22/02/2020 07:54

Thỏa thuận miệng có là chứng cứ hợp pháp?

Thỏa thuận miệng có là chứng cứ hợp pháp?

Tôi cho mượn 50 triệu đồng không viết biên nhận, chỉ có giấy nộp tiền vào tài khoản của bạn đó. (Độc giả Trần Loan)

Khi thỏa thuận miệng về thời gian trả, tôi đã bí mật ghi âm. Tôi xin hỏi thỏa thuận miệng có được pháp luật công nhận là bằng chứng?

Luật sư trả lời

Việc vay mượn giữa những người bạn bè thân thiết thường chỉ qua trao đổi bằng miệng chứ không mấy khi hai bên lập giấy tờ với nhau. Tuy nhiên theo quy theo quy định của Bộ luật Dân sự, giao dịch dân sự, hợp đồng vay mượn tài sản giữa cá nhân với nhau không bắt buộc phải lập thành văn bản.

Pháp luật cũng coi thỏa thuận miệng là một dạng giao dịch dân sự hợp đồng bởi điều 119 Bộ luật Dân sự năm 2015 về hình thức giao dịch dân sự quy định: "Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể".

"Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định", theo điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Bạn có giấy nộp tiền vào tài khoản của người bạn đó kèm theo thỏa thuận miệng về thời gian trả được ghi âm lại hoàn toàn có thể xác định đó là bằng chứng về việc hai bên hình thành một giao dịch vay tiền hợp pháp.

Để đoạn băng ghi âm đó trở thành bằng chứng chứng minh, bạn cần xuất trình kèm theo văn bản xác nhận xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản liên quan đến việc thu âm thu hình. Dễ hiểu là bạn cung cấp được thiết bị ghi âm, file ghi âm gốc.

Để thuận tiện cho cơ quan tố tụng dễ tiếp cận file ghi âm, bạn nên ghi chép cụ thể nội dung đoạn hội thoại đó ra giấy nộp kèm file ghi âm gốc.

Khi khởi kiện buộc bên kia thực hiện nghĩa vụ trả nợ, bạn hãy cung cấp các tài liệu liên quan đến việc vay nợ như giấy chuyển tiền, file ghi âm cho cơ quan tố tụng. Các tài liệu này khi đủ điều kiện sẽ được xác định là chứng cứ trong vụ án dân sự như quy định tại điều Điều 93. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015: "Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp".

Luật sư Quách Thành Lực

Công ty Luật TNHH LSX

Nguồn: Theo Vnexpress

12409

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]