Ông Dư khởi kiện bà Hương ra Tòa án nhân dân (TAND) quận Tây Hồ, Tp Hà Nội để tranh chấp đòi tài sản. Bà Hương có đăng ký hộ khẩu thường trú (HKTT) tại quận Hai Bà Trưng và tạm trú tại quận Tây Hồ.
Khi giải quyết vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) đã xét rằng: “Trong trường hợp này, nơi đăng ký hộ khẩu và nơi tạm trú của bà Hương có địa chỉ khác nhau. Theo Điều 12 Luật Cư trú năm 2006 thì: “Nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc tạm trú” và trong thực tế tại thời điểm khởi kiện, bà Hương đã và đang đăng ký hộ khẩu thường trú tại quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội, nên TAND quận Hai Bà Trưng thụ lý và giải quyết vụ án là đúng thẩm quyền, được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) và không làm hạn chế đến quyền và nghĩa vụ của đương sự. Do đó, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Hà Nội nhận định tại thời điểm khởi kiện, bà Hương thường xuyên sinh sống và tạm trú tại quận Tây Hồ, Thành phố Hà Nội để hủy Bản án sơ thẩm và Bản án phúc thẩm là không cần thiết”.
BÌNH LUẬN
Nơi cư trú của bị đơn là một căn cứ để xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự. Cụ thể, điểm a khoản 1 Điều 39 BLTTDS năm 2015 quy định: “Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định: Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự…”. Trước đây, điểm a khoản 1 Điều 35 BLTTDS năm 2004 (được sửa đổi, bổ sung năm 2011) cũng có quy định tương tự như nội dung vừa nêu.
Trường hợp người bị kiện là cá nhân (sau này là bị đơn) vừa có nơi thường trú, vừa có nơi tạm trú thì Tòa án nào (thường trú hay tạm trú) có thẩm quyền giải quyết vụ kiện và các vấn đề pháp lý liên quan là gì? Chúng ta sẽ đi tìm câu trả lời thông qua bình luận Quyết định giám đốc thẩm đã được đề cập ở phần trên.
Theo Quyết định giám đốc thẩm, “Đơn khởi kiện ngày 11/3/2014 của ông Dư, các giấy tờ giao dịch giữa ông Dư với bà Hương, Giấy chứng minh nhân dân của bà Hương đều có nội dung HKTT của bà Hương tại quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội (…) và trong thực tế tại thời điểm khởi kiện, bà Hương đã và đang đăng ký hộ khẩu thường trú tại quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội”.
Khoản 1 Điều 12 Luật Cư trú năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2013) (viết tắt là Luật Cư trú sửa đổi năm 2013) quy định: “Nơi thường trú là nơi công dân sinh sống thường xuyên, ổn định, không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú”. Trong thực tế, khi xác định nơi thường trú của một người, chúng ta hầu như không quá chú trọng đến yếu tố “nơi công dân sinh sống thường xuyên, ổn định” mà chúng ta thường chỉ quan tâm đến yếu tố “nơi công dân đã đăng ký thường trú”.
Điều 18 Luật Cư trú sửa đổi năm 2013 quy định: “Đăng ký thường trú là việc công dân đăng ký nơi thường trú của mình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan này làm thủ tục đăng ký thường trú, cấp sổ hộ khẩu cho họ”. Cơ quan có thẩm quyền đăng ký là Công an huyện, quận, thị xã đối với thành phố trực thuộc Trung ương; Công an xã, thị trấn thuộc huyện, Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh đối với tỉnh (Điều 21 Luật Cư trú sửa đổi năm 2013).
Như vậy, chúng ta có đủ cơ sở kết luận: Bà Hương đã đăng ký nơi thường trú của mình với Công an quận Hai Bà Trưng và đã được Công an quận Hai Bà Trưng làm thủ tục đăng ký thường trú, cấp sổ hộ khẩu.
Trở lại với Quyết định giám đốc thẩm, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã xét rằng: “Trong trường hợp này, nơi đăng ký hộ khẩu và nơi tạm trú của bà Hương có địa chỉ khác nhau. Theo Điều 12 Luật Cư trú năm 2006 thì: “Nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cứ trú của công dân là nơi thường trú hoặc tạm trú” và trong thực tế tại thời điểm khởi kiện bà Hương đã và đang đăng ký hộ khẩu thường trú tại quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội, nên TAND quận Hai Bà Trưng thụ lý và giải quyết vụ án là đúng thẩm quyền, được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 35 BLTTDS năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) và không làm hạn chế đến quyền và nghĩa vụ của đương sự. Do đó, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Hà Nội nhận định tại thời điểm khởi kiện, bà Hương thường xuyên sinh sống và tạm trú tại quận Tây Hồ, Thành phố Hà Nội để hủy Bản án sơ thẩm và Bản án phúc thẩm là không cần thiết”.
Kết luận được rút ra ở đây là: Khi người bị kiện (sau này là bị đơn) vừa có nơi đăng ký thường trú, vừa có nơi tạm trú thì theo Hội đồng Thẩm phán TANDTC, Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Tòa án nơi người bị kiện có đăng ký thường trú.
Sau khi xác định bị đơn vừa có nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, vừa có nơi tạm trú, Hội đồng Thẩm phán TANDTC khẳng định Tòa án nơi bị đơn đăng ký hộ khẩu thường trú giải quyết vụ án “là đúng thẩm quyền” và “không làm hạn chế đến quyền và nghĩa vụ của đương sự. Do đó, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Hà Nội nhận định tại thời điểm khởi kiện, bà Hương thường xuyên sinh sống và tạm trú tại quận Tây Hồ, Thành phố Hà Nội để hủy Bản án sơ thẩm và Bản án phúc thẩm là không cần thiết”. Đây là điểm thuyết phục trong Quyết định giám đốc thẩm đang được bình luận.
Về mặt logic, nếu Tòa án nơi bị đơn đăng ký thường trú giải quyết và việc giải quyết này mặc dù “đúng thẩm quyền” nhưng nếu đã “làm hạn chế đến quyền và nghĩa vụ của đương sự” thì có thể Hội đồng Thẩm phán cho rằng: “Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Hà Nội nhận định tại thời điểm khởi kiện, bà Hương thường xuyên sinh sống và tạm trú tại quận Tây Hồ, Thành phố Hà Nội để hủy Bản án sơ thẩm và Bản án phúc thẩm” là “cần thiết”. Như vậy, việc Tòa án nơi bị đơn đăng ký thường trú giải quyết mặc dù “đúng thẩm quyền” nhưng có hay không có “làm hạn chế đến quyền và nghĩa vụ của đương sự” là một trong những nội dung ảnh hưởng đến việc hủy hay không hủy Bản án, Quyết định đã có hiệu lực pháp luật để giải quyết lại.
Điều này có nghĩa rằng, Hội đồng Thẩm phán TANDTC cho rằng việc Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Hà Nội nhận định tại thời điểm khởi kiện, bà Hương thường xuyên sinh sống và tạm trú tại quận Tây Hồ, Thành phố Hà Nội để hủy Bản án sơ thẩm và Bản án phúc thẩm là “không cần thiết” chứ không phải là “sai”. Bởi lẽ, trường hợp Tòa án nơi bị đơn đăng ký thường trú cũng có thẩm quyền giải quyết và Tòa án nơi bị đơn tạm trú cũng có thẩm quyền giải quyết thì lúc này Tòa nào giải quyết không quan trọng bằng việc xác định Tòa án đó giải quyết “có làm hạn chế đến quyền và nghĩa vụ của đương sự hay không” thì mới đặt ra vấn đề hủy bản án sơ thẩm và (hoặc) phúc thẩm để giải quyết lại.
Theo Quyết định giám đốc thẩm, “Trong quá trình giải quyết vụ án, bà Hương trình bày bà có HKTT tại quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội, nhưng đang tạm trú tại quận Tây Hồ, Thành phố Hà Nội”.
Khoản 1 Điều 12 Luật Cư trú sửa đổi năm 2013 quy định: “Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống ngoài nơi đăng ký thường trú và đã đăng ký tạm trú”. Quan sát thực tế cho thấy, một người có thể sinh sống ở nhiều nơi khác nhau và để chứng minh nơi tạm trú của mình thì người đó chứng minh là “đã đăng ký tạm trú”.
Điều 30 Luật Cư trú sửa đổi năm 2013 quy định: “Đăng ký tạm trú là việc công dân đăng ký nơi tạm trú của mình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan này làm thủ tục đăng ký tạm trú, cấp sổ tạm trú cho họ” (khoản 1), và “Sổ tạm trú được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký tạm trú, có giá trị xác định nơi tạm trú của công dân và có thời hạn tối đa là hai mươi bốn tháng” (khoản 4).
Cũng theo Quyết định giám đốc thẩm, “Tại Biên bản làm việc ngày 15/9/2015, Công an phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Thành phố Hà Nội xác định bà Hương tạm trú tại số 1-G10 Khu đô thị Nam Thăng Long, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Thành phố Hà Nội từ tháng 10/2013. Như vậy, trong trường hợp này, nơi đăng ký hộ khẩu và nơi tạm trú của bà Hương có địa chỉ khác nhau”.
Với thông tin nêu trên, dường như quan điểm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC là bà Hương tạm trú tại quận Tây Hồ từ tháng 10/2013 theo xác định của Công an phường Phú Thượng, còn thực tế thì chúng ta không có đủ thông tin về việc bà Hương đã thực hiện thủ tục đăng ký tạm trú, đã được cấp sổ tạm trú theo quy định hay chưa, và thời hạn tạm trú của bà Hương là còn hay đã hết. Theo chúng tôi, đây là những điểm chưa rõ.
Vấn đề đặt ra trong trường hợp này là bị đơn vừa có nơi đăng ký thường trú, vừa có nơi tạm trú thì Tòa án nơi bị đơn tạm trú có thẩm quyền giải quyết vụ án không?
Điểm a khoản 1 Điều 35 BLTTDS năm 2004 (được sửa đổi, bổ sung năm 2011) mà hiện nay là điểm a khoản 1 Điều 39 BLTTDS năm 2015 quy định: “Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định: Tòa án nơi bị đơn cư trú”. Và như đã đề cập, “nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú” (khoản 1 Điều 12 Luật Cư trú sửa đổi năm 2013).
Trở lại vụ việc trong Quyết định giám đốc thẩm đang được bình luận thì Tòa án nơi bị đơn tạm trú cũng có thẩm quyền giải quyết vụ án, mà cụ thể trong trường hợp này, bà Hương đang tạm trú tại quận Tây Hồ, Thành phố Hà Nội nên TAND quận Tây Hồ cũng có thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự.
Theo quy định hiện hành và thực tiễn pháp lý, tại thời điểm nộp đơn khởi kiện, người nộp đơn khởi kiện chỉ cần chứng minh được nơi cư trú của người bị kiện thì Tòa án có thẩm quyền nơi người bị kiện cư trú phải thụ lý, giải quyết. Do vậy, trường hợp người bị kiện có hai địa chỉ, vừa có nơi đăng ký thường trú, vừa có nơi đăng ký tạm trú thì người nộp đơn khởi kiện có quyền lựa chọn việc nộp đơn khởi kiện ở đâu, hoặc nộp đơn khởi kiện tại Tòa án nơi người bị kiện có đăng ký thường trú, hoặc có nơi đăng ký tạm trú để yêu cầu thụ lý, giải quyết.
Chúng ta cần làm rõ mối quan hệ giữa thẩm quyền giải quyết với việc phải hủy Bản án, Quyết định đã có hiệu lực để giải quyết lại. Trong vụ việc này, Tòa án nơi bị đơn tạm trú có thẩm quyền giải quyết không có nghĩa rằng Bản án, Quyết định đã có hiệu lực pháp luật phải được hủy để Tòa án nơi bị đơn tạm trú giải quyết lại. Đây là điểm rất thuyết phục của Quyết định giám đốc thẩm bởi các lý do sau:
Thứ nhất, mặc dù Tòa án nơi bị đơn tạm trú có thẩm quyền giải quyết nhưng trong trường hợp này, Tòa án nơi bị đơn đăng ký thường trú cũng có thẩm quyền giải quyết. Điều này có nghĩa rằng, Tòa án nơi bị đơn đăng ký thường trú giải quyết vụ án là không sai về thẩm quyền tố tụng.
Thứ hai, Tòa án nơi bị đơn đăng ký thường trú giải quyết đã không làm hạn chế đến quyền và nghĩa vụ của đương sự. Điều này có nghĩa rằng, mặc dù Tòa án nơi bị đơn đăng ký thường trú giải quyết là đúng thẩm quyền nhưng nếu việc giải quyết đó làm hạn chế đến quyền và nghĩa vụ của đương sự thì có thể Bản án, Quyết định đã có hiệu lực đó sẽ bị hủy để giao cho Tòa án nơi bị đơn tạm trú giải quyết lại.
Thứ ba, tại thời điểm khởi kiện, mặc dù bị đơn thường xuyên sinh sống tại nơi tạm trú cũng không có nghĩa là Tòa án nơi bị đơn đăng ký thường trú không có thẩm quyền giải quyết và một khi Tòa án nơi bị đơn đăng ký thường trú giải quyết đúng pháp luật, không làm hạn chế đến quyền, nghĩa vụ của các bên đương sự thì việc hủy Bản án sơ thẩm và Bản án phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật để giao cho Tòa án nơi bị đơn tạm trú giải quyết lại là “không cần thiết”. Điều này có nghĩa rằng, việc hủy Bản án, Quyết định đã có hiệu lực pháp luật để giao cho Tòa án nơi bị đơn tạm trú giải quyết lại trong trường hợp này chỉ tốn thêm thời gian, công sức, tài chính của Nhà nước và người dân, ảnh hưởng thêm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự.
Có quan điểm cho rằng: “Nơi cư trú của cá nhân là nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú của cá nhân đó”. Chúng tôi không hoàn toàn đồng tình với quan điểm vừa nêu, vì chưa đầy đủ. Bởi lẽ, quan điểm vừa nêu đã bỏ sót một nơi cư trú nữa, đó chính là “nơi cá nhân đó đang sinh sống” sẽ được trình bày ở phần tiếp sau.
Quan điểm khác cho rằng: “Nơi nào mà cá nhân thường xuyên sinh sống là nơi cư trú của họ, bất kể họ có đăng ký thường trú hay đăng ký tạm trú hay không”. Chúng tôi không hoàn toàn đồng tình với quan quan điểm vừa nêu. Bởi lẽ, quan điểm vừa nêu chỉ thể hiện về mặt thực tế, còn về mặt pháp lý thì chưa được đảm bảo.
Khoản 1 Điều 12 Luật Cư trú sửa đổi năm 2013 quy định: “Nơi cư trú là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc tạm trú”. Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 12 Luật Cư trú sửa đổi năm 2013 quy định: “Trường hợp không xác định được nơi cư trú của công dân theo quy định tại khoản 1 Điều này thì nơi cư trú của công dân là nơi người đó đang sinh sống”.
Ngoài ra, khoản 2 Điều 5 Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18/4/2014 của Chính phủ còn quy định: “Trường hợp không xác định được nơi cư trú của công dân theo quy định tại Khoản 1 Điều này, thì nơi cư trú của công dân là nơi người đó đang sinh sống và có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn”. Điều này có nghĩa rằng, nơi cư trú còn là “nơi người đó đang sinh sống”, không thuộc trường hợp thường trú và tạm trú nhưng phải có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn.
Như đã đề cập ở phần trên, theo chúng tôi, nơi cư trú có nội hàm rộng, bao gồm và có thể là “nơi thường trú”, hoặc có thể là “nơi tạm trú”, hoặc cũng có thể là “nơi người đó đang sinh sống”. Trong số các nơi cư trú nêu trên, Luật Cư trú yêu cầu bắt buộc phải đăng ký đối với “nơi thường trú” và “nơi tạm trú”, còn Nghị định hướng dẫn yêu cầu cần phải có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn đối với “nơi người đó đang sinh sống” để chứng minh một người nào đó đang cư trú tại địa chỉ đó.
Những nội dung vừa phân tích nêu trên là phù hợp với hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TANDTC tại Nghị quyết số 04/2017/NQ-HDTP ngày 05/5/2017 với nội dung: “Nếu người bị kiện là công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài vẫn còn quốc tịch Việt Nam trở về Việt Nam sinh sống thì nơi cư trú của họ là địa chỉ chỗ ở hợp pháp mà người bị kiện thường trú hoặc tạm trú hoặc đang sinh sống theo quy định của Luật cư trú” (điểm a khoản 1 Điều 5); và “Người khởi kiện đã cung cấp địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện cho Tòa án theo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn tại khoản 1 Điều này tại thời điểm nộp đơn khởi kiện mà được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp, xác nhận hoặc có căn cứ khác chứng minh rằng đó là địa chỉ của người bị kiện thì được coi là đã ghi đúng địa chỉ của người bị kiện theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 192 BLTTDS năm 2015” (khoản 2 Điều 5).
Thực tiễn pháp lý trong thời gian qua, có rất nhiều trường hợp người khởi kiện đã sử dụng cơ sở pháp lý tại khoản 2 Điều 52 BLDS năm 2005 (khoản 2 Điều 40 BLDS năm 2015), khoản 2 Điều 12 Luật Cư trú năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2013) và Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18/4/2014 của Chính phủ nêu trên, yêu cầu Công an xã, phường, thị trấn xác nhận một cá nhân nào đó đang sinh sống tại một địa chỉ cụ thể nào đó, tức là chứng minh nơi cư trú của người bị kiện để từ đó làm cơ sở yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú giải quyết vụ án.
Theo khoản 2 Điều 12 Luật Cư trú sửa đổi năm 2013, trường hợp không xác định được nơi cư trú của công dân theo quy định tại khoản 1 Điều này, tức là không xác định được nơi thường trú và tạm trú, thì “nơi cư trú của công dân là nơi người đó đang sinh sống”. Điều này có nghĩa rằng, nếu có nơi thường trú và (hoặc) tạm trú rồi thì không cần xác định “nơi cư trú của công dân là nơi người đó đang sinh sống”.
Tuy nhiên, thực tế thì không phải lúc nào cũng như văn bản. Trong nhiều trường hợp, một cá nhân có nơi thường trú, hoặc có nơi tạm trú, hoặc vừa có nơi thường trú vừa có nơi tạm trú, ngoài ra họ còn đang sinh sống tại một địa chỉ khác không phải là nơi đăng ký thường trú và tạm trú. Như vậy, đây không phải là trường hợp “không xác định được nơi đăng ký thường trú và (hoặc) tạm trú” của một cá nhân mà là trường hợp vừa “xác định được nơi đăng ký thường trú và (hoặc) tạm trú” vừa “xác định được nơi đang sinh sống” của một cá nhân thì theo chúng tôi, người khởi kiện có thể lựa chọn Tòa án có thẩm quyền giải quyết: hoặc Tòa án nơi bị đơn thường trú, hoặc Tòa án nơi bị đơn tạm trú, hoặc Tòa án nơi bị đơn đang sinh sống.
Thực tế trong nhiều trường hợp, ngoài việc yêu cầu người khởi kiện cung cấp các căn cứ để chứng minh nơi cư trú của người bị kiện như sổ hộ khẩu, giấy tờ đăng ký tạm trú, hoặc giấy tờ xác nhận thường trú hay tạm trú thì Tòa án còn yêu cầu người khởi kiện cung cấp cho mình địa chỉ nơi người bị kiện đang sinh sống.
Chẳng hạn, khi đề cập đến nơi cư trú của bị đơn là cá nhân, người khởi kiện (nguyên đơn) là tổ chức tín dụng đã phản ánh như sau: “Khi nộp đơn khởi kiện, các Ngân hàng phải cung cấp địa chỉ nơi sinh sống của bị đơn tại thời điểm nộp đơn khởi kiện (…). Tòa án có quan điểm cho rằng, dù đã có bản sao sổ hộ khẩu xác định nơi cư trú của bị đơn, nhưng vẫn phải có xác nhận của Công an cấp xã, phường, thị trấn nơi bị đơn cư trú để có cơ sở đảm bảo chắc chắn rằng bị đơn đang sinh sống tại đó vào thời điểm nguyên đơn nộp đơn khởi kiện…”. Theo quan điểm của chúng tôi, việc Tòa án yêu cầu người khởi kiện cung cấp thêm địa chỉ mà người bị kiện đang sinh sống và có thêm xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn nơi người bị kiện đang sinh sống trong khi người khởi kiện đã cung cấp đầy đủ căn cứ về nơi thường trú hoặc tạm trú của người bị kiện rồi là không cần thiết, không đúng quy định của pháp luật, vượt quá thẩm quyền của Tòa án, thậm chí trong nhiều trường hợp vô tình hay cố ý đã gây khó khăn cho người khởi kiện.
Thực tế còn cho thấy, khi muốn khởi kiện một cá nhân ra Tòa án nơi người đó đang sinh sống, người khởi kiện phải tiến hành yêu cầu Công an xã, phường, thị trấn nơi người đó đang sinh sống xác nhận người đó đang sinh sống tại một địa chỉ cụ thể để từ đó, người khởi kiện nộp đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án nơi người đó đang sinh sống thụ lý, giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.
Trong một vụ việc, anh A và chị B là vợ chồng và đều có hộ khẩu thường trú tại huyện Y, tỉnh T. Năm 2010, do mâu thuẫn vợ chồng nên anh A đã chuyển đến huyện D, tỉnh T sinh sống và không có đăng ký tạm trú. Năm 2019, chị B muốn ly hôn anh A và câu hỏi đặt ra là Tòa án nào có thẩm quyền giải quyết yêu cầu của chị B?
Chúng tôi đồng ý với quan điểm cho rằng: “Trong tình huống nêu trên, thẩm quyền thụ lý, giải quyết đơn khởi kiện xin ly hôn của chị B là của TAND huyện Y, hay TAND huyện D thuộc về sự lựa chọn của chị B”[6]. Trong trường hợp nêu trên, chị B có quyền khởi kiện anh A ra TAND huyện Y, tỉnh T và cung cấp cho TAND huyện Y, tỉnh T hộ khẩu thường trú để chứng minh nơi cư trú của anh A. Và như đã phân tích ở phần trên, chị B cũng có quyền khởi kiện anh A ra TAND huyện D, tỉnh T và cung cấp cho TAND huyện D, tỉnh T Xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn nơi anh A đang sinh sống để chứng minh nơi cư trú của anh A.
Kết luận
Trong Quyết định giám đốc thẩm được bình luận, tình tiết là bị đơn vừa có nơi đăng ký thường trú và vừa có nơi tạm trú, hướng giải quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC có nhân tố hợp lý và có nhiều điểm thuyết phục. Theo chúng tôi, trường hợp người bị kiện (sau này là bị đơn) vừa có nơi đăng ký thường trú, vừa có nơi tạm trú thì người khởi kiện (sau này là nguyên đơn) có quyền lựa chọn để nộp đơn khởi kiện đến một trong hai nơi Tòa án mà bị đơn cư trú (thường trú hoặc tạm trú) để yêu cầu Tòa án giải quyết. Trường hợp Tòa án nơi thường trú hoặc Tòa án nơi tạm trú của bị đơn đã giải quyết xong mà không làm hạn chế đến quyền và nghĩa vụ của các bên đương sự thì không đặt vấn đề phải hủy Bản án, Quyết định đã có hiệu lực để giải quyết lại.
Trong bài bình luận, tác giả cũng đã đề cập đến trường hợp không xác định hoặc đã xác định được nơi thường trú, nơi tạm trú của người bị kiện (sau này là bị đơn) thì người khởi kiện (sau này là nguyên đơn) có quyền nộp đơn khởi kiện đến Tòa án nơi người bị kiện (sau này là bị đơn) đang sinh sống để yêu cầu Tòa án giải quyết.
Nguồn: Theo Tạp chí Tòa án