20/07/2021 16:09

Thân nhân của người tử vong do TNLĐ được bồi thường như thế nào?

Thân nhân của người tử vong do TNLĐ được bồi thường như thế nào?

Trong công việc, dù đơn giản hay phức tạp thì luôn có những rủi ro tiềm ẩn đe dọa sự an toàn của người lao động. Những rủi ro này có thể là nguyên nhân xảy ra tai nạn trong quá trình làm việc của người lao động.

Vậy nếu người lao động bị tai nạn lao động thì người thân của họ sẽ được người sử dụng lao động giải quyết bồi thường như thế nào?

Cụ thể, tại bản án lao động phúc thẩm 07/2020/LĐ-PT ngày 08/12/2020 về tranh chấp bồi thường thiệt hại do tai nạn lao động dẫn đến chết người có nội dung tóm tắt như sau:

“Ông Trần Văn T là công nhân của Công ty TNHH Tái chế Kim loại V (Công ty V). Vào 13 giờ ngày 28/10/2019, trong lúc làm việc ông T trèo lên bức tường xây gạch không nung tiếp giáp với vách nhà xưởng của công ty làm bằng tole để sắp lại các dây điện vào ống cách điện và dùng dây cột cố định vào máng kim loại phía trên dẫn xuống các hộp đấu nguồn điện của lò nấu kim loại. Đến 16 giờ 30 phút cùng ngày ông T bị rơi từ bức tường xuống nền bê tông phía trên lò nấu kim loại gây bất tỉnh, đầu bị chấn thương ra máu nhiều, những công nhân làm chung đưa đi bệnh viện nhưng đã tử vong.

Sau khi sự việc xảy ra, Công ty V thỏa thuận bồi thường thiệt hại cho vợ và con của ông T. Đến ngày 04/3/2020, công ty V và bà T (là vợ ông T) lập lại biên bản thỏa thuận về bồi thường thiệt hại trong vụ tai nạn lao động như sau:

- Chi phí mai táng cho ông T là 56.576.000 đồng.

- Công ty V mở tài khoản ngân hàng đứng tên con ông bà là Trần Nguyễn Dạ T2 số tiền 150.000.000 đồng (thỏa thuận ban đầu là 200.000.000 đồng). T2 sẽ được toàn quyền định đoạt số tiền trong tài khoản khi đủ 18 tuổi. Công ty V toàn quyền quản lý số tiền này cho đến khi T2 đủ 18 tuổi, bà Nguyễn Thị Ngọc T (là vợ ông T) cam kết không can thiệp, sử dụng khoản tiền tiền nêu trên.

- Công ty thanh toán chi phí sinh hoạt hàng tháng là 4.000.000 đồng đến khi cháu T2 đủ 22 tuổi (đã giao 16.000.000 đồng); công ty thanh toán tất cả chi phí học tập cho T2 cho đến khi ngưng học đã chi 7.695.000 đồng).

Tuy nhiên, đến tháng 3/2020 công ty không thanh toán như cam kết nên bà T khởi kiện yêu cầu công ty bồi thường thiệt hại như đã thỏa thuận. Công ty V không chấp nhận và cho rằng việc bà T kiện lên Tòa án là vi phạm thỏa thuận. Vì vậy, công ty không đồng ý bồi thường cho bà T và có yêu cầu phản tố đối với bà.”

Tại bản án sơ thẩm, Tòa án tuyên xử chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại do tai nạn lao động dẫn đến chết người của bà T đối với công ty V.

Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm, Tòa án nhân dân tỉnh Long An đã tuyên chấp nhận thỏa thuận bồi thường của hai bên và yêu cầu công ty V phải bồi thường cho bà T và cháu T2 theo đúng thỏa thuận.

Khi người lao động bị tai nạn và tử vong trong quá trình làm việc theo quy định Điều 12 Nghị định 45/2013/NĐ-CP sẽ được người sử dụng lao động bồi thường theo quy định tại khoản 4 Điều 38 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015:

Điều 38. Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

“…

4. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau:
a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;
b) Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;…”

Tại bản án lao động nêu trên, công ty V đã thỏa thuận bồi thường cho vợ con của ông T (chết do tai nạn lao động) là bà T và cháu T2 dưới hình thức mở tài khoản cho cháu T2 và giao quyền định đoạt số tiền trong tài khoản cho T2 khi cháu đủ 18 tuổi, bên cạnh đó chi trả toàn bộ chi phí học tập của cháu T2 cho đến khi ngưng học, đồng thời bồi thường chi phí mai táng ông T. Việc chi trả bồi thường thiệt hại theo hình thức nêu trên hoàn toàn không trái với quy định của pháp luật và được xem là hợp tình, hợp lý bởi số tiền bồi thường được sử dụng với mục đích tốt và có thể bồi thường phần nào tinh thần cho gia đình của người lao động bị tai nạn.

Ngoài ra, nếu người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, thì ngoài các khoản bồi thường mà công ty có trách nhiệm chi trả, thân nhân của người lao động chết do tai nạn lao động còn được cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả các khoản trợ cấp như sau:

- Trợ cấp một lần khi người lao động chết quy định tại khoản 1 Điều 53 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015:

Điều 53. Trợ cấp khi người lao động chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

“Thân nhân người lao động được hưởng trợ cấp một lần bằng ba mươi sáu lần mức lương cơ sở tại tháng người lao động bị chết và được hưởng chế độ tử tuất theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Người lao động đang làm việc bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;...”

- Trợ cấp mai táng theo quy định tại Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:

Điều 66. Trợ cấp mai táng 

“1. Những người sau đây khi chết thì người lo mai táng được nhận một lần trợ cấp mai táng:

…b) Người lao động chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc chết trong thời gian điều trị do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;…

…2. Trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người quy định tại khoản 1 Điều này chết.”

- Trợ cấp tuất hàng tháng hoặc trợ cấp tuất một lần:

Thân nhân người lao động thuộc các trường hợp tại Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì được hưởng mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 50% mức lương cơ sở; trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở.

Trường hợp người lao động chết do tai nạn lao động mà không có thân nhân hưởng tiền tuất hằng tháng theo quy định hoặc có thân nhân thuộc diện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng nhưng có nguyện vọng hưởng trợ cấp tuất một lần (trừ trường hợp con dưới 06 tuổi, con hoặc vợ hoặc chồng mà bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên) sẽ được hưởng mức trợ cấp tuất một lần tính theo số năm đã đóng BHXH nhưng không thấp hơn 03 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Như vậy, khi người lao động chết bị tai nạn lao động dẫn đến chết người thì gia đình, thân nhân của người lao động cần nắm rõ các quyền lợi của mình và thỏa thuận với người sử dụng lao động để được bồi thường thiệt hại đúng với quy định của pháp luật. Từ đó, tránh tình trạng vì thiếu hiểu biết về pháp luật mà bỏ qua các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Xuân Hiền
7978

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]