Khoản 1, khoản 2 Điều 56 BLHS năm 2015 quy định:
“Trong trường hợp một người đang phải chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này, thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội đang bị xét xử, sau đó quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 của Bộ luật này. Thời gian đã chấp hành hình phạt của bản án trước được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung”.
“Khi xét xử một người đang phải chấp hành một bản án mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới, Tòa án quyết định hình phạt đối với tội mới, sau đó tổng hợp với phần hình phạt chưa chấp hành của bản án trước rồi quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 của Bộ luật này”.
Nghiên cứu Điều 56 BLHS năm 2015 thì thấy điều luật chỉ dự liệu về quyết định hình phạt trong trường hợp một người đang phải chấp hành một bản án đã có hiệu lực pháp luật mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này hoặc khi đang chấp hành hình phạt thì lại phạm tội mới mà chưa quy định rõ về thẩm quyền tổng hợp hình phạt tù có thời hạn của nhiều bản án và chưa bao quát được các trường hợp xảy ra trong thực tiễn.
Khoản 1,2 Điều 56 BLHS năm 2015 cũng không quy định cụ thể cho cấp Tòa án nào khi xét xử được thẩm quyền tổng hợp của các bản án đến bao nhiêu năm tù. Theo thẩm quyền xét xử của Tòa án được quy định tại khoản 1 Điều 268 BLTTHS năm 2015, thì Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự Khu vực chỉ có thẩm quyền xét xử đến tội rất nghiêm trọng (trừ các tội xâm phạm an ninh quốc gia; các tội quy định tại các điều 123 BLHS …), Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án quân sự cấp Quân khu có thẩm quyền xét xử những vụ án hình sự về tội phạm không thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự Khu vực…
Do vậy, trong thực tiễn xét xử Hội đồng xét xử sẽ gặp trường hợp có nhiều quan điểm khác nhau trong việc giải quyết vụ án.
ví dụ: Nguyễn Đức A đang phải chấp hành hình phạt 08 năm tù về tội “Cướp tài sản” theo khoản 2 Điều 168 BLHS năm 2015, sau đó Nguyễn Đức A lại thực hiện hành vi phạm tội mới, bị Viện kiểm sát truy tố ra trước Tòa án nhân dân huyện N về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 4 Điều 134 BLHS năm 2015, có mức hình phạt từ 7 đến 14 năm tù.
Quan điểm 1 cho rằng Tòa án nhân dân huyện N vẫn tiến hành xét xử đối với Nguyễn Đức A về tội “Cố ý gây thương tích” nhưng không tổng hợp với hình phạt 08 năm tù của tội “Cướp tài sản”, vì khi tổng hợp hình phạt của 02 bản án thì mức hình phạt chung của Nguyễn Đức A vượt quá mức tối đa hình phạt tù có thời hạn 15 năm mà Tòa cấp huyện có thẩm quyền xét xử; quan điểm thứ 2 cho rằng, Tòa án nhân dân huyện N phải chuyển hồ sơ cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh xét xử, vì thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện chỉ được xét xử hình phạt tù có thời hạn tối đa là 15 năm; quan điểm thứ 3 cho rằng, Tòa án nhân dân huyện N vẫn tiến hành xét xử đối với Nguyễn Đức A về tội “Cố ý gây thương tích” và tổng hợp với 08 năm tù của bản án trước. Tác giả cũng đồng tình với quan điểm này, vì việc tổng hợp hình phạt của bản án Tòa án nhân dân huyện N đang xét xử với bản án trước đã có hiệu lực pháp luật chỉ là tổng hợp hình phạt mang tính chất số học, Tòa án chỉ thực hiện việc tổng hợp hình phạt theo quy định của pháp luật mà không xem xét lại nội dung, không xét xử lại vụ án đã xét xử trước.
Quan điểm 2: nên đồng nhất thẩm quyền xét xử với thẩm quyền tổng hợp hình phạt. Tòa án nhân dân huyện N có thẩm quyền tổng hợp hình phạt vượt quá thẩm quyền xét xử của mình (quá 15 năm tù cho đến 30 năm tù đối với hình phạt tù có thời hạn), kể cả trường hợp Tòa án cấp huyện tổng hợp với bản án đã có hiệu lực của Tòa cấp trên, miễn là không vi phạm khoản 1 Điều 55 BLHS năm 2015. Vì theo khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 02/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 quy định “Trường hợp bị cáo bị truy tố về một hoặc một số tội thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện mà khi thụ lý vụ án xét xử thấy bị cáo đã bị áp dụng hình phạt tù chung thân hoặc tử hình tại một bản án khác và bản án đó đã có hiệu lực pháp luật thì Tòa án nhân dân cấp huyện phải báo cáo với Tòa án nhân dân cấp tỉnh để Tòa án nhân dân cấp tỉnh thống nhất với Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh rút hồ sơ vụ án lên để truy tố, xét xử ở cấp tỉnh”.
Quan điểm của tác giả: hướng dẫn này quy định trường hợp bị cáo đã bị áp dụng hình phạt tử hình hoặc chung thân thì Tòa án cấp huyện phải báo cáo, để nghị Viện kiểm sát và Tòa án cấp tỉnh rút hồ sơ lên để truy tố, xét xử là phù hợp theo thẩm quyền.
– Tại khoản 3 Điều 56 BLHS năm 2015 quy định
“Trong trường hợp một người phải chấp hành nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật mà các hình phạt của các bản án chưa được tổng hợp, thì Chánh án Tòa án có thẩm quyền ra quyết định tổng hợp hình phạt của các bản án theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này”.
Khoản 3 Điều 56 BLHS năm 2015 không quy định rõ Chánh án Tòa án có thẩm quyền ra quyết định tổng hợp hình phạt của các bản án là Tòa án cấp nào?. Vấn đề đặt ra tiếp theo là Tòa án cấp dưới tổng hợp hình phạt với bản án của Tòa án cấp trên được không? Trường hợp này hiện nay có một số Tòa vận dụng tinh thần của Thông tư liên tịch số 02/TTLT ngày 20/12/1991 của TANDTC-VKSNDTC để áp dụng (Tại Mục 5 của Thông tư liên tịch 02/TTLT quy định: Trường hợp các bản án đã có hiệu lực pháp luật đều của cùng một Tòa án thì Chánh án Tòa án đó ra quyết định tổng hợp hình phạt; Trường hợp các bản án đã có hiệu lực pháp luật là của các Tòa án khác nhau nhưng cùng cấp thì Chánh án Tòa án ra bản án sau cùng ra quyết định tổng hợp hình phạt; Trường hợp các bản án đã có hiệu lực pháp luật là của các Tòa án không cùng cấp thì Chánh án Tòa án cấp cao hơn ra quyết định tổng hợp hình phạt, không phụ thuộc bản án của Tòa án cấp cao hơn có trước hay có sau; Trường hợp các bản án đã có hiệu lực pháp luật có bản án là của Tòa án nhân dân, có bản án là của Tòa án quân sự thì việc tổng hợp hình phạt cũng được thực hiện như trên…).
Vấn đề này đòi hỏi cơ quan có thẩm quyền cần ban hành văn bản dưới luật để hướng dẫn áp dụng.
– Điều 56 BLHS năm 2015 chưa bao quát được trường hợp sau: Một người bị tuyên phạt tử hình nhưng được chuyển xuống tù chung thân theo quyết định của Chủ tịch nước hoặc quyết định của Chánh án TANDTC mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới. Vì vậy, Tòa án sẽ lúng túng không biết phải căn cứ vào đâu (Bản án tuyên phạt tử hình, Quyết định ân giảm của Chủ tịch nước hay Quyết định chuyển hình phạt của Chánh án TANDTC) để tổng hợp và quyết định hình phạt đối với người bị kết án được ân giảm hoặc chuyển hình phạt từ tử hình xuống tù chung thân nhưng lại phạm tội mới.
Để giải quyết những vấn đề đặt ra ở trên, các cơ quan có thẩm quyền xây dựng, ban hành pháp luật cần rà soát lại toàn bộ các quy định về tổng hợp hình phạt của nhiều bản án, qua đó có những bổ sung đối với BLHS hiện hành; ban hành các văn bản dưới luật hướng dẫn cụ thể đối với các vấn đề liên quan theo hướng sau:
– Thứ nhất: Việc tổng hợp hình phạt theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 56 BLHS năm 2015, cần quy định Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án quân sự Khu vực có thẩm quyền tổng hợp hình phạt đến 30 năm tù và có thẩm quyền tổng hợp với bản án đã có hiệu lực của Tòa án cấp trên, miễn là không vượt quá 30 năm đối với tù có thời hạn. Trường hợp bản án trước bị cáo đã bị áp dụng hình phạt chung thân hoặc tử hình thì Tòa án nhân dân cấp huyện hoặc Tòa án quân sự Khu vực phải báo cáo, đề nghị Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Viện kiểm sát, Tòa án quân sự cấp Quân khu rút hồ sơ lên để truy tố, xét xử theo thẩm quyền.
Đối với khoản 3 Điều 56 BLHS năm 2015: Về thẩm quyền của Chánh án Tòa án cấp nào trong việc tổng hợp hình phạt của các bản án, cần quy định Tòa án xét xử sau cùng hoàn toàn có quyền tổng hợp các bản án đã có hiệu lực chưa được tổng hợp trước đó, không phân biệt Tòa án cấp trên hay cấp dưới, Tòa án nhân dân hay Tòa án quân sự miễn là không vi phạm tổng hợp mức hình phạt chung đối với tù có thời hạn là đến 30 năm tù; trừ trường hợp khi mức tổng hợp đến chung thân, tử hình thì do Tòa cấp trên tổng hợp.
- Thứ hai, Theo tác giả, cơ quan có thẩm quyền cần tiếp tục cần hoàn thiện Điều 56 BLHS năm 2015 theo hướng bổ sung thêm nội dung: “Việc tổng hợp hình phạt đối với người bị tuyên phạt tử hình nhưng được chuyển xuống tù chung thân mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới, thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội đang xét xử, sau đó quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 BLHS”.
Tóm lại, việc sửa đổi, bổ sung BLHS và ban hành các văn bản hướng dẫn đối với quy định về tổng hợp hình phạt của nhiều bản án là cần thiết, vì đây là nội dung quan trọng của hoạt động xét xử, là nội dung trong phán quyết của Tòa án ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người bị kết án. Tuy nhiên BLHS mới ban hành do đó tác giả kiến nghị Hội đồng Thẩm phán TANDT sớm ban hành văn bản hướng dẫn về vấn đề này để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.
Nguồn: Theo Tạp chí Tòa án