13/12/2023 15:21

Thời gian niêm yết công khai biên bản về việc trẻ bị bỏ rơi là bao lâu?

Thời gian niêm yết công khai biên bản về việc trẻ bị bỏ rơi là bao lâu?

Cho tôi hỏi biên bản về việc trẻ bị bỏ rơi phải được niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân trong bao lâu? Câu hỏi từ chị Thanh - Hải Phòng

Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

Có được đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi mà không có biên bản xác nhận trẻ bị bỏ rơi không?

Tại Điều 16 Luật Hộ tịch 2014 có quy định thủ tục đăng ký khai sinh như sau:

Thủ tục đăng ký khai sinh

1. Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật.

...

Như vậy, việc đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi bắt buộc phải có biên bản xác nhận trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập. Do đó, nếu không có biên bản xác nhận trẻ bị bỏ rơi thì không thể khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi được.

Thời gian niêm yết công khai biên bản về việc trẻ bị bỏ rơi là bao lâu?

Căn cứ khoản 2 Điều 14 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi như sau:

Đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi

...

2. Sau khi lập biên bản theo quy định tại Khoản 1 Điều này, Ủy ban nhân dân cấp xã tiến hành niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân trong 7 ngày liên tục về việc trẻ bị bỏ rơi.

3. Hết thời hạn niêm yết, nếu không có thông tin về cha, mẹ đẻ của trẻ, Ủy ban nhân dân cấp xã thông báo cho cá nhân hoặc tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ để tiến hành đăng ký khai sinh cho trẻ. Cá nhân hoặc tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ có trách nhiệm khai sinh cho trẻ em. Thủ tục đăng ký khai sinh được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 của Luật Hộ tịch.

Họ, chữ đệm, tên của trẻ được xác định theo quy định của pháp luật dân sự. Nếu không có cơ sở để xác định ngày, tháng, năm sinh và nơi sinh của trẻ thì lấy ngày, tháng phát hiện trẻ bị bỏ rơi là ngày, tháng sinh; căn cứ thể trạng của trẻ để xác định năm sinh; nơi sinh là nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi; quê quán được xác định theo nơi sinh; quốc tịch của trẻ là quốc tịch Việt Nam. Phần khai về cha, mẹ và dân tộc của trẻ trong Giấy khai sinh và Sổ hộ tịch để trống; trong Sổ hộ tịch ghi rõ “Trẻ bị bỏ rơi.

Như vậy, sau khi lập biên bản theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, Ủy ban nhân dân cấp xã tiến hành niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân trong 7 ngày liên tục về việc trẻ bị bỏ rơi.

Trong trường hợp hết thời hạn niêm yết, nếu không có thông tin về cha, mẹ đẻ của trẻ, Ủy ban nhân dân cấp xã thông báo cho cá nhân hoặc tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ để tiến hành đăng ký khai sinh cho trẻ. Cá nhân hoặc tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ có trách nhiệm khai sinh cho trẻ em.

Biên bản về việc trẻ bị bỏ rơi gồm những nội dung gì?

Căn cứ khoản 1 Điều 14 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi như sau:

Đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi

1. Người phát hiện trẻ bị bỏ rơi có trách nhiệm bảo vệ trẻ và thông báo ngay cho Ủy ban nhân dân hoặc công an cấp xã nơi trẻ bị bỏ rơi. Trường hợp trẻ bị bỏ rơi tại cơ sở y tế thì Thủ trưởng cơ sở y tế có trách nhiệm thông báo.

Ngay sau khi nhận được thông báo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Trưởng công an cấp xã có trách nhiệm tổ chức lập biên bản về việc trẻ bị bỏ rơi; Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm giao trẻ cho cá nhân hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng theo quy định pháp luật.

Biên bản phải ghi rõ thời gian, địa điểm phát hiện trẻ bị bỏ rơi; đặc điểm nhận dạng như giới tính, thể trạng, tình trạng sức khỏe; tài sản hoặc đồ vật khác của trẻ, nếu có; họ, tên, giấy tờ chứng minh nhân thân, nơi cư trú của người phát hiện trẻ bị bỏ rơi. Biên bản phải được người lập, người phát hiện trẻ bị bỏ rơi, người làm chứng (nếu có) ký tên và đóng dấu xác nhận của cơ quan lập.

Biên bản được lập thành hai bản, một bản lưu tại cơ quan lập, một bản giao cá nhân hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng trẻ.

...

Theo đó, biên bản về việc trẻ bị bỏ rơi gồm những nội dung như sau:

- Biên bản phải ghi rõ thời gian, địa điểm phát hiện trẻ bị bỏ rơi; đặc điểm nhận dạng như giới tính, thể trạng, tình trạng sức khỏe; tài sản hoặc đồ vật khác của trẻ (nếu có);

- Họ, tên, giấy tờ chứng minh nhân thân, nơi cư trú của người phát hiện trẻ bị bỏ rơi.

- Biên bản phải được người lập, người phát hiện trẻ bị bỏ rơi, người làm chứng (nếu có) ký tên và đóng dấu xác nhận của cơ quan lập.

- Biên bản được lập thành hai bản, một bản lưu tại cơ quan lập, một bản giao cá nhân hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng trẻ.

Trân trọng!

Nguyễn Thị Hiền
1464

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]