1.Quy định của pháp luật
Khiếu nại trong tố tụng dân sự được quy định tại Chương XLI (Điều 499 – Điều 515) BLTTDS năm 2015 và Thông tư 01/2020/TT-TANDTC ngày 18/6/2020. Quy định về giải quyết khiếu nại trong tố tụng dân sự đã tạo cơ sở pháp lý để bảo đảm quyền lợi của đương sự khi cho rằng quyết định hoặc hành vi của cơ quan tiến hành tố tụng không đúng và ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
1.1.Thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi của người tiến hành tố tụng theo Điều 504 BLTTDS năm 2015 quy định như sau:“1. Khiếu nại quyết định, hành vi của người tiến hành tố tụng là Thẩm phán… do Chánh án Tòa án… có thẩm quyền giải quyết…”.
1.2. Quyết định việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án theo Điều 56 BLTTDS năm 2015 quy định như sau: “1. Trước khi mở phiên tòa, việc thay đổi Thẩm phán,… do Chánh án Tòa án quyết định… 2. Tại phiên tòa, việc thay đổi Thẩm phán,… do Hội đồng xét xử quyết định…”.
1.3. Quyết định việc thay đổi người tiến hành tố tụng khi giải quyết việc dân sự theo Điều 368 BLTTDS năm 2015 quy định như sau:
“1. Trước khi mở phiên họp, việc thay đổi Thẩm phán,… do Chánh án của Tòa án đang giải quyết việc dân sự đó quyết định…
2. Tại phiên họp giải quyết việc dân sự, việc thay đổi Thẩm phán,… được thực hiện như sau:
a) Trường hợp việc dân sự do một Thẩm phán giải quyết thì việc thay đổi Thẩm phán, Thư ký phiên họp do Chánh án của Tòa án đang giải quyết việc dân sự đó quyết định…;
b) Trường hợp việc dân sự do Hội đồng giải quyết việc dân sự gồm ba Thẩm phán giải quyết thì việc thay đổi thành viên Hội đồng, Thư ký phiên họp do Hội đồng giải quyết việc dân sự quyết định…”
Quá trình áp dụng các căn cứ, quy định của pháp luật giải quyết khiếu nại đối với vấn đề “Trước khi mở phiên toà” và “Tại phiên toà”, “Trước khi mở phiên họp” và “Tại phiên họp” còn có nhiều vướng mắc và quan điểm khác nhau.
2. Thực tiễn áp dụng pháp luật
2.1. Ngày 17/01/2020, TAND thành phố NT thụ lý giải quyết vụ án dân sự về việc “Tranh chấp quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn ông Nguyễn Minh P và bị đơn Nguyễn Trung H. Nguyên đơn ông P khởi kiện với nội dung: Buộc bị đơn ông H tháo dỡ công trình trên mảnh đất của ông P và trả lại đất cho ông P với diện tích 521m². Ngày 29/7/2021, Tòa án ban hành Quyết định đưa vụ án ra xét xử, phiên tòa sẽ được ấn định xét xử vào ngày 09/8/2021.
Ngày 05/8/2021, bị đơn ông Nguyễn Trung H có đơn khiếu nại yêu cầu thay đổi Thẩm phán – chủ tọa phiên tòa vì cho rằng Thẩm phán vi phạm thời hạn giải quyết vụ án (Thời điểm này Thẩm phán đã ban hành Quyết định xét xử nhưng chưa mở phiên tòa).
2.2. Ngày 09/8/2021, vụ án được đưa ra xét xử (mở phiên tòa). Tại phiên tòa, nguyên đơn và bị đơn có mặt. Qua phần trình bày của bị đơn phát sinh tình tiết mới, xét thấy cần phải xác minh, thu thập, bổ sung tài liệu chứng cứ mà không thể thực hiện được ngay tại phiên tòa nên căn cứ điểm c khoản 1 Điều 259 BLTTDS năm 2015, HĐXX quyết định tạm ngừng phiên tòa. Trong và sau thời gian tạm ngừng phiên tòa phát sinh một trong những trường hợp khiếu nại như sau:
2.2.1. Trong thời gian tạm ngừng phiên toà theo khoản 1 Điều 259 BLTTDS năm 2015. Bị đơn ông Nguyễn Trung H có đơn khiếu nại yêu cầu thay đổi Thẩm phán – chủ toạ phiên toà .
2.2.2. Sau thời gian tạm ngừng phiên toà và lý do tạm ngừng phiên tòa chưa được khắc phục, HĐXX ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo khoản 2 Điều 259 BLTTDS năm 2015 và điểm 2 mục IV Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020 của TANDTC. Trong thời gian này, bị đơn ông Nguyễn Trung H có đơn khiếu nại yêu cầu thay đổi Thẩm phán – chủ tọa phiên tòa.
2.2.3. Sau thời gian tạm ngừng phiên toà và lý do tạm ngừng phiên tòa đã được khắc phục, HĐXX tiếp tục tiến hành phiên toà theo khoản 2 Điều 259 BLTTDS năm 2015 và điểm 2 mục IV Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020. Tại phiên toà này, bị đơn ông Nguyễn Trung H có đơn khiếu nại yêu cầu thay đổi Thẩm phán – chủ tọa phiên tòa.
2.3. Đối với từng trường hợp khiếu nại thay đổi thẩm phán tại mục 2.1, 2.2 nêu trên thì thẩm quyền giải quyết khiếu nại thuộc về ai? Hiện nay tồn tại các quan điểm về thẩm quyền giải quyết khiếu nại như sau:
Quan điểm thứ nhất: TAND thành phố NT căn cứ vào thời điểm khiếu nại là “Trước khi mở phiên tòa” hay “Tại phiên tòa” để xác định thẩm quyền giải quyết khiếu nại.
Căn cứ vào Điều 504 BLTTDS năm 2015 quy định: “1. Khiếu nại quyết định, hành vi của người tiến hành tố tụng là Thẩm phán… do Chánh án Tòa án đang giải quyết vụ việc dân sự có thẩm quyền giải quyết”.
Áp dụng tương tự Điều 56 BLTTDS năm 2015, Điều 368 BLTTDS năm 2015 thì: “Trước khi mở phiên họp, phiên tòa, việc thay đổi Thẩm phán… do Chánh án Tòa án quyết định…” và Điều 219, khoản 3 Điều 141 BLTTDS năm 2015 về giải quyết khiếu nại, kiến nghị về quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ hoặc không áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định: Thẩm quyền ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự “1. Trước khi mở phiên tòa, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án dân sự có thẩm quyền ra quyết định... 2. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử có thẩm quyền ra quyết định...”.
Đến ngày mở phiên tòa đã được coi là “tại phiên tòa” hay chưa? Tại điểm b Mục 3 Phần II Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 03/4/2019 về thông báo kết quả giải đáp trực tuyến đã giải đáp như sau: “Phiên tòa bắt đầu bằng thủ tục “Khai mạc phiên tòa” (Điều 239 BLTTDS năm 2015). Do đó, đến ngày mở phiên tòa (được triệu tập) nhưng chưa khai mạc phiên tòa thì chưa coi là “bắt đầu phiên tòa”, chưa coi là “tại phiên tòa”.
Như vậy, đối với trường hợp khiếu nại tại mục 2.1, trong thời gian này đã ban hành quyết định xét xử nhưng chưa đến ngày mở phiên tòa mà đương sự có đơn khiếu nại thay đổi thành viên HĐXX thì thẩm quyền giải quyết khiếu nại thuộc về Chánh án.
Đối với trường hợp tại tiểu mục 2.2.1, đã được đưa ra xét xử tại phiên tòa nhưng trong quá trình phiên tòa diễn ra lại phát sinh thêm tình tiết mới buộc tạm ngừng phiên tòa, đương sự có đơn khiếu nại thay đổi Thẩm phán trong giai đoạn tạm ngừng phiên tòa thì không được coi là “tại phiên tòa” nên thẩm quyền giải quyết khiếu nại thay đổi thành viên hội đồng xét xử thuộc về Chánh án.
Đối với trường hợp tại tiểu mục 2.2.2, vì lý do tạm ngưng phiên tòa chưa được khắc phục nên Hội đồng xét xử ra quyết định tạm đình chỉ vụ án. Như vậy, vụ án đang trong quá trình tạm đình chỉ nên thẩm quyền giải quyết khiếu nại thay đổi thành viên hội đồng xét xử trong giai đoạn này thuộc về Chánh án.
Đối với trường hợp tại tiểu mục 2.2.3, bị đơn ông H có đơn khiếu nại ngay tại phiên tòa, sau thời gian tạm ngừng, tức là sau thủ tục khai mạc phiên tòa và đang trong quá trình xét xử thì được xem là “tại phiên tòa” nên thẩm quyền giải quyết khiếu nại thay đổi thành viên hội đồng xét xử trong giai đoạn này thuộc về Hội đồng xét xử.
Quan điểm thứ hai: Quan điểm này cũng là quan điểm của người viết. TAND thành phố NT căn cứ vào thời điểm khiếu nại là trước khi ra Quyết định xét xử hay sau khi ra Quyết định xét xử.
Đối với các ý kiến nêu tại mục 2.1, 2.2 (các tiểu mục 2.2.1, 2.2.2, 2.2.3) trên, thẩm quyền giải quyết khiếu nại thay đổi Thẩm phán – chủ tọa phiên tòa thuộc về Hội đồng xét xử. Vì khiếu nại thay đổi Thẩm phán nộp sau khi vụ án đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử với thành phần HĐXX đã được thể hiện cụ thể, cả trường hợp khiếu nại trong thời gian và sau thời gian tạm ngừng phiên tòa thì xét về nguyên tắc thẩm quyền giải quyết khiếu nại thay đổi thẩm phán thuộc về HĐXX, không thuộc thẩm quyền giải quyết của Chánh án.
Sở dĩ xác định như vậy là vì người viết áp dụng tương tự khoản 2 Điều 289 BLTTDS năm 2015 về việc Đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án: “Trường hợp người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo … trước khi Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm thì Thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên tòa ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm; trường hợp người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo, … sau khi Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm thì Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm”. Hơn nữa, căn cứ vào khoản 1, Điều 56 của BLTTDS năm 2015 quy định: “Trước khi mở phiên tòa, việc thay đổi Thẩm phán… do Chánh án Tòa án quyết định…”.
Theo quan điểm thứ hai, các trường hợp khiếu nại trong thời gian và sau thời gian tạm ngừng phiên tòa thì thời điểm đương sự nộp đơn khiếu nại thay đổi Thẩm phán là sau khi Tòa án đã ra quyết định xét xử, đã mở phiên tòa nhưng đang được tạm ngừng hoặc tiếp tục xét xử sau đó nên thẩm quyền giải quyết khiếu nại thay đổi thẩm phán thuộc về HĐXX.
Như vậy, Toà án cần xem xét việc đương sự khiếu nại vào khoảng thời gian nào trong quá trình giải quyết vụ án. Nếu khiếu nại trước khi Toà án ban hành Quyết định xét xử thì thẩm quyền giải quyết khiếu nại thuộc về Chánh án, sau khi ban hành Quyết định xét xử thì thẩm quyền giải quyết khiếu nại thuộc về HĐXX mà không phụ thuộc vào trước hay tại phiên toà.
2.4. Thông qua các tình tiết thực tiễn nêu trên, Toà án gặp nhiều vướng mắc về việc xác định thẩm quyền giải quyết khiếu nại thay đổi thành phần HĐXX nói riêng và thẩm quyền giải quyết khiếu nại nói chung. Pháp luật hiện hành tuy đã quy định và hướng dẫn thi hành nhiều vấn đề nhưng qua thực tiễn áp dụng cho thấy một số quy định về khiếu nại còn thiếu và không cụ thể nên phần lớn áp dụng tương tự pháp luật và giải quyết phụ thuộc vào nhận thức chủ quan của từng cơ quan khác nhau. Để thống nhất về thẩm quyền giải quyết khiếu nại, kiến nghị, đề nghị Tòa án nhân dân tối cao có hướng dẫn thêm đối với các vấn đề này.
3. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật
Thứ nhất, pháp luật cần có quy định cụ thể về thẩm quyền giải quyết khiếu nại thay đổi thành phần hội đồng xét xử (Thẩm phán, Thư ký,…) khi đã có quyết định xét xử. Căn cứ vào việc khiếu nại trước hay sau khi ban hành Quyết định xét xử, người viết xin đề xuất theo hướng: Chánh án Toà án có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thay đổi thành phần HĐXX trước khi ban hành Quyết định xét xử, HĐXX có thẩm quyền giải quyết khiếu nại sau khi ban hành Quyết định xét xử.
Thứ hai, BLDS năm 2015 quy định về việc giải quyết khiếu nại, nhưng tới thời điểm hiện tại chưa ban hành biểu mẫu giải quyết, trước đây các Tòa án tự tạo ra mẫu nhưng đến khi Thông tư 01/2020 được ban hành thì một số Tòa án dựa vào mẫu số 10, 11 ban hành kèm theo Thông tư 01/2020 để làm cơ sở ra quyết định giải quyết khiếu nại. Vì vậy, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành văn bản hướng dẫn về áp dụng biểu mẫu trong giải quyết khiếu nại trong tố tụng để việc áp dụng được thống nhất và tránh những sai sót nhất định.