04/09/2024 16:34

Thời hạn giải quyết đơn đề nghị xem xét bản án đã có hiệu lực theo thủ tục giám đốc thẩm

Thời hạn giải quyết đơn đề nghị xem xét bản án đã có hiệu lực theo thủ tục giám đốc thẩm

Thời hạn giải quyết đơn đề nghị xem xét bản án đã có hiệu lực theo thủ tục giám đốc thẩm là bao lâu? Thủ tục xét xử tại phiên tòa giám đốc thẩm như thế nào?

1. Thời hạn giải quyết đơn đề nghị xem xét bản án đã có hiệu lực theo thủ tục giám đốc thẩm

Tại khoản 3 Điều 329 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định như sau:

Điều 329. Thủ tục nhận đơn đề nghị xem xét bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm

3. Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm phân công người có trách nhiệm tiến hành nghiên cứu đơn, thông báo, kiến nghị, hồ sơ vụ án, báo cáo người có thẩm quyền kháng nghị xem xét, quyết định; trường hợp không kháng nghị thì thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có văn bản thông báo, kiến nghị.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phân công Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phân công Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao nghiên cứu đơn, thông báo, kiến nghị, hồ sơ vụ án, báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, quyết định kháng nghị. Trường hợp không kháng nghị thì Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tự mình hoặc ủy quyền cho Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có văn bản thông báo, kiến nghị.

Theo đó, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và các văn bản liên quan khác không quy định thời hạn giải quyết đơn đề nghị xem xét bản án đã có hiệu lực theo thủ tục giám đốc thẩm mà chỉ quy định người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm phân công người có trách nhiệm tiến hành nghiên cứu đơn, thông báo, kiến nghị, hồ sơ vụ án, báo cáo người có thẩm quyền kháng nghị xem xét, quyết định. 

Do đó việc giải quyết đơn đề nghị xem xét bản án đã có hiệu lực theo thủ tục giám đốc thẩm sẽ phụ thuộc vào người có thẩm quyền tại Điều 331 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, nếu trường hợp không kháng nghị thì phải có thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có văn bản thông báo, kiến nghị.

Tuy nhiên, nếu bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật có đủ căn cứ, điều kiện để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm theo Điều 326 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, thì người có thẩm quyền sẽ ra quyết định kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

Cụ thể, thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm quy định tại Điều 334 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 như sau:

- Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm có quyền kháng nghị trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 334 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

- Trường hợp đã hết thời hạn kháng nghị theo quy định tại khoản 1 Điều 334 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 nhưng có các điều kiện sau đây thì thời hạn kháng nghị được kéo dài thêm 02 năm, kể từ ngày hết thời hạn kháng nghị:

+ Đương sự đã có đơn đề nghị theo quy định tại khoản 1 Điều 328 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và sau khi hết thời hạn kháng nghị quy định tại khoản 1 Điều này đương sự vẫn tiếp tục có đơn đề nghị;

+ Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều 326 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, của người thứ ba, xâm phạm lợi ích của cộng đồng, lợi ích của Nhà nước và phải kháng nghị để khắc phục sai lầm trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật đó.

2. Thủ tục xét xử tại phiên tòa giám đốc thẩm như thế nào?

Theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định thủ tục xét xử tại phiên tòa giám đốc thẩm như sau:

(1) Sau khi chủ tọa khai mạc phiên tòa, một thành viên Hội đồng xét xử giám đốc thẩm trình bày tóm tắt nội dung vụ án, quá trình xét xử vụ án, quyết định của bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị, các căn cứ, nhận định của kháng nghị và đề nghị của người kháng nghị. Trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị thì đại diện Viện kiểm sát trình bày nội dung kháng nghị.

(2) Đương sự, người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác được Tòa án triệu tập đến phiên tòa giám đốc thẩm trình bày ý kiến về những vấn đề mà Hội đồng giám đốc thẩm yêu cầu. Trường hợp họ vắng mặt nhưng có văn bản trình bày ý kiến thì Hội đồng xét xử giám đốc thẩm công bố ý kiến của họ.

(3) Đại diện Viện kiểm sát phát biểu ý kiến về quyết định kháng nghị và việc giải quyết vụ án.

Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát phải gửi văn bản phát biểu ý kiến cho Tòa án để lưu vào hồ sơ vụ án.

(4) Các thành viên Hội đồng xét xử giám đốc thẩm phát biểu ý kiến và thảo luận. Hội đồng xét xử giám đốc thẩm nghị án và biểu quyết về việc giải quyết vụ án và công bố nội dung quyết định về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa. Việc nghị án phải được thực hiện theo các nguyên tắc quy định tại Điều 264 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

(5) Trường hợp Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao xét xử theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 337 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì quyết định của Hội đồng xét xử phải được tất cả thành viên tham gia Hội đồng biểu quyết tán thành.

Trường hợp xét xử theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 337 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì phiên tòa xét xử của toàn thể Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên tham gia; quyết định của Ủy ban Thẩm phán phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành.

(6) Trường hợp Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 337 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì quyết định của Hội đồng xét xử phải được tất cả thành viên tham gia Hội đồng biểu quyết tán thành.

Trường hợp xét xử theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 337 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì phiên tòa xét xử của toàn thể Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên tham gia; quyết định của Hội đồng Thẩm phán phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành.

Nguyễn Phạm Hoàng Thuy
140

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn