12/04/2024 17:16

Thời gian tối thiểu để chuẩn bị hồ sơ dự thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa là bao lâu?

Thời gian tối thiểu để chuẩn bị hồ sơ dự thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa là bao lâu?

Cho tôi hỏi: Thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa tối thiểu là bao lâu? “anh Quang đến từ Long An”

Chào anh, ban biên tập xin giải đáp như sau:

Thời gian tối thiểu để chuẩn bị hồ sơ dự thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa là bao lâu?

Căn cứ theo khoản 1 Điều 45 Luật Đấu thầu 2023 quy định như sau:

Điều 45. Thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu

1.Thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu được quy định như sau:

a) Thời gian chuẩn bị hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển tối thiểu là 09 ngày đối với đấu thầu trong nước, 18 ngày đối với đấu thầu quốc tế kể từ ngày đầu tiên hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển được phát hành đến ngày có thời điểm đóng thầu;

b) Thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu đối với đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế tối thiểu là 18 ngày đối với đấu thầu trong nước, 35 ngày đối với đấu thầu quốc tế kể từ ngày đầu tiên hồ sơ mời thầu được phát hành đến ngày có thời điểm đóng thầu; đối với gói thầu xây lắp, hỗn hợp có giá gói thầu không quá 20 tỷ đồng, gói thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn có giá gói thầu không quá 10 tỷ đồng thì thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu tối thiểu là 09 ngày đối với đấu thầu trong nước, 18 ngày đối với đấu thầu quốc tế;

c) Thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu đối với chào hàng cạnh tranh tối thiểu là 05 ngày làm việc kể từ ngày đầu tiên hồ sơ mời thầu được phát hành đến ngày có thời điểm đóng thầu;

...

Theo đó, thời gian để chuẩn bị hồ sơ dự thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa được xác định như sau:

- Tối thiểu là 09 ngày đối với đấu thầu trong nước.

- Tối thiểu là 18 ngày đối với đấu thầu quốc tế.

Có mấy tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa?

Căn cứ theo khoản 4 Điều 24 Nghị định 24/2024/NĐ-CP quy định như sau:

Điều 24. Lập hồ sơ mời thầu

..

4. Tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa bao gồm:

a) Tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm:

Sử dụng tiêu chí đạt, không đạt để xây dựng tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm, trong đó quy định mức yêu cầu tối thiểu để đánh giá là đạt đối với từng nội dung về năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu, gồm: kinh nghiệm thực hiện các hợp đồng cung cấp hàng hóa tương tự; năng lực sản xuất hàng hóa; năng lực tài chính gồm giá trị tài sản ròng, doanh thu; việc thực hiện nghĩa vụ kê khai thuế, nộp thuế và các chỉ tiêu cần thiết khác để đánh giá năng lực về tài chính của nhà thầu; cơ sở vật chất kỹ thuật, trình độ cán bộ chuyên môn thực hiện các dịch vụ liên quan (nếu có yêu cầu).

...

b) Tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật:

Sử dụng tiêu chí đạt, không đạt hoặc phương pháp chấm điểm để xây dựng tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật.

Trường hợp sử dụng phương pháp đạt, không đạt, đối với các tiêu chí đánh giá tổng quát, chỉ sử dụng tiêu chí đạt, không đạt. Đối với các tiêu chí chi tiết cơ bản trong tiêu chí tổng quát, chỉ sử dụng tiêu chí đạt, không đạt; đối với các tiêu chí chi tiết không cơ bản trong tiêu chí tổng quát, ngoài tiêu chí đạt, không đạt, được áp dụng thêm tiêu chí chấp nhận được nhưng không được vượt quá 30% tổng số các tiêu chí chi tiết trong tiêu chí tổng quát đó. Tiêu chí tổng quát được đánh giá là đạt khi tất cả các tiêu chí chi tiết cơ bản được đánh giá là đạt và các tiêu chí chi tiết không cơ bản được đánh giá là đạt hoặc chấp nhận được.

c) Xác định giá thấp nhất (đối với trường hợp áp dụng phương pháp giá thấp nhất): xác định giá dự thầu; sửa lỗi; hiệu chỉnh sai lệch; trừ giá trị giảm giá (nếu có); chuyển đổi giá dự thầu sang một loại đồng tiền chung (nếu có); xác định giá trị ưu đãi (nếu có); so sánh giữa các hồ sơ dự thầu để xác định giá thấp nhất;

d) Tiêu chuẩn xác định giá đánh giá (đối với trường hợp áp dụng phương pháp giá đánh giá):

Công thức xác định giá đánh giá:

GĐG = G ± ∆G + ∆ƯĐ

Trong đó:

G = (giá dự thầu ± giá trị sửa lỗi ± giá trị hiệu chỉnh sai lệch) - giá trị giảm giá (nếu có).

...

Như vậy, có 04 tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa là:

- Tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm.

- Tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật.

- Xác định giá thấp nhất (đối với trường hợp áp dụng phương pháp giá thấp nhất).

- Tiêu chuẩn xác định giá đánh giá (đối với trường hợp áp dụng phương pháp giá đánh giá).

Chào hàng cạnh tranh có được áp dụng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa không?

Căn cứ theo Điều 24 Luật Đấu thầu 2023 quy định như sau:

Điều 24. Chào hàng cạnh tranh

Chào hàng cạnh tranh được áp dụng đối với gói thầu có giá gói thầu không quá 05 tỷ đồng thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Gói thầu dịch vụ phi tư vấn thông dụng, đơn giản;

2. Gói thầu mua sắm hàng hóa thông dụng, sẵn có trên thị trường với đặc tính kỹ thuật được tiêu chuẩn hóa và tương đương nhau về chất lượng;

3. Gói thầu xây lắp công trình đơn giản đã có thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt;

4. Gói thầu hỗn hợp cung cấp hàng hóa và xây lắp, trong đó nội dung xây lắp đáp ứng quy định tại khoản 3 Điều này.

Theo quy định trên, chào hàng cạnh tranh có thể được áp dụng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa nếu đáp ứng các điều kiện dưới đây:

- Giá gói thầu không quá 05 tỷ đồng.

- Gói thầu thông dụng, sẵn có trên thị trường với đặc tính kỹ thuật được tiêu chuẩn hóa và tương đương nhau về chất lượng.

Trân trọng!

Nguyễn Thị Kim Linh
395

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn