06/09/2021 13:54

Thời hạn tạm giam trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án hình sự - Bất cập cần sửa đổi

Thời hạn tạm giam trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án hình sự - Bất cập cần sửa đổi

Thời hạn tạm giam đối với từng bị can trong một vụ án không đồng nhất với thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án. Cho nên, thời hạn tạm giam và thẩm quyền ra lệnh tạm giam quy định tại Điều 278 BLTTHS có một số hạn chế, bất cập, tác giả kiến nghị sửa đổi điều luật này.

1. Thời hạn chuẩn bị xét xử

Thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hình sự là khoảng thời gian theo quy định của BLTTHS để Tòa án thực hiện các hoạt động tố tụng và các công việc cần thiết khác chuẩn bị cho việc xét xử vụ án tại phiên toà sơ thẩm đạt chất lượng và hiệu quả cao. Thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án được tính từ ngày Toàn án thụ lý vụ án. Trong thời hạn này, Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà có nhiệm vụ nghiên cứu hồ sơ, giải quyết các khiếu nại và yêu cầu của những người tham gia tố tụng và tiến hành những việc khác cần thiết cho việc mở phiên toà. Theo quy định tại Điều 277 BLTTHS, thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hình sự bao gồm: Thời hạn để Thẩm phán chủ tọa phiên tòa nghiên cứu hồ sơ và ra một trong những quyết định cần thiết[1]; Thời hạn để Thẩm phán làm những công việc chuẩn bị cho việc mở phiên toà theo quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Thời hạn để Thẩm phán ra một trong các quyết định cần thiết phụ thuộc vào tội phạm mà VKS truy tố đối với bị can là tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng. Vì thế, khi nhận hồ sơ vụ án do chánh án phân công, Thẩm phán cần lưu ý xác định bị can bị VKS truy tố về tội gì, thuộc loại tội phạm nào theo quy định về phân loại tội phạm tại Điều 9 BLHS. Trường hợp vụ án có nhiều bị can bị truy tố về nhiều tội thuộc các loại tội phạm khác nhau thì thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án được xác định trên cơ sở tội phạm có mức độ nghiêm trọng cao nhất. Ví dụ: Vụ án có hai bị can trong đó Nguyễn Văn A bị truy tố về tội “cố ý gây thương tích” theo khoản 1 Điều 134 BLHS (là tội phạm ít nghiêm trọng), Nguyễn Văn B bị truy tố về tội “cướp tài sản” theo khoản 1 điều 168 BLHS (là tội phạm rất nghiêm trọng) thì thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án được xác định trên cơ sở tội phạm mà Nguyễn Văn B bị truy tố.

Theo khoản 1 Điều 277 BLTTHS, thời hạn để ra một trong các quyết định cần thiết đối với từng loại tội phạm như sau: đối với tội phạm ít nghiêm trọng là 30 ngày, đối với tội phạm nghiêm trọng là 45 ngày, đối với tội phạm rất nghiêm trọng là 2 tháng và đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là 3 tháng. Khi thời hạn nêu trên gần hết (còn lại không quá năm ngày) mà Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà thấy vụ án phức tạp nên chưa ra được một trong những quyết định cần thiết thì phải báo cáo ngay với Chánh án Tòa án để ra quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử. Vụ án phức tạp có thể là: Vụ án có nhiều bị can, phạm tội có tổ chức hoặc phạm nhiều tội; Vụ án liên quan đến nhiều lĩnh vực hoặc nhiều địa phương; Vụ án có nhiều tài liệu, có các chứng cứ mâu thuẫn với nhau cần có thêm thời gian để nghiên cứu, tổng hợp các tài liệu có trong hồ sơ vụ án hoặc để tham khảo ý kiến của cơ quan chuyên môn…

Đối với những vụ án phức tạp, Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 15 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Hết thời hạn được gia hạn, Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà phải ra một trong những quyết định quy định tại khoản 1 Điều 277 BLTTHS.

Nếu Thẩm phán chủ toạ phiên toà ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử kết thúc vào ngày ra quyết định. Thời hạn chuẩn bị xét xử khi Tòa án nhận lại hồ sơ từ VKS (trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung) hoặc Tòa án ra quyết định phục hồi vụ án được quy định như sau:

+ Đối với trường hợp vụ án được trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung, thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận lại hồ sơ, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử;

+ Đối với trường hợp ra quyết định tạm đình chỉ vụ án hoặc quyết định đình chỉ vụ án nhưng sau đó lại có quyết định phục hồi vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử được bắt đầu tính lại, kể từ ngày Tòa án ra quyết định phục hồi vụ án khi lý do tạm đình, đình chỉ vụ án không còn.

Như vậy, thời hạn để Thẩm phán chủ tọa phiên tòa nghiên cứu hồ sơ và ra một trong những quyết định cần thiết bao gồm thời hạn quy định tại khoản 1 và thời hạn được gia hạn quy định tại khoản 2 Điều 277 BLTTHS. Theo đó, thời hạn để Thẩm phán chủ tọa phiên tòa nghiên cứu hồ sơ và ra một trong những quyết định cần thiết: Đối với tội phạm ít nghiêm trọng là 45 ngày (= 30 ngày + 15 ngày); Đối với tội phạm nghiêm trọng là 60 ngày (= 45 ngày + 15 ngày);  Đối với tội phạm rất nghiêm trọng là 2 tháng 30 ngày (= 2 tháng + 30 ngày) và đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là 3 tháng 30 ngày (= 3 tháng + 30 ngày)[2].

Thời hạn để Thẩm phán làm những công việc chuẩn bị cho việc mở phiên toà tối đa là 30 ngày, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử. Bởi lẽ, theo quy định tại khoản 3 Điều 277 BLTTHS, thì: Trường hợp thẩm phán ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên toà trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra quyết định; Trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa án có thể mở phiên toà trong thời hạn 30 ngày.

2. Thời hạn tạm giam trong giai đoạn chuẩn bị xét xử

Theo quy định tại khoản 2 và 3 Điều 278 BLTTHS, thì: Thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại khoản 1 Điều 277 của Bộ luật này; Đối với bị cáo đang bị tạm giam mà đến ngày mở phiên tòa thời hạn tạm giam đã hết, nếu xét thấy cần tiếp tục tạm giam để hoàn thành việc xét xử thì Hội đồng xét xử ra lệnh tạm giam cho đến khi kết thúc phiên tòa.

Điểm khác nhau căn bản giữa thời hạn chuẩn bị xét xử và thời hạn tạm giam trong giai đoạn chuẩn bị xét xử là: Thời hạn chuẩn bị xét xử một vụ án hình sự cụ thể (trong trường hợp vụ án có nhiều bị can bị truy tố về các tội phạm nặng, nhẹ khác nhau) được quyết định chung theo tội phạm nặng nhất mà VKS truy tố; Thời hạn tạm giam được quyết định đối với từng bị can theo tội phạm mà VKS truy tố. Do vậy, thời hạn tạm giam đối với từng bị can trong một vụ án không đồng nhất với thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án. Cho nên, thời hạn tạm giam và thẩm quyền ra lệnh tạm giam quy định tại Điều 278 BLTTHS có một số hạn chế, bất cập:

- Thứ nhất, mặc dù khoản 2 Điều 278 BLTTHS quy định thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại khoản 1 Điều 277 của BLTTHS, tuy nhiên, sau khi thụ lý hồ sơ Chánh án hoặc Phó Chánh án nếu ra quyết định tạm giam bị can, thì thời hạn tạm giam: Đối với bị can bị truy tố về tội phạm ít nghiêm trọng chỉ là là 30 ngày; Đối với bị can bị truy tố về tội phạm nghiêm trọng chỉ là 45 ngày; Đối với bị can bị truy tố về tội phạm rất nghiêm trọng chỉ là 2 tháng và đối với bị can bị truy tố về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng chỉ là 3 tháng. Vậy, trong trường hợp vụ án phức tạp, đến hết thời hạn nêu trên, Chánh án quyết định gia hạn chuẩn bị xét xử và lệnh tạm gian đã hết hoặc gần hết, thì có gia hạn thời hạn tạm giam không quá 15 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng hay không. Nếu gia hạn, thì căn cứ vào điều luật nào của BLTTHS.

Bởi lẽ, quyết định mà Thẩm phán ban hành trong thời gian gia hạn chuẩn bị xét xử không chỉ là quyết định đưa vụ án ra xét xử mà còn có thể là quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án. Khi chưa có quyết định đưa vụ án ra xét xử thì người bị truy tố chưa là bị cáo. Do vậy, không thể căn cứ vào quy định tại khoản 3 Điều 278 BLTTHS để tiếp tục tạm giam bị can trong trường hợp này.

- Thứ hai, quy định tại khoản 3 Điều 278 BLTTHS “Đối với bị cáo đang bị tạm giam mà đến ngày mở phiên tòa thời hạn tạm giam đã hết, nếu xét thấy cần tiếp tục tạm giam để hoàn thành việc xét xử thì Hội đồng xét xử ra lệnh tạm giam cho đến khi kết thúc phiên tòa” mới chỉ bảm đảm được sự liên tục về thời hạn tạm giam nhưng lại không bảo đảm tính khả thi. Bởi lẽ, chủ thể có thẩm quyền ra lệnh tạm giam trong trường hợp này là Hội đồng xét xử. Trong khi Hội đồng xét xử chỉ bắt đầu hoạt động từ thời điểm Thẩm phán chủ tọa phiên tòa khai mạc phiên tòa và đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử.

- Thứ ba, quy định tại Điều 278 BLTTHS cũng chưa đề cập tới việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giam trong trường hợp Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, tạm đình chỉ vụ án. Do vậy, đến ngày hết thời hạn chuẩn bị xét xử (đồng nghĩa với thời hạn tạm giam theo quy định tại khoản 2 Điều 278 là không quá thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại khoản 1 Điều 277 BLTTHS) mà Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, tạm đình chỉ vụ án và xét thấy cần phải tạm giam bị can để trả lại hồ sơ cho VKS điều tra bổ sung hoặc chờ kết luận giám định tư pháp, kết luận định giá tài sản, kết quả tương trợ tư pháp hoặc kết quả xử lý văn bản pháp luật mà Tòa án kiến nghị[3] thì không có căn cứ để tạm giam bị can. Với sự thiếu vắng những quy định này đã tạo một sức ép đối với Thẩm phán là trả hồ sơ trước khi kết thúc thời hạn chuẩn bị xét xử một khoảng thời gian để VKS nhận lại hồ sơ và ra lệnh tạm giam để điều tra bổ sung[4]. Đồng thời, bó tay Tòa án trong việc áp dụng biện pháp tạm giam khi ra quyết định tạm đình chỉ vụ án.

Để khắc phục những bất cập nêu trên, đề nghị sửa đổi Điều 278 BLTTHS như sau:

“Điều 278. Áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế

1. Sau khi thụ lý vụ án hoặc ra quyết định phục hồi vụ án, Thẩm phán chủ toạ phiên tòa quyết định việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, trừ việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giam do Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quyết định.

2. Thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại khoản 1 Điều 277 của Bộ luật này. Thời hạn tạm giam trong trường gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử không được quá thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 277 của Bộ luật này.

Thời hạn tạm giam để gửi quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung kèm theo hồ sơ cho Viện kiểm sát là 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Thời hạn tạm giam trong trường hợp tạm đình chỉ vụ án kết thúc khi Tòa án[5] ra quyết định phục hồi vụ án và áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Đối với bị cáo đang bị tạm giam mà đến ngày mở phiên tòa thời hạn tạm giam đã hết, nếu xét thấy cần tiếp tục tạm giam để hoàn thành việc xét xử thì Toà án ra lệnh tạm giam cho đến khi kết thúc phiên tòa.

TS. MAI BỘ (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam)

Nguồn: Tạp chí Tòa án

[1] Theo quy định tại khoản 1 Điều 277 BLTTHS, thì Thẩm phán phải ra một trong những quyết định: Đưa vụ án ra xét xử; Trả hồ sơ để điều tra bổ sung; Tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án.

[2] Theo quy định tại Điều 134 BLTTHS, thì thời hạn theo ngày và thời hạn theo tháng sẽ kết thúc vào các thời điểm khác nhau cho nên chúng tôi không cho rằng trong các trường hợp nêu trên: 2 tháng + 30 ngày là 3 tháng; 3 tháng + 30 ngày là 4 tháng.

[3] Đây là những căn cứ để Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định tạm đình chỉ vụ án quy định tại Điều 281 BLTTHS.

[4] Do vậy, BLTTHS cần quy định một khoảng thời gian  đủ để Tòa án bàn giao và VKS nhận hồ sơ và áp dụng biện pháp tạm giam. Chúng tôi cho rằng, thời gian 10 ngày là đủ để bàn giao hồ sơ và VKS ra quyết định tạm giam để điều tra bổ sung.

[5] Sở dĩ quy định chủ thể ra quyết định tạm giam trong trường hợp này là Tòa án mà không phải Thẩm phán chủ tọa phiên tòa là vì thực tế khi phục hồi vụ án, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa (trước đó) đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác.

2046

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn