01/06/2020 16:36

Thời hiệu khởi kiện áp dụng cho trường hợp mở thừa kế trước ngày 01/01/2017

Thời hiệu khởi kiện áp dụng cho trường hợp mở thừa kế trước ngày 01/01/2017

Hiện nay, các tranh chấp thừa kế mà di sản để lại là bất động sản diễn ra ngày càng nhiều, đặc biệt tập trung vào trường hợp người để lại di sản thừa kế chết trước ngày Bộ luật dân sự 2015 có hiệu lực, tức 01/01/2017 mà không để lại di chúc. Việc xác định thời hiệu trong trường hợp này còn nhiều bỏ ngỏ do quy định pháp luật chưa quy định rõ ràng dẫn đến gây nhầm lẫn trong việc áp dụng.

Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 10/2020/DS-PT ngày 15/01/2020 về tranh chấp thừa kế tài sản, hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có dung như sau:

“Cụ L chết ngày 02/02/1985 (không để lại di chúc), cụ Nhn chết ngày 02/06/2016, hai cụ có tài sản nhà và đất diện tích 1185,6 m2 đất, ao vườn tại tại Quỳnh Cư 2, phường Hùng Vương, quận Hbg, thành phố Hpg. Cụ L và cụ Nhn sinh được 05 người con là ông Hng, bà O, bà Chm, bà Km và bà Hn. Ngày 15/11/2016, ông Hng khởi kiện vụ án yêu cầu chia di sản thừa kế cụ L và cụ Nhn để lại và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Theo nhận định của Tòa án cấp cao tại Hà Nội về thời hiệu khởi kiện: áp dụng khoản 1 Điều 623 Bộ luật dân sự 2015 về thời hiệu thừa kế để thụ lý giải quyết. Đối với trường hợp thừa kế mở trước ngày 10/09/1990 thì thời hiệu khởi kiện thực hiện theo Điều 36 Pháp lệnh thừa kế năm 1990 và thời hiệu khởi kiện tính từ ngày 10/09/1990; do đó, vụ án còn trong thời hiệu khởi kiện theo quy định.”

Thừa kế là một trong những quyền cơ bản nhằm bảo vệ quyền tài sản của mỗi công dân. Tuy nhiên, quyền thừa kế không phải là vô thời hạn mà phải có thời hạn nhất định do pháp luật quy định, đó là thời hiệu. Vấn đề xác định thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế là hết sức quan trọng để Tòa án có thụ lý, giải quyết vụ án hay ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.

Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

Điều 623. Thời hiệu thừa kế

1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Theo đó, đối với các tranh chấp chia di sản thừa kế là bất động sản mà người để lại di sản chết sau ngày 01/01/2017 thì hiển nhiên thời hiệu áp dụng là 30 năm kể từ thời điểm mở thừa kế. Vậy cụ L chết năm 1985, trước ngày Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực thì Tòa án có thể áp dụng thời hiệu như quy định không?

Điều 688. Điều khoản chuyển tiếp

1. Đối với giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật này có hiệu lực thì việc áp dụng pháp luật được quy định như sau:

2. a) …

Theo cách diễn đạt tại khoản 1 Điều 688 Bộ luật Dân sự  năm 2015 thì chỉ các giao dịch dân sự mới áp dụng thời hiệu chia di sản thừa kế đối với bất động sản là 30 năm kể từ thời điểm mở thừa kế. Trong trường hợp vụ án trên, cụ L trước khi chết không để lại di chúc, tức đây là thừa kế theo pháp luật. Nếu là chia di sản thừa kế theo di chúc thì áp dụng thời hiệu 30 năm là có cơ sở.

Tuy nhiên, tại Điều 116 Bộ luật Dân sự 2015 đã định nghĩa “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Như vậy, thừa kế theo pháp luật không phải là một giao dịch dân sự, liệu có thể áp dụng thời hiệu chia di sản thừa kế cho trường hợp này là 30 năm hay không?

Đối chiếu với Án lệ số 26/2018/AL có phần nội dung khái quát như sau:

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2017), thì thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Như vậy kể từ ngày Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành, Tòa án áp dụng quy định tại Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 để xác định thời hiệu đối với trường hợp mở thừa kế trước ngày 01-01-2017

Nội dung Án lệ đã chấp nhận việc áp dụng thời hiệu 30 năm kể từ thời điểm mở thừa kế đối với các yêu cầu chia di sản thừa kế là bất động sản mà người để lại di sản chết trước ngày Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực.

Việc phát triển nội dung án lệ đã bổ sung các thiếu sót trong quy định về thời hiệu của pháp luật, đồng thời mở ra hướng giải quyết mới cho tòa án, giúp các tranh chấp về chia di sản thừa kế không bị bỏ ngỏ vì hết thời hiệu.

Như Ý
14213

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]