12/07/2024 14:47

Thẻ căn cước cấp cho trẻ dưới 14 tuổi có thời hạn sử dụng trong bao lâu?

Thẻ căn cước cấp cho trẻ dưới 14 tuổi có thời hạn sử dụng trong bao lâu?

Thẻ căn cước cấp cho trẻ dưới 14 tuổi có thời hạn trong bao lâu? Trình tự, thủ tục cấp thẻ Căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi được quy định như thế nào?

1. Thẻ căn cước cấp cho trẻ dưới 14 tuổi có thời hạn sử dụng trong bao lâu?

Vào ngày 01/7/2024, Luật Căn cước 2023 đã chính thức có hiệu lực thi hành thay thế cho Luật Căn cước công dân năm 2014. Qua đó Căn cước công dân sẽ được gọi với tên gọi mới là thẻ Căn cước.

Theo Điều 19 Luật Căn cước 2023 quy định thì người được cấp thẻ Căn cước bao gồm:

- Công dân Việt Nam.

- Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước.

- Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu.

Điều đó có nghĩa rằng kể từ ngày 01/7/2024, trẻ em dưới 14 tuổi cũng sẽ được cấp thẻ Căn cước khi có nhu cầu.

Đối với thẻ Căn cước cấp cho trẻ dưới 14 tuổi thì tại Điều 21 Luật Căn cước 2023 có quy định rằng:

Điều 21. Độ tuổi cấp đổi thẻ căn cước

1. Công dân Việt Nam đã được cấp thẻ căn cước phải thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ căn cước khi đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi.

2. Thẻ căn cước đã được cấp, cấp đổi, cấp lại trong thời hạn 02 năm trước độ tuổi cấp đổi thẻ căn cước quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị sử dụng đến tuổi cấp đổi thẻ căn cước tiếp theo.

Như vậy, thời hạn sử dụng thẻ căn cước cấp cho trẻ dưới 14 tuổi cụ thể như sau:

- Trường hợp trẻ làm thủ tục cấp thẻ Căn cước từ khi mới sinh đến trước thời điểm trẻ đủ 12 tuổi thì phải thực hiện đổi thẻ khi đủ 14 tuổi.

- Trường hợp trẻ làm thẻ Căn cước khi đã đủ 12 tuổi thì phải đổi thẻ khi đủ 25 tuổi (Thẻ Căn cước trẻ em trong trường hợp này có thể sử dụng đến khi đủ 25 tuổi).

- Trường hợp trẻ chưa làm thẻ Căn cước thì khi đủ 14 tuổi, trẻ bắt buộc phải đi làm thủ tục này.

2. Trình tự, thủ tục cấp thẻ Căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi

Trình tự, thủ tục cấp thẻ Căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi được quy định tại khoản 2 Điều 23 Luật Căn cước 2023 như sau:

- Đối với trẻ dưới 6 tuổi: thực hiện thông qua cổng dịch vụ công hoặc VNeID

Trường hợp chưa đăng ký khai sinh thì thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước liên thông với thủ tục đăng ký khai sinh trên cổng dịch vụ công, VNeID hoặc trực tiếp tại cơ quan quản lý căn cước.

- Đối với trẻ từ đủ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi: Cùng người đại diện hợp pháp đến cơ quan quản lý căn cước để thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp thẻ căn cước;

Người đại diện hợp pháp của người từ đủ 06 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thay cho người đó.

3. Các mốc thời gian bắt buộc phải làm thủ tục cấp đổi thẻ Căn cước

Cũng theo Điều 21 Luật Căn cước 2023 thì Công dân Việt Nam phải làm thủ tục cấp đổi thẻ Căn cước ở 04 mốc tuổi gồm:

- Đủ 14 tuổi.

- Đủ 25 tuổi.

- Đủ 40 tuổi.

- Đủ 60 tuổi.

Đồng thời, tại khoản 2 Điều luật này cũng quy định rõ thẻ Căn cước đã được cấp đổi, cấp lại trong thời hạn 02 năm trước độ tuổi cấp đổi thẻ Căn cước nêu trên thì thẻ đó sẽ có giá trị sử dụng đến tuổi cấp đổi thẻ Căn cước tiếp theo.

Do đó, tùy vào mốc thời gian cụ thể mà thẻ Căn cước sẽ có thời hạn sử dụng khác nhau, chẳng hạn như:

- Nếu công dân Việt Nam làm thẻ Căn cước khi đủ 12 tuổi thì thẻ Căn cước đó được sử dụng đến khi đủ 25 tuổi.

- Nếu công dân Việt Nam làm thủ tục cấp đổi thẻ Căn cước khi đủ 23 tuổi thì thẻ đó được sử dụng đến khi đủ 40 tuổi.

- Nếu công dẫn Việt Nam làm thủ tục cấp đổi thẻ Căn cước khi đủ 38 tuổi thì thẻ đó được sử dụng đến khi đủ 60 tuổi;

- Cuối cùng, nếu công dẫn Việt Nam làm thủ tục cấp đổi thẻ Căn cước khi đủ 58 tuổi thì thẻ Căn cước đó được sử dụng đến hết đời.

Lưu ý rằng thời hạn sử dụng thẻ Căn cước nêu trên không áp dụng trong trường hợp thẻ hư hỏng, mất, sai thông tin thì làm lại; hoặc công dân có nhu cầu làm lại thẻ.

Trân trọng!

Đỗ Minh Hiếu
6076

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]