Tại Công văn 1138/TTg KTTH năm 2024, Thủ tướng Chính phủ cho phép Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào khả năng, điều kiện, tình hình thực tiễn của địa phương để quyết định việc tổ chức bắn pháo hoa chào mừng năm mới bảo đảm an toàn, tiết kiệm, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân theo đúng Chỉ thị 40-CT/TW năm 2024 về việc tổ chức Tết Nguyên đán 2025.
Công văn 1138/TTg KTTH năm 2024: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2024/1138.pdf
Theo đó, thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW năm 2024 về việc tổ chức Tết Nguyên đán 2025, Ủy ban nhân dân Thành phố Cần Thơ đã thống nhất tổ chức bắn pháo hoa Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 theo đề xuất của Bộ Chỉ huy quân sự thành phố tại 04 điểm bắn pháo hoa Tết Âm lịch 2025 gồm:
- 01 điểm bắn pháo hoa tầm cao: tại khu vực nhà hàng Hoa Sứ (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ).
- 03 điểm bắn pháo hoa tầm thấp: tại khu vực công viên Phan Văn Trị (huyện Phong Điền); khu vực quảng trường huyện Thới Lai (huyện Thới Lai) và khu vực quảng trường Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Thạnh.
Về thời gian bắn pháo hoa Tết Âm lịch 2025 tại TP Cần Thơ cụ thể như sau:
- Thời gian bắn pháo hoa tầm cao: kéo dài 15 phút bắt đầu từ 0h ngày 29/1/2025 (thời khắc đón giao thừa) với 1.000 quả pháo tầm cao.
- Thời gian bắn pháo hoa tầm thấp: bắt đầu từ 22h đến 22h15 ngày 28/1/2025 (nhằm 29 tháng chạp), với 210 giàn pháo.
Như vậy, theo như kế hoạch nêu trên thì TP Cần Thơ sẽ bắn pháo hoa tầm cao vào đêm giao thừa tại 01 điểm bắn pháo hoa duy nhất là: khu vực Nhà hàng Hoa Sứ, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.
Căn cứ khoản 3 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, theo đó phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:
- Trao đổi, cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố vũ khí, công cụ hỗ trợ, pháo hoa nổ, pháo hoa nhập lậu hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; chi tiết, cụm chi tiết vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;
- Vận chuyển hoặc tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ không bảo đảm an toàn hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
- Không thử nghiệm, kiểm định, đánh giá và đăng ký theo quy định của pháp luật về quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa trước khi được phép sản xuất, kinh doanh, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ tại Việt Nam;
- Tàng trữ, vận chuyển trái phép các loại phế liệu, phế phẩm vũ khí, công cụ hỗ trợ;
- Vận chuyển, tàng trữ trái phép đồ chơi nguy hiểm bị cấm;
- Bán tiền chất thuốc nổ cho tổ chức, doanh nghiệp khi tổ chức, doanh nghiệp đó chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự, Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vật liệu nổ công nghiệp, Giấy phép kinh doanh tiền chất thuốc nổ hoặc chưa có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Làm mất vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ được trang bị;
- Sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép;
- Sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép;
- Chế tạo, trang bị, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa vũ khí, công cụ hỗ trợ có giấy phép nhưng không thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định thì mức phạt đối với những hành vi nêu trên là mức phạt áp dụng đối với cá nhân. Còn với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền sẽ gấp 02 lần mức phạt đối với cá nhân.
Như vậy theo quy định trên, cá nhân có hành vi đốt pháo nổ trái phép sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng; đồng thời bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm (điểm a khoản 7 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP). Mức phạt sẽ tăng lên từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng nếu đối tượng vi phạm là tổ chức.