Theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật Quốc phòng 2018 quy định về thiết quân luật như sau:
“Thiết quân luật là biện pháp quản lý nhà nước đặc biệt có thời hạn do Quân đội thực hiện.”
Đồng thời, cũng tại Điều 21 Luật Quốc phòng 2018 quy định một số nội dung về thiết quân luật như sau:
(1) Khi an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở một hoặc một số địa phương bị xâm phạm nghiêm trọng tới mức chính quyền ở đó không còn kiểm soát được tình hình thì Chủ tịch nước ra lệnh thiết quân luật theo đề nghị của Chính phủ.
(2) Lệnh thiết quân luật phải xác định cụ thể địa phương cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt thiết quân luật, biện pháp, hiệu lực thi hành; quy định nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân; các quy tắc trật tự xã hội cần thiết ở địa phương thiết quân luật và được công bố liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng.
(3) Căn cứ vào lệnh của Chủ tịch nước về thiết quân luật, quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện lệnh thiết quân luật, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ đạo, chỉ huy đơn vị Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ được giao thực hiện nhiệm vụ tại địa phương thiết quân luật thực hiện các biện pháp thi hành lệnh thiết quân luật theo quy định của pháp luật.
(4) Trong thời gian thiết quân luật, việc quản lý nhà nước tại địa phương thiết quân luật được giao cho đơn vị quân đội thực hiện. Người chỉ huy đơn vị quân đội được giao quản lý địa phương thiết quân luật có quyền ra lệnh áp dụng các biện pháp đặc biệt quy định tại khoản 6 Điều 21 Luật Quốc phòng 2018 và các biện pháp cần thiết khác để thực hiện lệnh thiết quân luật và chịu trách nhiệm về việc áp dụng các biện pháp đó. Người chỉ huy đơn vị quân đội được giao quản lý địa phương cấp tỉnh thiết quân luật được quyền trưng mua, trưng dụng tài sản. Việc trưng mua, trưng dụng tài sản thực hiện theo quy định của Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản.
(5) Các biện pháp đặc biệt được áp dụng trong thời gian thi hành lệnh thiết quân luật bao gồm:
- Cấm hoặc hạn chế người, phương tiện đi lại; đình chỉ hoặc hạn chế hoạt động tại các nơi công cộng;
-Cấm biểu tình, đình công, bãi thị, bãi khóa, tụ tập đông người;
- Bắt giữ hoặc cưỡng chế cá nhân, tổ chức có hoạt động xâm hại đến quốc phòng, an ninh phải rời khỏi hoặc cấm đi khỏi nơi cư trú hoặc một khu vực nhất định;
- Huy động người, phương tiện của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
- Quản lý đặc biệt đối với các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ; kiểm soát chặt chẽ cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, phương tiện thông tin, hoạt động báo chí, xuất bản, cơ sở in, sao chụp, việc thu thập, sử dụng thông tin.
(6) Mọi hoạt động tại địa phương thiết quân luật phải tuân thủ lệnh thiết quân luật và các biện pháp đặc biệt.
(7) Việc xét xử tội phạm xảy ra ở địa phương trong thời gian thi hành lệnh thiết quân luật theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
(8) Khi tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương thiết quân luật đã ổn định thì Chủ tịch nước ra lệnh bãi bỏ lệnh thiết quân luật theo đề nghị của Chính phủ.
(9) Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn của người chỉ huy đơn vị quân đội, cơ quan, tổ chức, địa phương liên quan thi hành lệnh thiết quân luật, lệnh bãi bỏ lệnh thiết quân luật.
Như vậy, thiết quân luật là biện pháp quản lý nhà nước đặc biệt có thời hạn do Quân đội thực hiện, được áp dụng khi an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội bị xâm phạm nghiêm trọng. Chủ tịch nước ra lệnh thiết quân luật theo đề nghị của Chính phủ, xác định cụ thể địa phương và biện pháp thực hiện.
Đồng thời, trong thời gian thiết quân luật, quân đội quản lý nhà nước tại địa phương, có quyền áp dụng các biện pháp đặc biệt như hạn chế đi lại, cấm biểu tình, quản lý chặt chẽ vũ khí và thông tin…
Theo quy định tại khoản 2 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 về thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự như sau:
Thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự
…
2. Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử tất cả tội phạm xảy ra trong địa bàn thiết quân luật.
Đồng thời, thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự trong địa bàn thiết quân luật được hướng dẫn bởi Điều 5 Thông tư 03/2023/TT-TANDTC như sau:
- Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử tất cả các tội phạm xảy ra ở địa phương trong thời gian thi hành lệnh thiết quân luật.
- Trường hợp vụ án xảy ra ở nhiều nơi, trong đó có nơi đang thi hành lệnh thiết quân luật thì Tòa án quân sự ở nơi thiết quân luật có thẩm quyền xét xử toàn bộ vụ án.
- Trường hợp sau khi Tòa án quân sự đã thụ lý vụ án mà nơi tội phạm xảy ra đã được bãi bỏ lệnh thiết quân luật thì Tòa án quân sự đó tiếp tục xét xử vụ án.
Như vậy, Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử tất cả tội phạm xảy ra trong địa bàn thiết quân luật. Thẩm quyền này bao gồm cả các vụ án xảy ra ở nhiều nơi, miễn là có liên quan đến khu vực đang thi hành lệnh thiết quân luật. Ngay cả khi lệnh thiết quân luật được bãi bỏ sau khi Tòa án quân sự đã thụ lý vụ án, tòa án này vẫn tiếp tục xét xử vụ án đó.
Theo Điều 6 Luật Quốc phòng 2018 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực quốc phòng bao gồm:
- Chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, Nhân dân, Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Thành lập, tham gia, tài trợ tổ chức vũ trang trái pháp luật.
- Điều động, sử dụng người, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trang bị, thiết bị, phương tiện để tiến hành hoạt động vũ trang khi chưa có lệnh hoặc quyết định của cấp có thẩm quyền hoặc không có trong kế hoạch huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu đã được phê duyệt.
- Chống lại hoặc cản trở cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.
- Lợi dụng, lạm dụng việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng để xâm phạm lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
- Phân biệt đối xử về giới trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.