03/09/2019 08:01

Thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính về đất đai

Thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính về đất đai

Hội nghị trực tuyến với chủ đề “Kỹ năng giải quyết vụ án hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai” do TS Đào Thị Xuân Lan, Thẩm phán TANDTC, nguyên Chánh tòa Hành chính TANDTC trình bày và giải đáp vướng mắc. Tạp chí toaan.vn xin lược ghi bài trình bày của TS Đào Thị Xuân Lan tại Hội nghị về phần thẩm quyền, thẩm quyền Hội đồng xét xử và những sai sót thường gặp.

1.Thẩm quyền của Tòa án

Ngoài thẩm quyền về loại việc như đã trình bày ở phần trước, có thẩm quyền theo lãnh thổ. Điều 31 Luật tố tụng hành chính quy định Tòa án cấp huyện giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện sau đây: Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước đó, trừ quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Chú ý: Mục 4 GĐ trực tuyến số 64 (03/4/2019) hướng dẫn.

“4. Trong vụ án hành chính đã có quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, nhưng người khởi kiện chỉ khởi kiện đối với quyết định hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã. Vậy xác định thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm là của Tòa án nhân dân cấp huyện hay Tòa án nhân dân cấp tỉnh?

Theo quy định của Điều 193 của LTTHC thì khi giải quyết vụ án hành chính, Hội đồng xét xử có thẩm quyền xem xét tính hợp pháp của quyết định hành chính và quyết định giải quyết khiếu nại có liên quan.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 32 của LTTHS thì Tòa án cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án.

Trong trường hợp này, Tòa án phải xem xét tính hợp pháp của quyết định hành chính của UBND cấp xã và quyết định giải quyết khiếu nại Chủ tịch UBND cấp huyện. Trong điều kiện hiện nay, các TAND cấp tỉnh đang bị áp lực lớn về công việc, để tránh việc chuyển quá nhiều vụ án hành chính lên TAND cấp tỉnh và phù hợp với các quy định của pháp luật thì trong trường hợp này TAND cấp huyện vẫn thụ lý, xem xét giải quyết vụ án hành chính. Trường hợp có căn cứ xác định quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND cấp huyện trái pháp luật và phải hủy quyết định hành chính này mới bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thì TAND cấp huyện đang thụ lý, giải quyết vụ án đình chỉ việc xét xử và chuyển hồ sơ vụ án cho TAND cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết. Trường hợp có căn cứ xác định quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND cấp huyện đúng pháp luật, không xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và không phải hủy quyết định hành chính này thì TAND cấp huyện đang thụ lý, xem xét tiếp tục giải quyết vụ án”.

Thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh quy định tại Điều 32 LTTHC. Tòa án cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện sau đây:

1. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán nhà nước, TANDTC, VKSNDTC và quyết định hành chính, hành vi hành chính của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án; trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên lãnh thổ Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án nơi cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định hành chính, có hành vi hành chính.

2. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan thuộc một trong các cơ quan nhà nước quy định tại khoản 1 Điều này và quyết định hành chính, hành vi hành chính của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án; trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên lãnh thổ Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án nơi cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định hành chính, có hành vi hành chính.

3. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước cấp tỉnh trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án và của người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đó.

4. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án.

5. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan đại diện của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án; trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú tại Việt Nam thì Tòa án có thẩm quyền là TAND Tp Hà Nội hoặc TAND Tp Hồ Chí Minh.

2. Xác minh, thu thập chứng cứ

Để có căn cứ giải quyết vụ án hành chính trong quản lý đất đai đúng qui định của pháp luật, Tòa án xem xét yêu cầu, ý kiến của các đương sự; quyền, nghĩa vụ của các đương sự, Tòa án nghiên cứu để xác định được vấn đề nào các bên đã thống nhất, vấn đề nào các bên chưa thống nhất; tài liệu, chứng cứ đã có trong hồ sơ do đương sự cung cấp đã đầy đủ hay chưa, để có kế hoạch thu thập, bổ sung tài liệu, chứng cứ gì… Từ đó, xác định những vấn đề cần chứng minh (những vấn đề cần làm rõ) và phương hướng thu thập, xác minh thêm tài liệu, chứng cứ bổ sung.

Việc thu thập, xác minh chứng cứ phải tuân theo quy định của LTTHC về thực hiện các biện pháp thu thập chứng cứ để bảo đảm chứng cứ được thu tập theo đúng qui định của LTTHC. Có qui định không phải trong chương chứng cứ nhưng để có cơ sở giải quyết vụ án HC trong quản lý đất đai đúng qui định của pháp luật cần chú ý:

2.1.Một số khoản Điều 55 LTTHC về quyền, nghĩa vụ của đương sự.

Đương sự có quyền, nghĩa vụ ngang nhau khi tham gia tố tụng, bao gồm: Cung cấp tài liệu, chứng cứ, chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ đó cho mình để giao nộp cho Tòa án; Đề nghị Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ của vụ án mà tự mình không thể thực hiện được; đề nghị Tòa án buộc bên đương sự khác xuất trình tài liệu, chứng cứ mà họ đang lưu giữ, quản lý; đề nghị Tòa án ra quyết định buộc cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý chứng cứ cung cấp chứng cứ; đề nghị Tòa án triệu tập người làm chứng, trưng cầu giám định, định giá tài sản; Được biết, ghi chép và sao chụp tài liệu, chứng cứ do đương sự khác xuất trình hoặc do Tòa án thu thập, trừ tài liệu, chứng cứ không được công khai theo quy định tại khoản 2 Điều 96 của Luật này; Nộp bản sao đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ cho Tòa án để Tòa án gửi cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự khác, trừ tài liệu, chứng cứ không được công khai theo quy định tại khoản 2 Điều 96 của Luật này.

2.2.Theo khoản 3 Điều 57 LTTHC, người bị kiện có các quyền, nghĩa vụ sau đây: Chứng minh tính đúng đắn, hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện.

Khoản 2 Điều 78 LTTHC quy định: Người bị kiện có nghĩa vụ cung cấp cho Tòa án hồ sơ giải quyết khiếu nại (nếu có) và bản sao các văn bản, tài liệu mà căn cứ vào đó để ra quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh hoặc có hành vi hành chính.

Thẩm phán yêu cầu người bị kiện thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình là chứng minh tính đúng đắn, hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện bằng văn bản (cụ thể chứng minh tính hợp pháp theo những nội dung đã được qui định tại các điểm a,b,c,d,đ khoản 3 Điều 191 LTTHC) và hồ sơ giải quyết khiếu nại và bản sao các văn bản, tài liệu mà căn cứ vào đó để ra quyết định hành chính hoặc có hành vi hành chính gửi cho Tòa án (trong giai đoạn chuẩn bị xét xử). Thông qua văn bản này của người bị kiện, Thẩm phán có thể chủ động lên các kế hoạch tố tụng tiếp theo để giải quyết vụ án (thủ tục đối thoại và chuẩn bị xét xử…) tạo điều kiện cho việc giải quyết vụ án rất thuận lợi, nhanh chóng và đạt hiệu quả cao. Vì đây là tài liệu rất quan trọng để Thẩm phán nghiên cứu, xem xét cơ quan hành chính, hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước đã ban hành QĐHC hoặc có HVHC (bị khởi kiện) có đúng qui định của pháp luật hay không?

2.3.Ngoài ra, trong quá trình xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ Thẩm phán có thể tiến hành một hoặc một số biện pháp được qui định tại khoản 2 Điều 84 LTTHC để thu thập tài liệu, chứng cứ: Lấy lời khai của đương sự, người làm chứng; Đối chất giữa các đương sự với nhau, giữa các đương sự với người làm chứng; Xem xét, thẩm định tại chỗ; Trưng cầu giám định; Quyết định định giá tài sản;

Chú ý: Mục 13 GĐ 02 (19/9/2016): “13. Trường hợp đương sự khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để xây dựng khu dân cư thương mại cho rằng Ủy ban nhân dân tỉnh giá bồi thường quá thấp so với thị trường và yêu cầu định giá đất theo giá thị trường thì Tòa án có được ra quyết định định giá giá trị quyền sử dụng đất không?

Trường hợp khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất mà có yêu cầu Tòa án xem xét về giá bồi thường thì Tòa án căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, mục đích thu hồi đất, giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất để giải quyết vụ án mà không được tiến hành định giá giá trị quyền sử dụng đất”.

3. Xem xét, đánh giá tính hợp pháp đối với QĐHC, HVHC trong lĩnh vực quản lý đất đai bị khiếu kiện

Việc xem xét, đánh giá tính hợp pháp của QĐHC, HVHC bị khiếu kiện nói chung và phương pháp xem xét, đánh giá tính hợp pháp của QĐHC, HVHC về quản lý đất đai bị khiếu kiện nói riêng cũng cần tuân thủ những qui định tại khoản 3 Điều 191 LTTHC.

Xem xét tính hợp pháp của QĐHC, HVHC bị khiếu kiện phải được thực hiện đúng và đầy đủ theo qui định tại khoản 3 Điều 191 LTTHC là:

“Khi nghị án, Hội đồng xét xử chỉ được căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được kiểm tra, xem xét tại phiên tòa, kết quả việc tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến của Kiểm sát viên, các quy định của pháp luật và nghiên cứu, áp dụng án lệ hành chính (nếu có) liên quan để quyết định về các vấn đề sau đây:

a) Tính hợp pháp và có căn cứ về hình thức, nội dung của quyết định hành chính hoặc việc thực hiện hành vi hành chính bị khởi kiện;

b) Tính hợp pháp về thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban hành quyết định hành chính hoặc việc thực hiện hành vi hành chính;

c) Thời hiệu, thời hạn ban hành quyết định hành chính hoặc thực hiện hành vi hành chính;

d) Mối liên hệ giữa quyết định hành chính, hành vi hành chính với quyền và lợi ích hợp pháp của

người khởi kiện và những người có liên quan;

đ) Tính hợp pháp và có căn cứ của văn bản hành chính có liên quan (nếu có);

e) Vấn đề bồi thường thiệt hại và vấn đề khác (nếu có)”.

Khi xem xét tính hợp pháp của quyết định hành chính bị kiếu kiện cần xem xét tổng thể toàn diện:

– Về hình thức, nội dung của quyết định hành chính:

Việc xem xét về hình thức ban hành QĐHC: Hình thức văn bản phải thực hiện theo quy định tại các Thông tư hướng dẫn về thể thức văn bản của loại quyết định đó.

+ Việc ban hành quyết định hành chính bị khiếu kiện có những vấn đề gì đúng, vấn đề gì sai theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 3 của LTTHC.

+ Việc đúng, sai đó có làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người khởi kiện và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hay không; nếu sai có gây ra thiệt hại không.

+ Quyết định này có phải là quyết định về một vấn đề cụ thể (quyết định cá biệt) hay là quyết định tổng thể;

+ Những vấn đề sai sót trong nội dung của quyết định có gây ra thiệt hại không, có cần thiết khi xét xử phải hủy một phần hoặc toàn bộ nội dung quyết định hay chỉ cần rút kinh nghiệm.

+ Tiếp đó xem xét tính hợp pháp của quyết định hành chính bị kiện về hình thức, nội dung của quyết định hành chính để đề ra phương hướng giải quyết vụ án.

– Xem xét về thẩm quyền ban hành quyết định hành chính:

Xác định thẩm quyền ban hành quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai, phải căn cứ vào pháp luật nội dung (Luật đất đai, Nghị định, Thông tư…) quy định, trong trường hợp nào thuộc thẩm quyền của cơ quan nhà nước về quản lý đất đai và trong trường hợp nào thuộc thẩm quyền của người đứng đầu trong cơ quan nhà nước về quản lý đất đai; hoặc thẩm quyền của cơ quan nào. Đặc biệt, riêng về thẩm quyền ban hành QĐHC trong quản lý đất đai thì HĐXX chú ý: (Trích cv Bộ Tư pháp )

– Xem xét về trình tự, thủ tục ban hành quyết định hành chính bao gồm: Xem xét về trình tự ban hành quyết định hành chính; Xem xét về thủ tục ban hành quyết định hành chính; Xem xét về thời hạn ban hành quyết định hành chính; Xem xét về thời hiệu ban hành quyết định hành chính;…

– Mối liên hệ giữa quyết định hành chính, hành vi hành chính với quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện và những người có liên quan.

Riêng về yêu cầu bồi thường do QĐHC trái pháp luật ra Tòa án phải áp dụng qui định tại Điều 7 LTTHC:

Điều 7. Giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại trong vụ án hành chính

1. Người khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hành chính có thể đồng thời yêu cầu bồi thường thiệt hại do quyết định hành chính, hành vi hành chính,… gây ra.

Người khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu bồi thường thiệt hại có nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ. Trường hợp cần thiết, Tòa án có thể tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án được chính xác.

Khi giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại trong vụ án hành chính, các quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và pháp luật về tố tụng dân sự được áp dụng để giải quyết.

2. Trường hợp trong vụ án hành chính có yêu cầu bồi thường thiệt hại mà chưa có điều kiện để chứng minh thì Tòa án có thể tách yêu cầu bồi thường thiệt hại để giải quyết sau bằng một vụ án dân sự khác theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

4. Thẩm quyền của Hội đồng xét xử

4.1. Thẩm quyền quyết định của Hội đồng xét xử

Khi xem xét, đánh giá toàn diện tính hợp pháp của quyết định hành chính bị khiếu kiện, căn cứ pháp luật cần áp dụng, Hội đồng xét xử có thẩm quyền áp dụng qui định tại khoản 1 Điều 193 LTTHC: “Hội đồng xét xử xem xét tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri bị khởi kiện, quyết định giải quyết khiếu nại và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.”, sau đó Hội đồng xét xử tùy từng trường hợp, có quyền quyết định theo khoản 2 Điều 193 LTTHC:

“a) Bác yêu cầu khởi kiện, nếu yêu cầu đó không có căn cứ pháp luật;

b) Chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện, tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính trái pháp luật và quyết định giải quyết khiếu nại có liên quan (nếu có); buộc cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật; đồng thời kiến nghị cách thức xử lý đối với quyết định hành chính trái pháp luật đã bị hủy.

Chú ý: Mục 5 GĐ 01 (07/4/2017): “5. Trường hợp quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 bị khiếu kiện còn thời hiệu khởi kiện nhưng các quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, quyết định hành chính bị khiếu nại đã hết thời hiệu khởi kiện thì Tòa án có được xem xét hay không?

Theo quy định tại khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 193 Luật tố tụng hành chính thì:

“1. Hội đồng xét xử có thẩm quyền xem xét tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính… quyết định giải quyết khiếu nại và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

2. Hội đồng xét xử có quyển quyết định:

b) Chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện, tuyên hủy một phần hoặc quyết định hành chính trái pháp luật và quyết định giải quyết khiếu nại có liên quan (nếu có)…”.

Như vậy, trong quá trình xét xử, Hội đồng xét xử có thẩm quyền xem xét tính hợp pháp đối với tất cả các quyết định hành chính khác có liên quan đến quyết định hành chính bị khởi kiện mà không phụ thuộc vào việc các quyết định này còn hay hết thời hiệu khởi kiện”.

c) Chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện, tuyên bố hành vi hành chính là trái pháp luật, tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định giải quyết khiếu nại có liên quan (nếu có); buộc cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước chấm dứt hành vi hành chính trái pháp luật;

d) Chấp nhận yêu cầu khởi kiện, tuyên hủy quyết định kỷ luật buộc thôi việc trái pháp luật; buộc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật;

đ) Chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện, tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh trái pháp luật; buộc cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh giải quyết lại vụ việc theo quy định của Luật cạnh tranh;

e) Chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện; buộc cơ quan lập danh sách cử tri sửa đổi, bổ sung danh sách cử tri theo quy định của pháp luật;

g) Buộc cơ quan, tổ chức bồi thường thiệt hại, khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị xâm phạm do quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh trái pháp luật gây ra;

h) Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, người đứng đầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét trách nhiệm của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan nhà nước.

3. Trường hợp cần phải yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, xử lý văn bản hành chính liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật này thì Hội đồng xét xử báo cáo Chánh án Tòa án đang giải quyết vụ án đó có văn bản yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, xử lý văn bản hành chính đó. Trường hợp này, Hội đồng xét xử có quyền tạm ngừng phiên tòa để chờ kết quả giải quyết của cơ quan, người có thẩm quyền. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định của Tòa án thì cơ quan, người có thẩm quyền phải trả lời bằng văn bản về kết quả xử lý cho Tòa án biết để làm căn cứ cho việc giải quyết vụ án. Quá thời hạn này mà không nhận được văn bản trả lời của cơ quan, người có thẩm quyền thì Hội đồng xét xử có quyền áp dụng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước cấp trên để quyết định theo quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Trường hợp phát hiện văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến việc giải quyết vụ án hành chính mà có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên thì Hội đồng xét xử tạm ngừng phiên tòa theo quy định tại Điều 112 của Luật này.”

4.2. Một số vấn đề sai sót về thẩm quyền của Hội đồng xét xử

a. HĐXX quyết định vượt quá thẩm quyền

Ví dụ: Tại Bản án hành chính sơ thẩm số 01/2010/HCST ngày 27/11/2010, TAND huyện TL, tỉnh H đã quyết định: “Bác yêu cầu khởi kiện của ông Đ.V; giữ nguyên Quyết định số 461/QĐ-UBND ngày 07/4/2009 của UBND huyện T. L, tỉnh H về việc thu hồi đất giao nuôi trồng thủy sản đã hết thời hạn”.

Tại Bản án hành chính phúc thẩm số 02/2011/HCST ngày 27/02/2011, TAND tỉnh H đã quyết định: “Bác kháng cáo của ông Đ.V; giữ nguyên Bản án hành chính sơ thẩm số 01/2010/HCST ngày 27/11/2010 TAND huyện T.L; Xử: Giữ nguyên Quyết định số 461/QĐ-UBND ngày 07/4/2009 của Ủy ban nhân dân huyện T. L, tỉnh H về việc thu hồi đất giao nuôi trồng thủy sản đã hết thời hạn”.

Như vậy, căn cứ vào quy định tại điểm a khoản 2 Điều 193 LTTHC, Hội đồng xét xử của Tòa án cấp sơ thẩm tuyên vượt quá thẩm quyền; Hội đồng xét xử của Tòa án cấp phúc thẩm cũng không phát hiện ra và cũng tuyên án vượt quá thẩm quyền. Trong trường hợp việc sai sót này đã bị kháng nghị, vì vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện là cơ quan hành chính Nhà nước.

b. HĐXX quyết định không đúng thẩm quyền khi giải quyết vụ án hành chính

Ví dụ: Do việc tranh chấp đất có diện tích 1.100 m2 giữa gia đình bà T và gia đình ông Th; UBND thị xã M, tỉnh B ban hành Quyết định số 285/QĐ-UB ngày 18/7/2011 giải quyết tranh chấp đất đai với nội dung gia đình ông Th được quyền sử dụng diện tích đất trên, nhưng buộc gia đình ông Th bồi hoàn cho gia đình bà T với giá 2.700 đ/m2 theo bảng giá đất nông nghiệp theo Quyết định của UBND tỉnh ban hành quy định giá đất được đền bù khi Nhà nước thu hồi đất sử dụng vào mục đích an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và phát triển kinh tế.

Bà T đã khiếu nại và khởi kiện đối với quyết định này với yêu cầu TAND thị xã M, tỉnh B huỷ quyết định số 285/QĐ-UB ngày 18/7/2011 và buộc gia đình ông Th phải bồi hoàn cho gia đình bà với giá 100.000đ/m2.

Tại bản án hành chính sơ thẩm số 01/2011/ST-HC, TAND thị xã M, tỉnh B đó quyết định: “Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà T; Huỷ quyết định số 285/QĐ-UB ngày 18/7/2011 của UBND thị xã M, tỉnh B và buộc gia đình ông Th phải bồi hoàn cho gia đình bà T với giá 50.000đ/m2”.

Xuất phát từ thẩm quyền giải quyết khiếu kiện của Tòa án theo quy định tại Điều 30 LTTHC, theo quy định tại khoản 1 Điều 193 của Luật, thì Hội đồng xét xử chỉ có thẩm quyền: “Hội đồng xét xử xem xét tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính, …, quyết định giải quyết khiếu nại có liên quan”. Điều này thể hiện khi giải quyết vụ án hành chính, Tòa án phải xem xét, đánh giá tính hợp pháp về hình thức, nội dung, trình tự, thủ tục, thẩm quyền ban hành quyết định hành chính bị khiếu kiện và quyết định giải quyết khiếu nại có liên quan đến quyết định hành chính bị kiện. Như vậy, những vấn đề có tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án bằng vụ án dân sự (như: tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng, hợp đồng mua bán, tranh chấp thừa kế, tặng cho…), thì không thuộc phạm vi xem xét, giải quyết trong vụ án hành chính. Đây cũng là đặc thù của tố tụng hành chính để phân biệt với tố tụng dân sự.

Lẽ ra, trong trường hợp này nếu thấy rằng quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của Chủ tịch UBND thị xã M không đúng thì Hội đồng xét xử của Tòa án cấp sơ thẩm tuyên hủy quyết định để giải quyết lại, nhưng HĐXX lại tự mình giải quyết luôn cả nội dung về tranh chấp đất đai trong trường hợp này là trái thẩm quyền qui định tại điểm b khoản 2 Điều 193 LTTHC.

c. HĐXX quyết định trong bản án đã bỏ sót thẩm quyền

Theo quy định tại điểm b,c khoản 2 Điều 193 L TTHC, Hội đồng xét xử có quyền quyết định: hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định giải quyết khiếu nại có liên quan đến quyết định hành chính bị khiếu kiện mà không phụ thuộc vào đương sự có đề nghị hay không, quyết định giải quyết khiếu nại có liên quan đến quyết định hành chính bị khiếu kiện còn hay hết thời hiệu khởi kiện (vì không phải đối tượng khởi kiện của đương sự trong vụ án hành chính). Tuy nhiên, thực tế vẫn còn có nhận thức Hội đồng xét xử chỉ có quyền quyết định hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính bị kiện, không xem xét đối với quyết định giải quyết khiếu nại có liên quan với lý do đương sự không yêu cầu hoặc không khởi kiện. Việc hiểu như vậy là trái với quy định tại điểm b,c khoản 2 Điều 193 Luật TTHC 2015. Thậm chí có trường hợp nhầm lẫn chú bảy nêu trong tờ trình.

d. HĐXX quyết định trong bản án có mâu thuẫn

Ví dụ: Ngày 15/9/2008, UBND huyện P, tỉnh K ban hành Quyết định số 2756/QĐ-UBND về việc thu hồi 171,3m2 đất của hộ ông N để thực hiện dự án làm đường vòng quanh đảo tại xã D, huyện P.

Ngày 02/10/2010, UBND huyện P ban hành Quyết định số 3950/QĐ-UBND về việc bồi thường cho hộ ông N số tiền là 357.160.500đ.

Vợ chồng ông L và bà H cho rằng mình là người có quyền sử dụng thửa đất bị thu hồi nói trên và là đối tượng được hưởng số tiền bồi thường (do chuyển nhượng cho ông N năm 2007 không chuyển nhượng phần đất 171,3m2 nêu trên). Vì vậy, vợ chồng ông L và bà H khởi kiện yêu cầu hủy toàn bộ Quyết định số 3950/QĐ-UBND.

Tại Bản án hành chính sơ thẩm số 06/2012/HCST ngày 13/9/2012, TAND tỉnh K quyết định: “Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông L và bà H. Hủy toàn bộ Quyết định số 3950/QĐ-UBND ngày 02/10/2010 của UBND huyện P, tỉnh K về việc bồi thường, hỗ trợ Nhà nước khi thu hồi đất”.

Ông N có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm.

Tại Bản án hành chính phúc thẩm số 95/2013/HCPT ngày 25/4/2013 của Tòa phúc thẩm tại thành phố H quyết định: “Sửa án sơ thẩm, xử: 1.Bác đơn khởi kiện của ông L và bà H khởi kiện Quyết định hành chính số 3950/QĐ-UBND ngày 02/10/2010 của Chủ tịch UBND huyện P. 2.Kiến nghị UBND tỉnh K, UBND huyện P xém xét lại các Quyết định 2756/QĐ-UBND ngày 15/9/2008 và Quyết định 3950/QĐ-UBND ngày 02/10/2010, có nội dung thu hồi đất do Nhà nước quản lý và đền bù hỗ trợ”.

Như vậy, trong phần quyết định của bản án HC phúc thẩm là có mâu thuẫn, HĐXX đã ra quyết định bác yêu cầu khởi kiện của đương sự, lại còn kiến nghị cơ quan ban hành quyết định hành chính bị khởi kiện phải xem xét lại quyết định đó là trái với qui định tại điểm a khoản 2 Điều 193 LTTHC.

đ. HĐXX ra quyết định trong bản án HC không rõ ràng, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau

Ví dụ: Hộ chị H bị thu hồi 300m2 đất để thực hiện dự án khu tái định cư Bến xe – Bộ đội biên phòng tại Phường 7, thị xã B, tỉnh B. Ngày 19/7/2011, UBND thành phố B ban hành Quyết định số 378/QĐ-UBND về việc bồi thường, hỗ trợ cho hộ chị H với số tiền 148.004.600đ. Không đồng ý, chị H khiếu nại quyết định bồi thường. Ngày 16/4/2013, Chủ tịch UBND thành phố B có Quyết định số 64/QĐ-UBND bác khiếu nại của chị H, giữ nguyên Quyết định số 378/QĐ-UBND. Chị H tiếp tục khiếu nại.

Ngày 13/11/2013, Chủ tịch UBND tỉnh B ban hành Quyết định số 2400/QĐ-UBND bác khiếu nại của chị H, giữ nguyên Quyết định số 64/QĐ-UBND. Ngày 25/8/2014, chị H có đơn khởi kiện yêu cầu hủy Quyết định số 2400/QĐ-UBND và Quyết định số 378/QĐ-UBND.

Tại Bản án hành chính sơ thẩm số 19/2015/HCST ngày 14/9/2015, Tòa án nhân dân tỉnh B quyết định: “Bác yêu cầu khởi kiện của chị H về việc yêu cầu hủy Quyết định số 2400 ngày 13/11/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh B giải quyết khiếu nại đối với Quyết định số 64 ngày 16/4/2013 của Chủ tịch UBND thành phố B và Quyết định số 378 ngày 19/7/2011 của UBND thành phố B”.

Quyết định như trên của bản án HC sơ thẩm không rõ ràng, gây nhầm lẫn, khó thi hành, trong thực tiễn đã dẫn đến có 02 cách hiểu khác nhau:

– Cách hiểu thứ nhất: Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét đầy đủ 02 yêu cầu khởi kiện của chị H và bác cả 2 yêu cầu khởi kiện của chị H về việc yêu cầu hủy Quyết định số 2400/QĐ-UBND và hủy Quyết định số 378/QĐ-UBND.

– Cách hiểu thứ hai: Tòa án cấp sơ thẩm chỉ xem xét và bác yêu cầu khởi kiện của chị H đối với Quyết định số 2400/QĐ-UBND mà chưa xem xét tính hợp pháp của Quyết định số 378/QĐ-UBND là bỏ sót yêu cầu khởi kiện vì Quyết định số 2400/QĐ-UBND là quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 đối với Quyết định số 378/QĐ-UBND.

Trên thực tế, Bản án sơ thẩm này đã bị hủy vì Tòa án cấp phúc thẩm hiểu theo cách thứ 2, cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm chưa xem xét toàn diện yêu cầu khởi kiện, còn bỏ sót đối tượng khởi kiện, là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Sau đó, Chánh án TANDTC đã kháng nghị hủy bản án HC phúc thẩm nêu trên, vì cho rằng trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét toàn diện yêu cầu khởi kiện của chị H và xác định quyết định hành chính bị khởi kiện đã được ban hành có căn cứ, đúng pháp luật, nên Tòa án cấp sơ thẩm bác yêu cầu khởi kiện của chị H là có cơ sở. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm cũng nên rút kinh nghiệm sâu sắc trong việc viết phần quyết định của bản án cho mạch lạc, rõ ràng, đúng qui định.

Nguồn: Theo Tạp chí Tòa án

3716

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]