07/09/2023 16:51

Thế chấp đất rừng sản xuất: Điều kiện và thủ tục thế chấp

Thế chấp đất rừng sản xuất: Điều kiện và thủ tục thế chấp

Đất rừng sản xuất có được đem đi thế chấp không? Thế chấp đất rừng cần điều kiện và thủ tục gì? “Minh Ngọc-Khánh Hòa”

Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Đất rừng sản xuất là gì? Có thế chấp ngân hàng được không?

Căn cứ theo điểm c, khoản 1 Điều 10 Luật Đất đai 2013 đất rừng sản xuất được phân loại vào nhóm đất nông nghiệp được sử dụng chủ yếu vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp hoặc nuôi trồng thủy sản.

Đất rừng sản xuất được chia thành 02 nhóm sau:

- Rừng sản xuất là rừng tự nhiên: Gồm có rừng tự nhiên và rừng được phục hồi bằng biện pháp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên

- Rừng sản xuất là rừng trồng: Gồm rừng trồng bằng vốn ngân sách nhà nước, rừng trồng bằng vốn chủ rừng tự đầu tư.

Theo Khoản 1 Điều 84 Luật Lâm nghiệp 2017 quy định về quyền và nghĩa vụ của chủ thể được Nhà nước giao đất để trồng rừng sản xuất, rừng phòng hộ như sau:

Điều 84. Quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất để trồng rừng sản xuất, rừng phòng hộ

1. Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất để trồng rừng sản xuất, rừng phòng hộ có quyền sau đây:

a) Các quyền quy định tại Điều 73 của Luật này;

b) Được sở hữu cây trồng, vật nuôi và tài sản khác trên đất trồng rừng sản xuất do chủ rừng đầu tư;

c) Được sở hữu cây trồng xen, vật nuôi và tài sản khác trên đất trồng rừng phòng hộ do chủ rừng đầu tư;

d) Khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ theo quy định tại Điều 55, rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định tại Điều 59 của Luật này;

đ) Được chia sẻ lợi ích từ rừng trong trường hợp trồng rừng bằng vốn ngân sách nhà nước;

e) Được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê rừng sản xuất là rừng trồng; thế chấp, góp vốn bằng giá trị rừng sản xuất là rừng trồng;

g) Cá nhân được để lại quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng, quyền sử dụng rừng cho người thừa kế theo quy định của pháp luật.

Theo đó, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất để trồng rừng sản xuất được quyền thế chấp mảnh đất rừng sản xuất của mình với điều kiện rừng sản xuất là rừng trồng.

2. Điều kiện thế chấp đất rừng sản xuất

Trong trường hợp đất rừng sản xuất là rừng trồng thì khi thực hiện quyền thế chấp quyền sử dụng đất cần tuân theo quy định chung tại Khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013 như sau:

Điều 188. Điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất

1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;

b) Đất không có tranh chấp;

c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

d) Trong thời hạn sử dụng đất.

Như vậy, thế chấp đất rừng sản xuất phải có 04 điều kiện chung sau:

- Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

- Đất không bị tranh chấp

- Quyền sử dụng đất của bạn không bị kê biên để bảo đảm thi hành án

- Đất còn thời hạn sử dụng

3. Thủ tục thế chấp đất rừng sản xuất

Về hồ sơ đăng ký thế chấp đất rừng sản xuất

Theo quy định tại Điều 27 Nghị định 99/2022/NĐ-CP thì hồ sơ đăng ký thế chấp đất rừng sản xuất bao gồm:

- Phiếu yêu cầu theo Mẫu số 01a tại Phụ lục (01 bản chính).

Phiếu yêu cầu đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất:  https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2023/Mau-so-01.docx

- Hợp đồng thế chấp hoặc hợp đồng thế chấp có công chứng, chứng thực trong trường hợp Luật Đất đai, Luật Nhà ở, luật khác có liên quan quy định (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực).

- Giấy tờ chứng minh trong các trường hợp:

+ Văn bản ủy quyền trong trường hợp người yêu cầu đăng ký là người được ủy quyền (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực hoặc 01 bản sao không có chứng thực kèm bản chính để đối chiếu);

+ Một trong các loại giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng không phải nộp phí khi thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm.

Về thủ tục đăng ký thế chấp

Thủ tục đăng ký thế chấp đất rừng sản xuất được thực hiện như sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ lên văn phòng đăng ký đất đai

Bước 2: Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ

- Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký, trường hợp không có căn cứ từ chối, Văn phòng đăng ký đất đai ghi, cập nhật nội dung đăng ký theo đúng thứ tự tiếp nhận hồ sơ vào sổ đăng ký và Giấy chứng nhận.

- Sau khi ghi vào sổ đăng ký và Giấy chứng nhận thì chứng nhận nội dung và thời điểm đăng ký vào Phiếu yêu cầu đăng ký.

Bùi Thị Như Ý
2947

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn