khoảng thời gian này không tính vào thời hiệu khởi kiện.

Thứ hai, là quy định “bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự”, theo Điều 157 BLDS 2015, nếu trong vụ án thừa kế đã gần hết thời hiệu, mà có xảy ra các trường hợp như bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện; bên có nghĩa vụ thừa nhận hoặc thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện; các bên đã tự hòa giải với nhau, thì theo khoản 2 Điều 157, thời hiệu bắt đầu lại kể từ ngày tiếp theo sau ngày xảy ra các trường hợp trên.

Thứ ba, quy định kéo dài thời hiệu còn được quy định trong các Nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH như: Nghị quyết không số, của Quốc hội khóa IX, kỳ họp thứ 8 thi hành BLDS 1995, ngày 28/10/1995; Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH của UBTVQH, ngày 20/8/1998; Nghị quyết 1037/2006/NQ-UBTVQH11 của UBTVQH, ngày 1/9/2006. Theo đó, Điều 4 Nghị quyết không số, của Quốc hội khóa IX, kỳ họp thứ 8 thi hành BLDS 1995, ghi nhận “Đối với giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 1/7/1991, thì sẽ được thực hiện theo quy định Quốc hội”, như vậy nếu thời điểm mở thừa kế trước ngày 1/7/1991 ta cần phải lưu ý phân biệt hai trường hợp như sau:

 Trường hợp một, nếu giao dịch này không có người Việt Nam định cư ở nước ngoài, thì ta vận dụng theo khoản 2 Điều 17 của Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH của UBTVQH, ngày 20/8/1998 “ thời gian từ ngày 1/7/1996 đến ngày Nghị quyết này có hiệu lực (ngày 1/1/1999) không tính vào thời hiệu trong thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, đối với giao dịch dân dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 1/9/1991”. Trong vụ án thừa kế mà thuộc trường hợp của Nghị quyết này phải cộng thêm 2 năm 6 tháng. Nghị quyết này không áp dụng cho giao dịch xác lập trước ngày 1/7/1991 mà có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia được qui định tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH của UBTVQH, ngày 20/8/1998 ;

Trường hợp hai, nếu có người Việt Nam định cư ở nước ngoài ta vận dụng theo Nghị quyết 1037/2006/NQ-UBTVQH11 của UBTVQH, ngày 1/9/2006, đối vớ các giao dịch dân sự (có cả thừa kế) thì theo khoản 2 Điều 39 của Nghị quyết này quy định “Thời gian từ ngày 01/7/1996 đến ngày  Nghị quyết này có hiệu lực không tính vào thời hiệu trong thủ tục giải quyết các vụ án dân sự đối với giao dịch dân sự về nhà ở xác lập trước ngày 01 tháng 07 năm 1991 có người Việt Nam định cư nước ngoài tham gia”. Trong vụ án thừa kế mà thuộc trường hợp của Nghị quyết 1037/2006/NQ-UBTVQH11 của UBTVQH, ngày 1/9/2006 phải cộng thêm 10 năm 2 tháng.

Thứ tư, phối hợp Án lệ số 26/2018/AL “về xác định thời điểm bắt đầu tính thời hiệu và thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế là bất động sản”, được Hội đồng Thẩm phán TANDTC thông qua ngày 17/10/2018 và được công bố theo Quyết định số 269/QĐ-CA ngày 06/11/2018 của Chánh án TANDTC, cùng với Điều 623, Điều 688 của BLHS 2015, Điều 36 Thời hiệu khởi kiện về thừa kế của Pháp lệnh Thừa kế, số 44-LCT/HD9NN8, ngày 30/8/1990.

Theo Án lệ 26 ghi nhận ở phần “Tình huống án lệ: Người để lại di sản thừa kế là bất động sản chết trước ngày công bố Pháp lệnh Thừa kế ngày 30-8-1990. Tại thời điểm Tòa án xét xử sơ thẩm, Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 đang có hiệu lực pháp luật.

Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, phải xác định thời điểm bắt đầu tính thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế là ngày công bố Pháp lệnh Thừa kế ngày 30-8-1990. Thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế được xác định theo quy định của Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13”. Dựa trên Án lệ sẽ áp dụng thời hiệu 30 năm đối với bất động sản mà thời điểm mở thừa kế trước ngày BLDS 2015 có hiệu lực (ngày 1/1/2017), và thời điểm bắt đầu tính thời hiệu thừa kế là ngày công bố Pháp lệnh thừa kế (ngày 10/9/1990). Như vậy, tính lại thời điểm bắt đầu là ngày công bố pháp lệnh ngày 10/9/1990, theo quy định tại khoản 1 Điều 623 BLDS năm 2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017), thì thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Qua phân tích trên ta thấy, nếu thực tế xảy ra một vụ việc thừa kế mà có người để lại di sản chết trước ngày công bố Pháp lệnh thừa kế ngày 30/8/1990, có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan, và có chủ thể tham gia vụ việc thừa kế rơi vào Nghị quyết 58/1998/NQ-UBTVQH của UBTVQH, ngày 20/8/1998 hoặc Nghị quyết 1037/2006/NQ-UBTVQH11 của UBTVQH, ngày 1/9/2006, về vấn đề áp dụng hai nghị quyết này đã được nhắc đến trong giải đáp nghiệp vụ số 01/GĐ – TANDTC của TANDTC, ngày 05/01/2018 tại mục I Dân sự. Cùng với sự kết hợp với Án lệ 26 và Điều 623 BLDS 2015 thì khả năng thời hiệu thừa kế sẽ rất dài trên thực tế.

2.Thực trạng và bất cập

Để phản ánh thực trạng thời hiệu khởi kiện về thừa kế trên thực tế thông qua công tác xét xử của Tòa án, qua các bản án liên quan đến thừa kế mà tôi tìm kiếm được trên cổng thông tin điện tử của Tòa án, địa chỉ đường dẫn: congbobanan.toaan.gov.vn - tôi lựa chọn bản án số 28/2020/DS-ST, ngày 14/12/2020, về việc “Tranh chấp di sản thừa kế và yêu cầu hủy giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất” của TAND tỉnh Quảng Bình để phân tích. Bản án nói trên đã có hiệu lực pháp luật được đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử

Tóm tắt bản án: Cụ Cao Ngọc C qua đời năm 1982, cụ Dương Thị Ch qua đời năm 2008, hai cụ khi qua đời không có di chúc, hai cụ có 7 người con, di sản là một thửa đất có diện tích 2.130m2, trong đó có 200m2 đất ở, còn lại là vườn, trên đất có căn nhà cấp 4, diện tích 50m2, trong vụ án trên bà Cao Thị B là nguyên đơn yêu cầu chia di sản thừa kế, ông Cao M Kh là bị đơn không đồng ý yêu cầu chia di sản, vì đã hết thời hạn 30 năm đối với nhà, đất, tính từ lúc cụ Cao Ngọc C qua đời 1982 tới ngày khởi kiện ngày 5/8/2019 đã là 37 năm. Như vậy, đối chiếu về mặt pháp luật tại Điều 623 BLDS 2015, thời hiệu chia di sản đối với bất động sản là 30 năm của cụ Cao Ngọc C đã hết, thời hiệu chia sản của cụ Dương Thị Ch vẫn còn .

Tuy nhiên, quan điểm của TAND tỉnh Quảng Bình lại không đồng ý với yêu cầu của bị đơn, tại phần nhận định của Tòa án trong Bản án, mục 1.2 về thời hiệu khởi kiện Tòa án cho rằng: “Tại giải đáp một số vấn đề về nghiệp vụ số 01/GĐ-TANDTC ngày 05/01/2018 của Toà án nhân dân tối cao đã hướng dẫn: “Đối với trường hợp thừa kế mở trước ngày 10/9/1990, thì thời hiệu khởi kiện chia thừa kế là bất động sản được thực hiện theo quy định tại Điều 36 của Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 và hướng dẫn tại Nghị Quyết số 02/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thừa kế, cụ thể là thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày 10/9/1990”. Tại Án lệ số 26/AL/2018 ghi rõ: đối với những trường hợp mở thừa kế trước ngày 10/9/1990 thì từ thời điểm Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản tính từ ngày 10/9/1990. Cụ Cao Ngọc C qua đời vào năm 1982 không để lại di chúc, do đó thời hiệu khởi kiện chia thừa kế là 30 năm tính từ ngày 10/9/1990.Bà B khởi kiện yêu cầu chia thừa kế di sản cụ C ngày 5/8/2019 nên còn thời hiệu khởi kiện.Cụ Dương Thị Ch mất năm 2008 không để lại di chúc. Tại khoản 1 Điều 623 của Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế”.Bà Cao Thị B khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ Ch vào ngày 05/8/2019 còn trong thời hiệu khởi kiện.”

Qua phần phân tích của Tòa án, đối với phần di sản của cụ Cao Ngọc C, cụ qua đời 1982, tính tới lúc khởi kiện là 37 năm, Tòa án đã vận dụng pháp luật như sau:

Thứ nhất, căn cứ tính thời điểm bắt đầu thời hiệu thừa kế Tòa án không căn cứ vào năm 1982, năm mất của cụ Cao Ngọc C, mà Tòa án lấy thời điểm bắt đầu thời hiệu thừa kế là ngày 10/9/1990. Tòa vận dụng sự tương tự của vụ án đang giải quyết, để áp dụng Án lệ số 26/2018/AL về xác định thời điểm bắt đầu tính thời hiệu và thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế là bất động sản đã được Hội đồng Thẩm phán TANDTC thông qua ngày 17/10/2018 và được công bố theo Quyết định số 269/QĐ-CA ngày 06 tháng 11 năm 2018 của Chánh án TANDTC, cùng với khoản 4 Điều 36 Pháp lệnh Thừa kế và hướng dẫn tại phần số 10 Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19-10-1990 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC. Theo Án lệ, người để lại di sản thừa kế là bất động sản chết trước ngày công bố Pháp lệnh Thừa kế ngày 30-8-1990. Trường hợp này, phải xác định thời điểm bắt đầu tính thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế là ngày công bố Pháp lệnh Thừa kế ngày 30-8-1990, ngày công bố pháp lệnh là ngày 10/9/1990.

Thứ hai, do di sản là bất động sản cho nên thời hạn là 30 năm, căn cứ theo điểm d khoản 1 Điều 688 BLDS năm 2015 “Thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này”, khoản 4 Điều 4 Nghị quyết số 02/2016/NQ-HĐTP ngày 30-6-2016 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC “Từ ngày 01-01-2017, Tòa án áp dụng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13, Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13 và luật khác có liên quan về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu để thụ lý, giải quyết vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động”, đồng thời Án lệ 26 phần Giải pháp pháp lý “Thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế được xác định theo quy định của Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13”.Qua sự kết hợp trên thời hiệu yêu cầu chia di sản của cụ Cao Ngọc C trên thực tế rất dài, thời điểm bắt đầu là 10/9/1990, thời hiệu hết vào năm 2020, và như vậy nguyên đơn nộp đơn khởi kiện ngày 5/8/2019 là còn thời hiệu.

 Tuy nhiên, cũng tại giải đáp một số vấn đề về nghiệp vụ, số 01/GĐ-TANDTC ngày 05/01/2018 của TANDTC có thêm phần hướng dẫn như sau: Khi xác định thời hiệu khi kiện chia di sản thừa kế mà thời điểm mở thừa kế trước ngày 01-7-1991 và di sản là nhà ở thì thời gian từ ngày 01-7-1996 đến ngày 01-01-1999 không tính vào thời hiệu khởi kiện đối với trường hợp thừa kế không có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia (nghị quyết 58/1998/NQ-UBTHVQH, ngày 20/8/1998); thời gian từ ngày 01-7-1996 đến ngày 01-9-2006 không tính vào thời hiệu khởi kiện đối với trường hợp thừa kế có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia(nghị quyết 1037/2006/NQ-UBTHVQH, ngày 27/7/2006). Trong vụ việc trên ta thấy có phần di sản là quyền sử dụng đất, có phần di sản là nhà ở cấp 4, đối với phần di sản là nhà ở thì thời gian từ ngày 01/7/1996 đến ngày 01/01/1999, tức là cộng thêm 2 năm 6 tháng không tính vào thời hiệu khởi kiện đối với trường hợp thừa kế không có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia. Đối với phần này Tòa án không đề cập tới, và nếu làm rõ phần di sản này thực tế thời hiệu di sản có thể dài thêm nữa.

Đối với phần di sản là quyền sử dụng đất, bản án nhận định là do cụ Cao Ngọc C và cụ Dương Thị Ch tạo lập, nhưng không nói tạo lập từ khi nào, nhưng từ lời khai của các bên có thể quyền sử dụng đất do hai cụ tạo lập từ khoảng năm 1952, nếu theo Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP, ngày 10/8/2004, thì kể từ ngày 1/7/2004 quyền sử dụng đất đó cũng là di sản, không phụ thuộc vào thời điểm mở thừa kế, như vậy có khả năng di sản là quyền sử dụng đất thì thời hiệu bắt đầu đối với loại di sản này tính từ ngày 1/7/2004 (thời điểm Luật Đất đai năm 2004 có hiệu lực), nếu vận dụng thời hiệu thừa kế sẽ kéo dài hơn nữa, thời điểm kết thúc sẽ muộn hơn.

Qua phân tích về thời hiệu thừa kế như trên, nếu như thời điểm mở thừa kế diễn ra ở thời điểm BLDS 2015 có hiệu lực thì việc xác định thời hiệu không khó khăn, tuy nhiên nếu có thời điểm mở thừa kế mở trước ngày BLDS 2015 có hiệu lực thì còn tùy thời điểm người quá cố mất, thời hiệu còn có thể kéo dài hơn. Việc vận dụng các quy định pháp luật để kéo dài thời hiệu còn nằm tản mạn rời rạc rất nhiều trong các văn bản khác nhau từ Nghị quyết của UBTVQH, Án lệ, các công văn giải đáp của Tòa án, làm cho việc xác định trở nên rắc rối, tồn tại nhiều bất cập khi giải quyết các vụ việc cụ thể.

3.Kiến nghị

Để giải quyết vấn đề này tôi kiến nghị TANDTC ban hành một Nghị quyết hướng dẫn việc áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử cho các trường hợp mở thừa kế trước khi BLDS 2015 có hiệu lực, trong đó chia ra hai trường hợp.

Thứ nhất, nếu thời điểm mở thừa kế trước ngày 1/1/2017 nhưng sau ngày công bố Pháp lệnh Thừa kế 1990, mà hiện giờ có yêu cầu chia di sản thừa kế, theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 688 BLDS 2015, thì Tòa án áp dụng khoản 1 Điều 623 BLDS giải quyết vụ án dân sự "Tranh chấp về thừa kế tài sản”.

Thứ hai, nếu thời điểm mở thừa kế mở trước ngày công bố Pháp lệnh Thừa kế 10/9/1990 thì thực hiện theo quy định tại Điều 36 Pháp lệnh thừa kế 1990 và hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19-10-1990 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, thời điểm khởi kiện tính từ ngày 10/9/1990. Trong đó, nếu di sản là quyền sử dụng đất thì thời hiệu theo khoản 1 Điều 623, nếu di sản là nhà ở thì thời gian mà thời điểm mở thừa kế trước ngày 01-7-1991 thì thời gian từ ngày 01/7/1996 đến ngày 01/01/1999 không tính vào thời hiệu khởi kiện đối với trường hợp thừa kế không có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia theo Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH, ngày 20/8/1998; Thời gian từ ngày 01/7/1996 đến ngày 01-9-2006 không tính vào thời hiệu khởi kiện đối với trường hợp thừa kế có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia theo Nghị quyết 1037/2006/NQ-UBTVQH11, ngày 1/9/2006.

Trường hợp nếu có phát sinh các sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan,… hoặc các sự kiện làm bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện Tòa án cần phải xem xét, tùy từng trường hợp mà vận dụng cho phù hợp.

NGUYỄN TRẦN NGÀ (Công ty Luật hợp danh Danh và cộng sự, Tp Hồ Chí Minh)

Nguồn: Tạp chí Tòa án

3756

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]


Từ khóa: Thời hiệu | thừa kế |