13/08/2022 16:40

Thời hạn tối đa được nghỉ phép không hưởng lương và các quy định liên quan

Thời hạn tối đa được nghỉ phép không hưởng lương và các quy định liên quan

“Tôi xin hỏi pháp luật có quy định thời hạn tối đa được nghỉ phép không hưởng lương không? Trường hợp nếu NSDLĐ không cho NLĐ nghỉ nhưng NLĐ vẫn nghỉ thì NLĐ có thể chịu những rủi ro nào? Xin cảm ơn!” _ Ngọc Ánh (Huế)

THƯ VIỆN BẢN ÁN xin giải đáp thắc mắc của bạn như sau:

Tại Khoản 2,3 Điều 115 Bộ Luật lao động 2019 có quy định về vấn đề nghỉ không hưởng lương như sau:

Điều 115. Nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương

..

2. Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.

3. Ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.”

Như vậy, pháp luật quy định về 2 trường hợp nghỉ không lương.

- Trường hợp 1: NLĐ sẽ được nghỉ không lương 1 ngày khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.

Có thể hiểu trường hợp được nghỉ này là đương nhiên. nếu NSDLĐ không cho nghỉ trong trường hợp này thì NSDLĐ sẽ bị phạt từ 2 đến 5 triệu đồng, riêng đối với NSDLĐ là tổ chức sẽ chịu mức phạt từ 4 triệu đồng đến 10 triệu đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 6 và điểm a khoản 1 Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.

- Trường hợp 2: NLĐ có thể thoả thuận với NSDLĐ để đề nghị nghỉ không lương. Tuy nhiên, pháp luật không quy định trường hợp nào NSDLĐ bắt buộc phải đồng ý và cũng không quy định nghỉ không lương được tối đa bao nhiêu ngày.

Từ đó có thể hiểu ngoài trường hợp đương nhiên được nghỉ 1 ngày tại trường hợp 1 thì những trường hợp khác NLĐ muốn nghỉ không lương phải thoả thuận được với NSDLĐ (được NSDLĐ đồng ý). Nếu NSDLĐ không đồng ý thì NLĐ không được tự ý nghỉ. Và thời gian nghỉ là không giới hạn thời gian tối đã nếu NSDLĐ đồng ý.

NLĐ cần lưu ý trường hợp tự ý nghỉ khi chưa được sự đồng ý của NSDLĐ thì NLĐ có thể phải chịu các rủi ro sau:

Có thể bị sa thải theo quy định tại Khoản 4 Điều 125 Bộ Luật lao động 2019 khi tự ý bỏ việc 5 ngày cộng dồn trong tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày, cụ thể:

Điều 125. Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải

Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong trường hợp sau đây:...

4. Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng.

Trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm thiên tai, hỏa hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.”

NLĐ cũng có thể bị NSDLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi NLĐ tự ý bỏ việc từ 5 ngày liên tục trở lên mà không có do chính đáng theo quy định tại Khoản 1 Điều 36 Bộ Luật lao động 2019.

Nguyễn Sáng
2961

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]