Chào chị, ban biên tập xin giải đáp như sau:
Theo Điều 19 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về việc không tố giác tội phạm như sau:
Điều 19. Không tố giác tội phạm
1. Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm quy định tại Điều 390 của Bộ luật này.
2. Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
3. Người không tố giác là người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện việc bào chữa.
Đồng thời, theo quy định tại Điều 145 Bộ luật hình sự 2015 về tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi thì “Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 142 và Điều 144 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”
Khung hình phạt cao nhất của tội này là 15 năm nên là tội phạm rất nghiêm trọng. (theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017)
Theo các quy định trên thì hành vi không tố giác tội phạm của ông, bà, cha, mẹ của người thực hiện hành vi giao cấu với trẻ em không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm quy định tại Điều 390 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).
Trường hợp ông, bà, cha, mẹ của nạn nhân không tố giác tội phạm tội giao cấu với trẻ em của người phạm tội và những người biết rõ tội phạm tại thời điểm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác thì phải chịu trách nhiệm về tội không tố giác tội phạm được quy định ở Điều 390 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).
Theo quy định tại Điều 390 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), mức xử phạt đối với tội không tố giác như sau:
Điều 390. Tội không tố giác tội phạm
Người nào biết rõ một trong các tội phạm quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 14 của Bộ luật này đang được chuẩn bị hoặc một trong các tội phạm quy định tại Điều 389 của Bộ luật này đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 19 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Như vậy, với hành vi không tố giác tội phạm giao cấu trẻ em sẽ bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đên 03 năm hoặc phạt từ từ 06 tháng đến 03 năm.
Theo khoản 8 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định.
Theo điểm b khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, tảo hôn là một trong những hình thức kết hôn bị pháp luật nghiêm cấm.
Nếu gia đình đồng ý tổ chức tảo hôn cho người chưa đủ tuổi sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi tổ chức tảo hôn cho người chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định tại Điều 58 Nghị định 82/2020/NĐ-CP xử phạt hành chính lĩnh vực hôn nhân gia đình:
Điều 58. Hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án.
Như vậy, với hành vi tổ chức tảo hôn cho người chưa đủ tuổi sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng, nếu vẫn tiếp tục duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án thì số tiền bị phạt có thể lên đến 5 triệu đồng.
Trân trọng!