21/06/2024 09:06

Thí sinh vi phạm quy chế thi THPT quốc gia bị xử lý như thế nào?

Thí sinh vi phạm quy chế thi THPT quốc gia bị xử lý như thế nào?

Thí sinh vi phạm quy chế thi bị xử lý như thế nào? Những cơ quan nào có trách nhiệm xử lý thí sinh vi phạm quy chế thi? Điều kiện để thí sinh bảo lưu điểm thi là gì?

Kỳ thi THPT quốc gia 2024 đang đến gần, các thí sinh cần nắm rõ các quy chế thi để tránh những sai phạm không đáng có dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Vi phạm quy chế thi bị xử lý như thế nào? Những cơ quan nào có trách nhiệm xử lý thí sinh vi phạm Quy chế thi? Điều kiện để bảo lưu điểm thi?

1. Vi phạm quy chế thi bị xử lý như thế nào? 

Theo quy định tại Điều 54 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT được sửa đổi bởi Khoản 17 Điều 1 Thông tư 05/2021/TT-BGDĐT, các thí sinh vi phạm quy chế thi THPT quốc gia năm 2024 sẽ bị xử lý tùy vào mức độ vi phạm như sau: 

(1) Khiển trách: Đối với những thí sinh phạm lỗi một lần; nhìn bài hoặc trao đổi bài với thí sinh khác;

(2) Cảnh cáo:

+  Đã bị khiển trách một lần nhưng trong giờ thi bài thi đó vẫn tiếp tục vi phạm Quy chế thi ở mức khiển trách;

+ Trao đổi bài làm hoặc giấy nháp với thí sinh khác;

+ Chép bài của thí sinh khác hoặc để thí sinh khác chép bài của mình.

(3)  Đình chỉ thi: 

+ Đã bị xử lý bằng hình thức cảnh cáo một lần nhưng trong giờ thi bài thi đó vẫn tiếp tục vi phạm quy chế thi ở mức khiển trách hoặc cảnh cáo; 

+ Mang vật dụng trái phép theo quy định tại Điều 14 Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT vào phòng thi/phòng chờ hoặc khi di chuyển giữa phòng thi và phòng chờ; 

+ Đưa đề thi ra ngoài phòng thi hoặc nhận bài giải từ ngoài vào phòng thi;

+ Viết, vẽ vào tờ giấy làm bài thi của mình những nội dung không liên quan đến bài thi; 

+ Có hành động gây gổ, đe dọa những người có trách nhiệm trong kỳ thi hay đe dọa thí sinh khác;

+ Không tuân thủ hướng dẫn của cán bộ giám sát hoặc người quản lý phòng chờ khi di chuyển trong khu vực thi và trong thời gian ở phòng chờ.

(4) Trừ điểm bài thi:

+ Bị khiển trách trong khi thi bài thi nào sẽ bị trừ 25% tổng số điểm bài thi của bài thi đó;

+ Bị cảnh cáo trong khi thi bài thi nào sẽ bị trừ 50% tổng số điểm bài thi của bài thi đó;

+ Bài thi có đánh dấu bị phát hiện trong khi chấm sẽ bị trừ 50% điểm toàn bài;

+ Cho điểm 0 (không): Bài thi được chép từ các tài liệu mang trái phép vào phòng thi; có hai bài làm trở lên đối với một bài thi; bài thi có chữ viết của hai người trở lên; những phần của bài thi viết trên giấy nháp, giấy không đúng quy định;

+ Thí sinh bị đình chỉ thi bài thi nào sẽ bị điểm 0 (không) bài thi đó và không được tiếp tục dự thi các bài thi tiếp theo.

(5) Hủy bỏ kết quả thi:

+ Có hai bài thi trở lên bị điểm 0 (không) do phạm lỗi quy định tại điểm d khoản 4 Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT;

+ Viết, vẽ vào tờ giấy thi những nội dung không liên quan đến bài thi;

+ Để người khác thi thay hoặc làm bài thay cho người khác dưới mọi hình thức;

+ Sửa chữa, thêm bớt vào bài làm sau khi đã nộp bài; 

+ Dùng bài của người khác để nộp. 

(6) Hủy kết quả thi và lập hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật:

+ Giả mạo hồ sơ để hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích;

+ Sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp;

+ Để người khác dự thi thay, làm bài thay dưới mọi hình thức;

+ Có hành động gây rối, phá hoại kỳ thi; hành hung những người tham gia công tác tổ chức thi hoặc thí sinh khác;

+ Sử dụng Giấy chứng nhận kết quả thi không hợp pháp.

Ngoài ra, những vi phạm có dấu hiệu hình sự các cơ quan quản lý giáo dục lập hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định. 

Như vậy, có 06 hình thức xử lý đối với những hành vi vi phạm quy chế thi. Tùy vào mức độ vi phạm, các cơ quan có thẩm quyền sẽ ra quyết định với mức thấp nhất là khiển trách và mức cao nhất là truy cứu trách nhiệm hình sự. 

2. Những cơ quan nào có trách nhiệm Xử lý thí sinh vi phạm quy chế thi

Căn cứ vào Điều 54 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT, những cơ quan sau đây có trách nhiệm trong việc xử lý thí sinh vi phạm quy chế thi đối với mỗi hình thức xử lý:

- Khiển trách: Cán bộ coi thi quyết định tại biên bn được lập;

- Cảnh cáo: Cán bộ coi thi quyết định tại biên bản được lập, kèm tang vật (nếu có);

- Đình chỉ thi: Cán bộ coi thi lập biên bản, thu tang vật (nếu có) và báo cáo Trưởng Điểm thi quyết định hình thức đình chỉ thi. Nếu Trưởng Điểm thi không nhất trí thì báo cáo Trưởng ban Coi thi quyết định;

- Trừ điểm bài thi: Trưng ban Chấm thi tự luận quyết định căn cứ báo cáo bằng văn bản của Trưởng môn chấm thi tự luận;

- Hủy bỏ kết quả thi: Giám đốc sở GDĐT ra quyết định hủy bỏ kết quả thi;

- Các cơ quan có thẩm quyền xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.

3. Điều kiện để thí sinh bảo lưu điểm thi là gì? 

Thí sinh sẽ được bảo lưu điểm thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT trong kỳ thi năm liền kề tiếp theo trong trường hợp đã dự thi đủ các bài thi/môn thi quy định nhưng chưa tốt nghiệp THPT và không bị kỷ luật hủy kết quả thi. Những bài thi/môn thi được bảo lưu căn cứ tại khoản 1 Điều 38 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT bao gồm: 

- Bài thi độc lập đạt từ 5,0 (năm) điểm trở lên;

- Bài thi tổ hợp đạt từ 5,0 (năm) điểm trở lên và các môn thi thành phần của bài thi này đều đạt trên 1,0 (một) điểm;

- Môn thi thành phần của bài thi tổ hợp đạt từ 5,0 (năm) điểm trở lên.

Thêm vào đó, nếu thí sinh không sử dụng điểm bảo lưu thì phải thi tất cả các bài thi/môn thi đã đăng ký để xét công nhận tốt nghiệp THPT như thí sinh không có điểm bảo lưu.

Bùi Thị Như Ý
2224

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn