Theo quy định tại khoản 13 Điều 33 Nghị định 136/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm c khoản 12 Điều 1 Nghị định 50/2024/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 15/05/2024) về thẩm quyền huấn luyện, kiểm tra, đánh giá cấp Chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy như sau:
- Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ huấn luyện, kiểm tra, đánh giá cấp Chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy đối với cá nhân thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ sở thuộc tập đoàn kinh tế, tổng công ty;
- Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh, Công an cấp huyện huấn luyện, kiểm tra, đánh giá cấp Chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy đối với cá nhân thuộc đơn vị, cơ sở trên địa bàn quản lý và cá nhân thường trú trên địa bàn quản lý;
- Chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy có giá trị sử dụng trên phạm vi cả nước.
Trước đó, tại khoản 13 Điều 33 Nghị định 136/2020/NĐ-CP (khi chưa được sửa đổi bởi Nghị định 50) thì đã quy định về thời hạn chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy như sau:
Điều 33. Huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy
...
13. Chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy do Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh, Công an cấp huyện cấp và có giá trị sử dụng trên phạm vi cả nước trong thời hạn 05 năm kể từ ngày cấp. Hết thời hạn này, phải huấn luyện lại để được cấp Chứng nhận mới.
Như vậy, hiện nay, pháp luật không quy định về thời hạn hiệu lực của Chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy. Chứng nhận này được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền và có giá trị sử dụng trên phạm vi cả nước.
Theo đó, tại khoản 2 Điều 33 Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định nội dung huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy bao gồm:
- Kiến thức pháp luật, kiến thức về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với từng đối tượng;
- Phương pháp tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy và chữa cháy;
- Biện pháp phòng cháy; biện pháp, chiến thuật, kỹ thuật chữa cháy;
- Phương pháp xây dựng và thực tập phương án chữa cháy;
- Phương pháp bảo quản, sử dụng các phương tiện phòng cháy và chữa cháy;
- Phương pháp kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy.
Bên cạnh đó, thời gian huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy cũng được quy định cụ thể tại khoản 3 Điều 33 Nghị định 136/2020/NĐ-CP như sau:
- Thời gian huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ lần đầu: Từ 16 đến 24 giờ đối với đối tượng quy định tại các điểm a, b, d, đ, e và điểm g khoản 1 Điều 33 Nghị định 136/2020/NĐ-CP và từ 32 đến 48 giờ đối với đối tượng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 33 Nghị định 136/2020/NĐ-CP;
- Thời gian huấn luyện lại để được cấp Chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy sau khi chứng nhận này hết thời hạn sử dụng tối thiểu là 16 giờ đối với các đối tượng quy định tại các điểm a, b, d, đ, e và điểm g khoản 1 Điều 33 Nghị định 136/2020/NĐ-CP và 32 giờ đối với đối tượng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 33 Nghị định 136/2020/NĐ-CP;
- Thời gian bồi dưỡng bổ sung hàng năm về nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy tối thiểu 08 giờ đối với đối tượng quy định tại điểm a, b, d, đ, e và điểm g khoản 1 Điều 33 Nghị định 136/2020/NĐ-CP và tối thiểu 16 giờ đối với đối tượng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 33 Nghị định 136/2020/NĐ-CP.
Theo quy định Điều 4 Luật phòng cháy và chữa cháy 2001 về nguyên tắc phòng cháy và chữa cháy như sau:
- Huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy.
- Trong hoạt động phòng cháy và chữa cháy lấy phòng ngừa là chính; phải tích cực và chủ động phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy xảy ra và thiệt hại do cháy gây ra.
- Phải chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phương án và các điều kiện khác để khi có cháy xảy ra thì chữa cháy kịp thời, có hiệu quả.
- Mọi hoạt động phòng cháy và chữa cháy trước hết phải được thực hiện và giải quyết bằng lực lượng và phương tiện tại chỗ.