Theo quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật dân sự 2015, giám hộ là việc cá nhân, pháp nhân được luật quy định, được Ủy ban nhân dân cấp xã cử, được Tòa án chỉ định hoặc được quy định tại khoản 2 Điều 48 Bộ luật dân sự 2015 (sau đây gọi chung là người giám hộ) để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (sau đây gọi chung là người được giám hộ).
Căn cứ theo quy định tại Điều 51 Bộ luật dân sự 2015, nội dung giám sát việc giám hộ được quy định như sau:
- Người thân thích của người được giám hộ thỏa thuận cử người giám sát việc giám hộ trong số những người thân thích hoặc chọn cá nhân, pháp nhân khác làm người giám sát việc giám hộ.
Việc cử, chọn người giám sát việc giám hộ phải được sự đồng ý của người đó. Trường hợp giám sát việc giám hộ liên quan đến quản lý tài sản của người được giám hộ thì người giám sát phải đăng ký tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ.
Người thân thích của người được giám hộ là vợ, chồng, cha, mẹ, con của người được giám hộ; nếu không có ai trong số những người này thì người thân thích của người được giám hộ là ông, bà, anh ruột, chị ruột, em ruột của người được giám hộ; nếu cũng không có ai trong số những người này thì người thân thích của người được giám hộ là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người được giám hộ.
- Trường hợp không có người thân thích của người được giám hộ hoặc những người thân thích không cử, chọn được người giám sát việc giám hộ theo quy định tại khoản 1 Điều này thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người giám hộ cử cá nhân hoặc pháp nhân giám sát việc giám hộ. Trường hợp có tranh chấp về việc cử, chọn người giám sát việc giám hộ thì Tòa án quyết định.
- Người giám sát việc giám hộ phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ nếu là cá nhân, có năng lực pháp luật dân sự phù hợp với việc giám sát nếu là pháp nhân; có điều kiện cần thiết để thực hiện việc giám sát.
- Người giám sát việc giám hộ có quyền và nghĩa vụ sau đây:
+ Theo dõi, kiểm tra người giám hộ trong việc thực hiện giám hộ;
+ Xem xét, có ý kiến kịp thời bằng văn bản về việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự quy định tại Điều 59 Bộ luật dân sự 2015;
+ Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giám hộ xem xét thay đổi hoặc chấm dứt việc giám hộ, giám sát việc giám hộ.
Theo quy định tại Điều 28a Nghị định 123/2015/NĐ-CP được bổ sung bởi Khoản 8 Điều 2 Nghị định 07/2025/NĐ-CP, thẩm quyền đăng ký giám sát việc giám hộ, đăng ký chấm dứt giám sát việc giám hộ là cơ quan:
- Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ thực hiện đăng ký giám sát việc giám hộ.
- Ủy ban nhân dân cấp xã đã đăng ký giám sát việc giám hộ thực hiện đăng ký chấm dứt giám sát việc giám hộ.
Căn cứ theo Điều 28b Nghị định 123/2015/NĐ-CP được bổ sung bởi Khoản 8 Điều 2 Nghị định 07/2025/NĐ-CP, thủ tục đăng ký giám sát việc giám hộ thực hiện như sau:
- Người yêu cầu đăng ký giám sát việc giám hộ nộp Tờ khai đăng ký giám sát việc giám hộ theo Mẫu số 11 https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2024/mau-so-11-nghi-dinh-07-2025.docx ban hành kèm theo Nghị định 07/2025/NĐ-CP và văn bản là căn cứ chứng minh việc thỏa thuận cử/chọn người giám sát giám hộ theo quy định của Bộ luật Dân sự cho cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền.
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, nếu thấy đủ điều kiện theo quy định pháp luật thì công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.
Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn giải quyết được kéo dài nhưng không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ.