Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:
Theo Điều 12 Luật Giám định tư pháp 2012 sửa đổi, bổ sung 2020 quy định về tổ chức giám định pháp y công lập như sau:
- Tổ chức giám định tư pháp công lập được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự.
Trường hợp cần thiết, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định thành lập hoặc trình cơ quan có thẩm quyền thành lập tổ chức giám định tư pháp công lập trong các lĩnh vực khác sau khi thống nhất ý kiến với Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
- Tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y bao gồm:
+ Viện pháp y quốc gia thuộc Bộ Y tế;
+ Trung tâm pháp y cấp tỉnh;
+ Viện pháp y quân đội thuộc Bộ Quốc phòng;
+ Trung tâm giám định pháp y thuộc Viện khoa học hình sự, Bộ Công an.
- Tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y tâm thần bao gồm:
+ Viện pháp y tâm thần trung ương thuộc Bộ Y tế;
+ Trung tâm pháp y tâm thần khu vực thuộc Bộ Y tế.
Căn cứ yêu cầu giám định pháp y tâm thần của hoạt động tố tụng và điều kiện thực tế của các khu vực, vùng miền trong cả nước, Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét, quyết định thành lập Trung tâm pháp y tâm thần khu vực sau khi thống nhất ý kiến với Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
- Tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự bao gồm:
+ Viện khoa học hình sự thuộc Bộ Công an;
+ Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh;
+ Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Quốc phòng.
+ Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
- Căn cứ vào nhu cầu và điều kiện thực tế của địa phương, Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh có giám định viên pháp y thực hiện giám định pháp y tử thi.
- Tổ chức giám định tư pháp công lập có con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật.
- Chính phủ quy định chi tiết chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc của tổ chức giám định tư pháp công lập quy định tại khoản 2, khoản 3, các điểm a, b và c khoản 4 Điều 12 Luật Giám định tư pháp 2012.
- Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn.
Như vậy, Viện pháp y quốc gia, Trung tâm pháp y cấp tỉnh, Viện pháp y quân đội, Trung tâm giám định pháp y (Bộ Công an) là các cơ quan giám định pháp y công lập có thẩm quyền giám định thương tích trong vụ án hình sự. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể ra quyết định trưng cầu giám định thương tích tại các cơ quan giám định pháp y công lập nêu trên. Ngoài ra, các bị can, bị cáo hoặc người liên quan cũng có quyền yêu cầu giám định lại hoặc giám định bổ sung tại các cơ quan giám định pháp y công lập.
Theo quy định tại Thông tư 22/2019/TT-BYT quy định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần. Cụ thể các tổn thương bao gồm:
- Tổn thương cơ thể do tổn thương xương sọ và hệ thần kinh
- Tổn thương cơ thể do tổn thương hệ tim mạch
- Tổn thương cơ thể do tổn thương hệ hô hấp
- Tổn thương cơ thể do tổn thương hệ tiêu hóa
- Tổn thương cơ thể do tổn thương hệ tiết niệu – sinh dục – sản khoa
- Tổn thương cơ thể do tổn thương hệ nội tiết
- Tổn thương cơ thể do tổn thương cơ – xương khớp
- Tổn thương cơ thể do tổn thương phần mềm
- Tổn thương cơ thể do tổn thương bỏng
- Tổn thương cơ thể do tổn thương cơ quan thị giác
- Tổn thương cơ thể do tổn thương răng – hàm – mặt
- Tổn thương cơ thể do tổn thương tai – mũi – họng
* Cách xác định tỷ lệ % tổn thương cơ thể (TTCT) được tính theo phương pháp cộng dưới đây:
Tổng tỷ lệ % tổn thương = T1 + T2 + T3 +…+ Tn
Trong đó:
- T1: Được xác định là tỷ lệ % TTCT của TTCT thứ nhất (nằm trong khung tỷ lệ các TTCT được quy định tại Thông tư này).
- T2: Tỷ lệ % TTCT của tổn thương thứ hai. Tỷ lệ tổn thương cơ thể thứ hai được tính T2= (100 – T1) x tỷ lệ % TTCT thứ 2/100.
- T3: Tỷ lệ % TTCT của tổn thương thứ ba. Tỷ lệ tổn thương cơ thể thứ ba được tính T3= (100 – T1 – T2) x tỷ lệ % TTCT thứ 3/100.
- Tn: Tỷ lệ % TTCT của tổn thương thứ n. Tỷ lệ tổn thương cơ thể thứ n được tính Tn= {100 – T1 – T2 – T3 – … – T(n-1)} x tỷ lệ % TTCT thứ n/100.
=> Tổng tỷ lệ % TTCT sau khi được làm tròn số là kết quả cuối cùng.
Theo Điều 26 Luật giám định tư pháp 2012 quy định về hồ sơ thủ tục yêu cầu giám định thương tích trong vụ án hình sự như sau:
- Hồ sơ giám định thương tích bao gồm:
+ Văn bản yêu cầu giám định/đề nghị giám định;
+ Các tài liệu, đồ vật có liên quan (nếu có);
+ Bản sao giấy tờ chứng minh mình là đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ.
- Trình tự thủ tục yêu cầu giám định thương tích:
+ Bước 1: Người có quyền yêu cầu giám định thương tích hoặc Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định.
+ Bước 2: Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám định tiếp nhận và thực hiện giám định theo yêu cầu.
+ Bước 3: Gửi kết quả giám định cho cơ quan đã trưng cầu hoặc người yêu cầu giám định.
- Thời gian giám định thương tích: Theo điểm c, khoản 1 Điều 208 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì thời hạn giám định thương tích không quá 09 ngày.
Trường hợp việc giám định không thể tiến hành trong thời hạn quy định thì tổ chức, cá nhân tiến hành giám định phải kịp thời thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho cơ quan trưng cầu, người yêu cầu giám định.