Trả lời câu hỏi này, Bộ Công an cho biết:
Về những trường hợp chấp hành xong án phạt nhưng không đến nhận giấy chứng nhận chấp hành xong án hoặc bỏ đi khỏi địa phương: Luật Thi hành án hình sự năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định bắt buộc người chấp hành xong án phạt đến nhận giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt.
Đối với thi hành án phạt tại xã, phường, thị trấn (án treo, cải tạo không giam giữ, quản chế, cấm cư trú, tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định), Công an cấp huyện cấp giấy chứng nhận vào ngày cuối cùng của thời hạn chấp hành án và gửi giấy đó cho người chấp hành án và các cơ quan, đơn vị có liên quan.
Theo quy định, trường hợp người chấp hành xong án phạt bỏ đi khỏi địa phương trong thời gian chấp hành án, phải tiến hành xác minh và xử lý theo các hình thức, như: lập biên bản vi phạm nghĩa vụ, kiểm điểm (án treo, cải tạo không giam giữ, người được tha tù trước hạn có điều kiện), xử phạt vi phạm hành chính, buộc chấp hành án phạt tù (đối với án treo, tha tù trước hạn có điều kiện), xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Về thời hạn khi Chủ tịch nước nhận đơn xin ân giảm trong thời hạn bao nhiêu ngày sẽ có quyết định ân giảm hoặc bác đơn ân giảm đối với các trường hợp bị kết án tử hình: Theo Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Thi hành án hình sự năm 2019, không có quy định về thời gian Chủ tịch nước có quyết định ân giảm hoặc bác đơn ân giảm đối với các trường hợp bị kết án tử hình kể từ khi nhận đơn. Cơ sở cho quy định này là việc ân giảm án tử hình là thẩm quyền tối cao, riêng có của Chủ tịch nước dựa trên việc đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện tính chất của vụ án, điều kiện, hoàn cảnh của người phạm tội, khả năng áp dụng hình phạt khác… để xem xét, quyết định. Do đó, việc quy định thời hạn Chủ tịch nước xem xét, bác đơn ân giảm là không phù hợp.
Nguồn: Tạp chí Tòa án