Chào anh, Ban biên tập xin trả lời như sau:
Thang lương (hay thang bảng lương) là hệ thống xây dựng từ ngạch lương, nhóm lương, bậc lương để làm cơ sở trả lương cho người lao động. Từ thang bảng lương, người quản lý sẽ dễ dàng phân loại được từng nhóm và năng lực lao động doanh nghiệp của mình. Dựa vào thang bảng lương doanh nghiệp trả lương cho người lao động, mức độ, năng lực, khả năng hoàn thành công việc của người lao động.
Khi xây dựng thang bảng lương cần tuân theo các nguyên tắc theo quy định Điều 93 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
Xây dựng thang bảng lương và định mức lao động
1. Người sử dụng lao động phải xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động làm cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương theo công việc hoặc chức danh ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động.
2. Mức lao động phải là mức trung bình bảo đảm số đông người lao động thực hiện được mà không phải kéo dài thời giờ làm việc bình thường và phải được áp dụng thử trước khi ban hành chính thức.
3. Người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động.
Thang lương, bảng lương và mức lao động phải được công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện.
Như vậy, nguyên tắc khi xây dựng thang bảo lương bao gồm:
- Phải xây dựng thang bảng lương và định mức lao động làm cơ sở tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương theo công việc;
- Cần phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện cho người lao động tại cơ sở (nếu có) để xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động;
- Phải được công bố công khai trước khi thực hiện thang lương, bảng lương tại nơi làm việc để người lao động biết.
Theo khoản 1 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về mức phạt khi vi phạm về thang bảng lương.
Theo đó, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
- Không công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện: thang lương, bảng lương; mức lao động; quy chế thưởng;
- Không xây dựng thang lương, bảng lương hoặc định mức lao động; không áp dụng thử mức lao động trước khi ban hành chính thức;
- Không tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi xây dựng thang lương, bảng lương; định mức lao động; quy chế thưởng;
Theo điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 204/2004/NĐ-CP, hiện nay công chức, viên chức đang được áp dụng 04 bảng lương như sau:
- Bảng 01: Bảng lương chuyên gia cao cấp.
- Bảng 02: Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước (bao gồm cả cán bộ giữ chức danh do bầu cử thuộc diện xếp lương theo ngạch, bậc công chức hành chính và hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và công chức ở xã, phường, thị trấn).
- Bảng 03: Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước.
- Bảng 04: Bảng lương nhân viên thừa hành, phục vụ trong các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước.
Tuy nhiên, theo Nghị quyết 104/2023/QH15 về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024, từ 1/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 sẽ xây dựng bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo bằng số tiền cụ thể, ban hành hệ thống bảng lương mới. Trong đó, xây dựng 05 bảng lương mới, trong đó có 02 bảng lương cho công chức, viên chức cụ thể:
- 01 bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo;
- 01 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo.
Như vậy, từ 1/7/2024 sẽ xây dựng 02 bảng lương mới áp dụng cho công chức, viên chức.
Trân trọng!