25/12/2018 14:47

Thời hiệu khởi kiện có được xác định là căn cứ xử lý đơn khởi kiện trong TTHC?

Thời hiệu khởi kiện có được xác định là căn cứ xử lý đơn khởi kiện trong TTHC?

Trong tố tụng hành chính, thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án hành chính bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện. Tuy nhiên, Luật tố tụng hành chính (LTTHC) 2015 có hiệu lực thi hành đã hơn 2 năm nhưng đến nay vẫn còn có ý kiến khác nhau về thời hiệu khởi kiện có được xác định là căn cứ xử lý đơn khởi kiện hay không?

Các quan điểm khác nhau

Khoản 3 Điều 121 LTTHC 2015 quy định:

“3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây: a) Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;

b) Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 246 của Luật này;

c) Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;

d) Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện, nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 123 của Luật này”.

Khoản 1 Điều 123 LTTHC 2015 quy định:

“1. Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện trong những trường hợp sau đây:

a) Người khởi kiện không có quyền khởi kiện;

b) Người khởi kiện không có năng lực hành vi tố tụng hành chính đầy đủ;

c) Trường hợp pháp luật có quy định về điều kiện khởi kiện nhưng người khởi kiện đã khởi kiện đến Tòa án khi còn thiếu một trong các điều kiện đó;

d) Sự việc đã được giải quyết bằng bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;

đ) Sự việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án;

e) Người khởi kiện lựa chọn giải quyết vụ việc theo thủ tục giải quyết khiếu nại trong trường hợp quy định tại Điều 33 của Luật này;

g) Đơn khởi kiện không có đủ nội dung quy định tại khoản 1 Điều 118 của Luật này mà không được người khởi kiện sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Điều 122 của Luật này;

h) Hết thời hạn được thông báo quy định tại khoản 1 Điều 125 của Luật này mà người khởi kiện không xuất trình biên lai nộp tiền tạm ứng án phí cho Tòa án, trừ trường hợp người khởi kiện được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, không phải nộp tiền tạm ứng án phí hoặc có lý do chính đáng.”

Theo quy định nêu trên, khi được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và để ra các quyết định xử lý đơn khởi kiện.

So với Luật TTHC 2010, LTTHC 2015 có sự sửa đổi, bổ sung quy định về các trường hợp trả lại đơn khởi kiện vụ án hành chính. LTTHC 2015 không quy định thời hiệu khởi kiện đã hết là trường hợp trả lại đơn khởi kiện vụ án hành chính. Vấn đề đặt ra là trong giai đoạn xem xét đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo, Thẩm phán có xác định thời hiệu khởi kiện đã hết là căn cứ xử lý đơn khởi kiện hay không? Các hình thức xử lý đơn khởi kiện liên quan trực tiếp đến thời hiệu khởi kiện là trong giai đoạn này là trả lại đơn khởi kiện hoặc thụ lý vụ án hành chính. Về vấn đề này hiện nay còn có các quan điểm khác nhau[1]:

– Quan điểm thứ nhất: Tòa án vẫn tiến hành thụ lý vụ án hành chính theo thủ tục chung.

Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án và không thuộc các trường hợp trả lại đơn khởi kiện theo quy định của LTTHC 2015 thì Thẩm phán thực hiện các thủ tục luật định để thụ lý vụ án. Trong trường hợp này, mặc dù xác định thời hiệu khởi kiện đã hết nhưng Tòa án không thể tiến hành trả lại đơn khởi kiện, bởi vì theo quy định của LTTHC 2015 về các trường hợp trả lại đơn khởi kiện thì không có quy định trả lại đơn khởi kiện do “hết thời hiệu khởi kiện mà không có lý do chính đáng” hay nói cách khác, Tòa án không có căn cứ để trả lại đơn khởi kiện, vì vậy, cần tiến hành thụ lý vụ án hành chính sau đó ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 143 LTTHC 2015.

– Quan điểm thứ hai: Tòa án cần trả lại đơn cho người khởi kiện.

Trước hết, cần xác định, thời hiệu khởi kiện còn hay hết là một trong những cơ sở để xác định người khởi kiện có quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết bằng vụ án hành chính hay không? Hay nói cách khác, đó là một trong những căn cứ xác định Tòa án có trách nhiệm giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện vụ án hành chính của người khởi kiện hay không? Và khi thời hiệu khởi kiện đã hết, có nghĩa người khởi kiện mất quyền khởi kiện và Tòa án nếu đã thụ lý vụ án sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật. Đối với trường hợp trong thời gian xem xét đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo, nếu xác định thời hiệu khởi kiện đã hết theo quy định tại Điều 116 LTTHC 2015, Tòa án cần thực hiện việc trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện chứ không tiến hành thụ lý vụ án sau đó lại ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Căn cứ để Tòa án trả lại đơn khởi kiện là “người khởi kiện không có quyền khởi kiện” theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 123 LTTHC 2015.

Tòa án cần thụ lý vụ án hành chính

 Chúng tôi cho rằng, quan điểm thứ nhất là đúng và không đồng tình với quan điểm thứ hai. Vì các lý do sau:

(1) Mặc dù đến nay, Hội đồng Thẩm phán TANDTC chưa ban Nghị quyết hướng dẫn về trả lại đơn trong tố tụng hành chính, nhưng có thể tham khảo hướng dẫn tại Nghị quyết số 05/2012/HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm” của BLTTDS đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS  và Nghị quyết số 04/2017/HĐTP ngày 05/5/2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn một số quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 192 BLTTDS số 92/2015/QH13 về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp lại đơn khởi kiện. Cụ thể như sau:

+ Khoản 6 Điều 8 Nghị quyết số 05/2012/HĐTP hướng dẫn: “Khoản 1 Điều 168 của BLTTDS đã bỏ căn cứ trả lại đơn khởi kiện vì lý do thời hiệu khởi kiện đã hết, vì vậy, Tòa án không được lấy lý do thời hiệu khởi kiện đã hết để trả lại đơn khởi kiện.

Trường hợp trước đây, Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện vì lý do thời hiệu khởi kiện đã hết mà đương sự có yêu cầu khởi kiện lại, thì Tòa án thụ lý vụ việc và đương sự phải nộp tiền tạm ứng án phí nếu không thuộc diện được miễn theo quy định pháp luật.

Trường hợp đã có bản án, quyết định của Tòa án bác yêu cầu hoặc đình chỉ vì lý do thời hiệu khởi kiện đã hết, thì Tòa án căn cứ điểm b khoản 1 Điều 168 của BLTTDS để trả lại đơn khởi kiện và giải thích cho họ biết họ có quyền làm đơn đề nghị xem xét vụ việc theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định nêu trên.”

+ Khoản 2 Điều 7 Nghị quyết số 04/2017/HĐTP hướng dẫn: “Khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 không quy định căn cứ trả lại đơn khởi kiện vì lý do thời hiệu khởi kiện đã hết, vì vậy, Tòa án không được lấy lý do thời hiệu khởi kiện đã hết để trả lại đơn khởi kiện. Trường hợp kể từ ngày 01-01-2012, Tòa án trả lại đơn khởi kiện vì lý do thời hiệu khởi kiện đã hết và thời hạn giải quyết khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện đã hết mà đương sự có yêu cầu khởi kiện lại vụ án đó thì Tòa án xem xét thụ lý vụ án theo thủ tục chung.”

Trong điều kiện thời hạn xử lý đơn khởi kiện đã được luật quy định rút ngắn, có thể thấy quy định của luật và các hướng dẫn Tòa án không được lấy lý do thời hiệu khởi kiện đã hết để trả lại đơn khởi kiện như trên là nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện, bảo đảm quyền chứng minh của người có quyền khởi kiện.

(2) Những người theo quan điểm thứ hai đã có sự nhầm lẫn giữa “không có quyền khởi kiện” và “mất quyền khởi kiện”. Theo chúng tôi, cần tham khảo Điều 2 Nghị quyết số 04/2017/HĐTP ngày 05/5/2017 hướng dẫn về người khởi kiện không có quyền khởi kiện[2] trong tố tụng dân sự để có thể phân biệt:

+ “Không có quyền khởi kiện” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 123 LTTHC 2015 là người khởi kiện là cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện khi không thuộc trong các trường hợp quy định tại Điều 115 LTTHC 2015[3].

+ “Mất quyền khởi kiện” do hết thời hiệu khởi kiện là trường hợp người khởi kiện có quyền khởi kiện nhưng đã không thực hiện quyền khởi kiện của mình trong thời hạn luật quy định.

Cần phải phân biệt rõ ràng “không có quyền khởi kiện” với “mất quyền khởi kiện” như trên để từ đó thấy rằng việc xác định người khởi kiện có quyền khởi kiện nhưng họ còn quyền khởi kiện hay không cần phải có thời gian xem xét bằng việc thụ lý vụ án.

(3) Bên cạnh đó, khoản 4 Điều 116 LTTHC 2015 cũng quy định: “4. Trường hợp vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác làm cho người khởi kiện không khởi kiện được trong thời hạn quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác không tính vào thời hiệu khởi kiện”[4]. Và như vậy, trong trường hợp vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì người khởi kiện còn phải thu thập chứng cứ, chứng minh; việc này không thể thực hiện ngày một, ngày hai mà có được. Trong khi thời hạn xử lý đơn quy định trong LTTHC 2015 đã rút ngắn lại còn 03 ngày (Luật TTHC 2010 quy định thời hạn này là 5 ngày).

(4) Hơn nữa, đặc thù trong tố tụng hành chính, người khởi kiện được coi là “người yếu thế” trong việc “dân kiện quan”, thời hiệu khởi kiện càng cần được xem xét thấu đáo.

Như vậy, theo chúng tôi, hết thời hiệu khởi kiện không phải là căn cứ xử lý đơn khởi kiện – không thuộc trường hợp trả lại đơn quy định tại khoản 1 Điều 123 LTTHC 2015. Trường hợp người nộp đơn có quyền khởi kiện vụ án theo quy định tại Điều 115 LTTHC 2015[5], không thuộc các trường hợp trả lại đơn theo quy định tại khoản 1 Điều 123 LTTHC 2015 thì về nguyên tắc Thẩm phán phải quyết định thụ lý vụ án. Sau khi thụ lý vụ án, xác định thời hiệu khởi kiện đã hết, Thẩm phán ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 143 LTTHC 2015.

Tuy nhiên, đây là vấn đề vẫn còn có ý kiến khác nhau, do đó để bảo đảm việc áp dụng thống nhất pháp luật, Hội đồng Thẩm phán TANDTC cần sớm ban hành Nghị quyết hướng dẫn về vấn đề này.


[1] Nguyễn Thị Thế, Bàn về việc áp dụng quy định của pháp luật về thời hiệu khởi kiện trong tố tụng hành chính, Tạp chí Tòa án nhân dân số 20/2018, Tr 38 – Tr 45.

[2] Nghị quyết số 04/2017/HĐTP ngày 05/5/2017 hướng dẫn:

“Điều 2. Về người khởi kiện không có quyền khởi kiện quy định tại điểm a khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015

Người khởi kiện không có quyền khởi kiện là cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

Cơ quan, tổ chức, cá nhân không thuộc một trong các chủ thể quy định tại Điều 186, Điều 187 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

a) Cơ quan, tổ chức, cá nhân không thuộc một trong các chủ thể quy định tại Điều 186 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015là trường hợp người làm đơn khởi kiện không nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chính mình hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà mình là người đại diện hợp pháp;

b) Cơ quan, tổ chức, cá nhân không thuộc một trong các chủ thể quy định tại Điều 187 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015là trường hợp người làm đơn khởi kiện không thuộc trường hợp theo quy định của pháp luật có quyền khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước.

Ví dụ: Tổ chức A (không phải là tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010) cho rằng Công ty B bán hàng hóa không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng như đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết dẫn đến việc chị C (người tiêu dùng) mua sử dụng bị thiệt hại nên Tổ chức A làm đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc Công ty B bồi thường thiệt hại cho chị C. Trường hợp này, Tổ chức A không có quyền khởi kiện vụ án bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định tại khoản 3 Điều 187 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

Yêu cầu khởi kiện của cơ quan, tổ chức, cá nhân không cần xác minh, thu thập chứng cứ cũng đủ căn cứ kết luận là không có việc quyền và lợi ích hợp pháp của họ bị xâm phạm hoặc cần bảo vệ.

Ví dụ: Cụ A chết năm 2010, để lại di sản là căn nhà X nhưng không có di chúc và không có thỏa thuận khác. Cụ A có con là ông B (còn sống, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và không thuộc trường hợp không được quyền hưởng di sản theo Điều 621 Bộ luật dân sự năm 2015). Trường hợp này, theo quy định của pháp luật về thừa kế thì anh C là con của ông B không có quyền khởi kiện yêu cầu chia di sản của cụ A theo pháp luật.”

[3] Điều 115 Luật TTHC 2015 quy định:

“Điều 115. Quyền khởi kiện vụ án

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc trong trường hợp không đồng ý với quyết định, hành vi đó hoặc đã khiếu nại với người có thẩm quyền giải quyết, nhưng hết thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết nhưng không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại về quyết định, hành vi đó.

Tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án đối với quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh trong trường hợp không đồng ý với quyết định đó.

Cá nhân có quyền khởi kiện vụ án về danh sách cử tri trong trường hợp đã khiếu nại với cơ quan có thẩm quyền giải quyết, nhưng hết thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết, nhưng không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại đó.”

[4] Điểm a, điểm b khoản 2 Điều 116 Luật TTHC 2015 quy định như sau:

“2. Thời hiệu khởi kiện đối với từng trường hợp được quy định như sau:

a) 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc;

b) 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh;”

[5] Điều 115 Luật TTHC 2015 quy định:

“Điều 115. Quyền khởi kiện vụ án

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc trong trường hợp không đồng ý với quyết định, hành vi đó hoặc đã khiếu nại với người có thẩm quyền giải quyết, nhưng hết thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết nhưng không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại về quyết định, hành vi đó.

Tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án đối với quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh trong trường hợp không đồng ý với quyết định đó.

Cá nhân có quyền khởi kiện vụ án về danh sách cử tri trong trường hợp đã khiếu nại với cơ quan có thẩm quyền giải quyết, nhưng hết thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết, nhưng không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại đó.”     

Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân

2411

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]