25/07/2020 08:24

Thẩm quyền của Tòa án Việt Nam đối với vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài

Thẩm quyền của Tòa án Việt Nam đối với vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài

Qua việc nghiên cứu và so sánh với pháp luật của một số nước, có thể thấy một số quy định tại Điều 472 của BLTTDS 2015 vẫn chưa được rõ ràng cũng như có một số điểm chưa hợp lý. Do đó, trong bài viết này, tác giả sẽ tập trung phân tích về Điều 472 BLTTDS 2015 với mong muốn làm rõ và hoàn thiện hơn Điều luật này nói riêng và BLTTDS 2015 nói chung.

1. Dẫn nhập

Trong Tư pháp quốc tế, khi một vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài phát sinh, Tòa án của các nước có liên quan đều có thể có thẩm quyền giải quyết. Chính vì vậy, việc xác định thẩm quyền của Tòa án quốc gia trong những trường hợp này là rất quan trọng. Thông thường, các căn cứ xác định thẩm quyền của Tòa án các quốc gia sẽ được xây dựng dựa trên một số quy tắc như nơi cư trú của bị đơn, nơi có tài sản, nơi thực hiện hành vi, nơi có mối liên hệ mật thiết… Đồng thời, tùy thuộc vào mức độ gắn bó mà các vụ việc này sẽ được xếp vào hai nhóm là thẩm quyền chung và thẩm quyền riêng biệt.

Ngoài ra, thực tiễn xét xử tại một số quốc gia cho thấy có những trường hợp Tòa án một quốc gia có căn cứ để xác định thẩm quyền của mình đối với một vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài nào đó nhưng vì những lý do nhất định mà họ lại không được quyền thụ lý. Các lý do này thông thường là do các chủ thể có quyền miễn trừ, các chủ thể đã lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp khác hoặc do không thuận lợi cho quá trình giải quyết của Tòa án đó… Các trường hợp này có thể gọi chung là những trường hợp giới hạn hay hạn chế thẩm quyền của Tòa án đối với các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài.

Tại Việt Nam, trước khi có Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS 2015), các trường hợp giới hạn thẩm quyền của Tòa án đối với các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài chưa được quy định một cách hệ thống. Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1989, Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế năm 1994 và Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động năm 1996 hoàn toàn không đề cập đến vấn đề này. Đến năm 2004, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 ra đời được sửa đổi, bổ sung năn 2011 (sau đây viết là BLTTDS 2004) nhưng các quy định về giới hạn thẩm quyền vẫn còn rất sơ sài. Mặc dù được quy định tại Điều 413 BLTTDS 2004 nhưng chỉ đề cấp đến trường hợp bản án đã được công nhận hoặc được tuyên tại nước mà Việt Nam và nước đó có Điều ước quốc tế về công nhận và cho thi hành bản án của Tòa án nước ngoài. Tất nhiên, vẫn còn một số trường hợp được quy định ở điều luật khác hoặc văn bản khác nhưng điều này dẫn đến sự thiếu hệ thống và khó khăn cho quá trình áp dụng.

Với BLTTDS 2015, chúng ta đã có Điều 472 quy định khá đầy đủ về các trường hợp giới hạn thẩm quyền của Tòa án đối với vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài. Đến nay, BLTTDS 2015 đã được chính thức áp dụng hơn ba năm, đây là thời gian chưa đủ dài để kiểm nghiệm sự hiệu quả hay bất cập mà Điều luật này mang lại trên thực tế. Tuy nhiên, qua việc nghiên cứu và so sánh với pháp luật của một số nước, có thể thấy một số quy định tại Điều 472 của BLTTDS 2015 vẫn chưa được rõ ràng cũng như có một số điểm chưa hợp lý. Do đó, trong bài viết này, tác giả sẽ tập trung phân tích về Điều 472 BLTTDS 2015 với mong muốn làm rõ và hoàn thiện hơn Điều luật này nói riêng và BLTTDS 2015 nói chung.

2. Các trường hợp giới hạn thẩm quyền cụ thể theo Điều 472 BLTTDS 2015

2.1. Trường hợp các bên đã có thỏa thuận lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp khác

Các bên thỏa thuận lựa chọn phương thức giải quyết Trọng tài hoặc thỏa thuận lựa chọn Tòa án nước ngoài là một trong những trường hợp giới hạn thẩm quyền cơ bản trong Tư pháp quốc tế của nhiều nước. Trước đây, chúng ta chỉ có quy định về trường hợp thỏa thuận trọng tài trong Luật TTTM 2010, tuy nhiên, với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 472 thì thỏa thuận lựa chọn Tòa án nước ngoài đã được bổ sung vào tố tụng Tòa án Việt Nam.

2.1.1. Thỏa thuận lựa chọn Tòa án nước ngoài

Đối với trường hợp các bên lựa chọn Tòa án nước ngoài, lúc này Tòa án Việt Nam sẽ không có thẩm quyền dù thuộc một trong các trường hợp tại Điều 469 BLTTDS 2015. Đây là quy định hợp lý, thể hiện sự tôn trọng ý chí của các bên trong việc lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp. Quy phạm này thực chất dựa trên sự tham khảo từ “Công ước về thỏa thuận lựa chọn Tòa án 2005” (Convention on choice of court Agreements 2005) của Hội nghị Lahay về Tư pháp quốc tế. Theo đó, khi các bên trong quan hệ lựa chọn Tòa án nào để giải quyết thì Tòa án nước đó sẽ có thẩm quyền riêng biệt, các quốc gia thành viên khác không được lựa chọn sẽ không có thẩm quyền giải quyết và phải trả lại đơn khởi kiện hoặc đình chỉ vụ việc. Việt Nam mặc dù chưa là thành viên của Công ước này nhưng Việt Nam đã là thành viên của Hội nghị Lahay. Do đó, Công ước này cũng được tham khảo khi xây dựng BLTTDS.

Tất nhiên, đối với trường hợp vụ việc thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam thì chúng ta vẫn sẽ có thẩm quyền giải quyết. Bởi lẽ, thỏa thuận lựa chọn Tòa án chỉ đơn thuần lựa chọn nơi giải quyết tranh chấp, còn về phương thức vẫn là một cơ chế tài phán công, do đó thẩm quyền riêng biệt vẫn sẽ tác động đến các chủ thể trong trường hợp này. Nếu xét về thực tiễn, quy định trên cũng hoàn toàn phù hợp. Bởi theo khoản 4 Điều 439 BLTTDS 2015 và khoản 1 Điều 440 thì trường hợp thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam, chúng ta sẽ không công nhận các bản án của Tòa án nước ngoài. Vì vậy, trong trường hợp này, bắt buộc các bên phải giải quyết tại Việt Nam để bản án có thể được thi hành tại lãnh thổ Việt Nam.

Tuy nhiên, có một vấn đề là thỏa thuận lựa chọn Tòa án vẫn là một chế định mới, chưa được quy định cụ thể tại Việt Nam nên việc xác định điều kiện, hình thức hay các trường hợp vô hiệu, không thể thực hiện được vẫn là một dấu hỏi. BLTTDS 2015 vẫn đang mượn các quy định của thỏa thuận Trọng tài để sử dụng cho thỏa thuận lựa chọn Tòa án mà không có sự phân biệt nào cả.

2.1.2. Thỏa thuận lựa chọn Trọng tài

Đối với thỏa thuận lựa chọn Trọng tài thì quy định trên lại chưa hoàn toàn hợp lý. Bởi lẽ, giải quyết tại Trọng tài là một phương thức giải quyết khác biệt với Tòa án. Đây là một cơ chế giải quyết tranh chấp tư, các bên được lựa chọn Trọng tài viên, vụ việc được giải quyết một cách bí mật về thông tin… Điều mà giải quyết tại Tòa án không có được

Đây là điều hoàn toàn phù hợp theo pháp luật của nhiều nước trên thế giới. Chẳng hạn như tại Đức, khi các bên chọn Tòa án để giải quyết cho vụ việc của mình thì việc lựa chọn Tòa án có thể bị vô hiệu nếu thuộc thẩm quyền riêng biệt của Đức. Tuy nhiên, với quy định về lựa chọn Trọng tài, BLTTDS Đức không hề đưa ra sự giới hạn cho thẩm quyền riêng biệt hay không. Cụ thể, theo Điều 1032 BLTTDS Đức 2005 thì nếu khởi kiện trước Tòa án về một vụ việc đã có thỏa thuận trọng tài thì Tòa án phải từ chối vụ việc đó nếu bị đơn không đồng ý với vụ kiện này, trừ trường hợp Tòa án cho rằng thoả thuận trọng tài là vô hiệu, không hợp lệ hoặc không thể thực hiện được. Luật Tư pháp quốc tế của Thụy Sĩ cũng quy định Tòa án phải từ chối thẩm quyền của mình nếu đã tồn tại một thỏa thuận trọng tài, các trường hợp ngoại lệ được đưa ra cũng không bao gồm thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án. Ngoài ra, Công ước New York 1958 về Công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài (Việt Nam đã là thành viên) cũng có ghi nhận rằng Toà án của một Quốc gia thành viên, khi nhận được một đơn kiện về một vấn đề mà đối với vấn đề đó các bên đã có thoả thuận trọng tài thì phải chuyển đến trọng tài, trừ khi Toà án thấy rằng thoả thuận nói trên không có hiệu lực, không hiệu quả hoặc không thể thực hiện được. Có nghĩa, nếu thỏa thuận trọng tài đã có hiệu lực thì Tòa án phải từ chối thẩm quyền mà không phân biệt vụ việc đó có thuộc thẩm quyền riêng biệt hay không.

Đồng thời, Điều 459 BLTTDS 2015 về những trường hợp không công nhận phán quyết Trọng tài nước ngoài cũng không quy định trường hợp Trọng tài nước ngoài giải quyết vụ việc thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam. Có nghĩa là nếu các bên giải quyết tại Trọng tài nước ngoài về vụ việc thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam thì phán quyết đó vẫn có thể được công nhận tại Việt Nam. Từ đó, có thể thấy rằng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 472 BLTTDS 2015 đang có sự khác biệt với pháp luật của nhiều nước cũng như không có sự thống nhất trong chính các quy định của Việt Nam.

Bên cạnh đó, khi quy định về quyền thỏa thuận lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp, điểm a khoản 1 Điều 472 có đưa ra căn cứ để xác định quyền là pháp luật của nước áp dụng cho quan hệ dân sự đó. Tuy nhiên, khi đề cập đến trường hợp thỏa thuận trọng tài và thỏa thuận lựa chọn Tòa án vô hiệu, không thể thực hiện được thì lại chưa đưa ra được là dựa trên hệ thống pháp luật nước nào. Điều này dễ dẫn đến Tòa án sẽ áp dụng chính pháp luật Việt Nam để xác định việc vô hiệu hay không thể thực hiện được. Trong khi đó, một cách hợp lý thì khi quyền lựa chọn được xác định dựa trên pháp luật nước nào thì pháp luật nước đó sẽ được sử dụng để xác định việc lựa chọn có phù hợp hay không. Điều này được thể hiện tại điểm b khoản 1 Điều 459, theo đó thỏa thuận trọng tài không có giá trị pháp lý theo pháp luật của nước mà các bên đã chọn để áp dụng hoặc theo pháp luật của nước nơi phán quyết đã được tuyên, nếu các bên không chọn pháp luật áp dụng cho thỏa thuận đó.

Như vậy, có thể thấy rằng, quy định tại điểm a khoản 1 Điều 472 cho thấy sự tiến bộ khi đề cập đến trường hợp thỏa thuận lựa chọn Tòa án. Nhưng ngược lại, chính sự quy định chung của cả hai vấn đề khác nhau về bản chất là thỏa thuận lựa chọn Tòa án và thỏa thuận lựa chọn Trọng tài đã làm cho trường hợp này chưa thật sự hợp lý.

2.2. Khi vụ việc thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án nước ngoài hoặc đã được Trọng tài, Tòa án nước ngoài thụ lý

2.2.1. Khi vụ việc thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án nước ngoài

Nếu xét riêng về trường hợp tại điểm b khoản 1 Điều 472 BLTTDS 2015 ta có thể thấy mục đích của nó là giúp giảm bớt gánh nặng cho Tòa án khi phải giải quyết những vụ việc mà vụ việc đó không thể thi hành tại quốc gia có thẩm quyền riêng biệt. Tuy nhiên, quy định này cũng có một số bất cập.

Thứ nhất, phạm vi của điểm b khoản 1 Điều 472 BLTTDS 2015 quá rộng. Trường hợp này không bắt buộc Tòa án nước ngoài đã thụ lý vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài. Có nghĩa rằng, bất kỳ khi nào nhận được đơn khởi kiện, Tòa án Việt Nam cũng phải có trách nhiệm kiểm tra xem có bao nhiêu Tòa án nước ngoài có liên quan và liệu có nước nào có thẩm quyền riêng biệt đối với vụ việc này hay không. Nếu có thì trong trường hợp này Tòa án phải trả lại đơn khởi kiện. Hoặc nếu Tòa án đã thụ lý rồi mới phát hiện vụ việc thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án nước ngoài thì Tòa án Việt Nam phải đình chỉ giải quyết vụ việc đó. Đây rõ ràng là một đòi hỏi quá sức đối với Tòa án, bởi một vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài có thể liên quan đến nhiều quốc gia khác nhau và Tòa án không thể tìm hiểu pháp luật tố tụng tất cả các nước để xác định xem có rơi vào thẩm quyền riêng biệt hay không.

Thứ hai, mặc dù thẩm quyền riêng biệt thông thường sẽ có yếu tố gắn bó chặt chẽ với một quốc gia, thể hiện qua một số trường hợp như bất động sản tại quốc gia đó, các bên thỏa thuận lựa chọn Tòa án của quốc gia này… nhưng cũng có một số trường hợp lại rất chung chung hoặc mức độ gắn bó không cao. Chẳng hạn, theo pháp luật Bulgaria, một vụ việc liên quan đến pháp nhân được đăng ký tại nước này sẽ thuộc thẩm quyền riêng biệt của họ. Đối với Trung Quốc, vụ việc liên quan đến việc thừa kế sẽ thuộc thẩm quyền riêng biệt của họ nếu người để lại di sản có nơi cứ trú hoặc phần lớn di sản nằm tại nước này. Tại châu Âu, Công ước Brussel 2012 cũng cho rằng đối với các thủ tục tố tụng nhằm xác định hiệu lực của điều lệ, việc hủy bỏ hoặc giải thể công ty, pháp nhân, hiệp hội cũng như hiệu lực của các quyết định của những tổ chức này sẽ thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án của nước thành viên nơi công ty, pháp nhân hoặc hiệp hội có trụ sở. Việc xác định nơi có trụ sở được dựa trên các quy tắc của Tư pháp quốc tế. Hay như trước đây, Việt Nam cũng từng xác định một tranh chấp liên quan đến hợp đồng vận chuyển thì Tòa án Việt Nam sẽ có thẩm quyền riêng biệt nếu bên vận chuyển có trụ sở hoặc văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam. Qua một số trường hợp trên, có thể thấy việc xác định thẩm quyền riêng biệt của các quốc gia không phải lúc nào cũng hợp lý. Do đó, nếu Tòa án Việt Nam từ chối giải quyết toàn bộ các vụ việc thuộc thẩm quyền riêng biệt của nước ngoài có thể dẫn đến không bảo vệ được quyền lợi của chủ thể Việt Nam.

2.2.2. Khi vụ việc được Trọng tài hoặc Tòa án nước ngoài thụ lý

Đây là trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 472 BLTTDS 2015. Theo đó, nếu một vụ việc đã được Tòa án nước ngoài hoặc Trọng tài nước ngoài thụ lý thì Tòa án Việt Nam sẽ không có thẩm quyền. Có nghĩa rằng, chỉ cần một cơ quan giải quyết tranh chấp bất kỳ của nước ngoài thụ lý thì sẽ loại trừ thẩm quyền của Tòa án Việt Nam. Quy định có lẽ hướng đến mục đích giảm tình trạng một vụ việc nhưng đồng thời được giải quyết tại nhiều quốc gia hay cơ quan khác nhau. Điều này có lẽ hợp lý nếu Tòa án nước ngoài đã thụ lý vụ việc này trước Tòa án Việt Nam. Tuy nhiên, quy định tại điểm c lại không đưa ra điều kiện về thời điểm Tòa án nước ngoài thụ lý. Điều này dẫn đến các bên hoặc một trong các bên có thể dễ dàng trong việc loại trừ thẩm quyền của Tòa án Việt Nam. Chẳng hạn, trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án Việt Nam, một bên nhận thấy bất lợi trong quá trình tố tụng có thể khởi kiện tại bất kỳ quốc gia khác. Nếu Tòa án của nước này thụ lý thì theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 472 BLTTDS 2015 Tòa án Việt Nam phải đình chỉ vụ việc.

Cần phải lưu ý rằng, nếu vụ việc bị đình chỉ thì đương sự không thể khởi kiện lại nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp. Do đó, nếu tranh chấp này có chủ thể mang quốc tịch Việt Nam thì họ hoàn toàn mất khả năng để bảo vệ quyền lợi trước cơ quan có thẩm quyền nước mình. Không những vậy, nếu Tòa án nước ngoài thụ lý và ban hành bản án thì một vấn đề nữa cần đặt ra đó là bản án của Tòa án nước ngoài đó liệu có được công nhận tại Việt Nam hay không? Nếu xem xét theo khoản 4 Điều 439 dẫn đến Điều 440 BLTTDS 2015 thì câu trả lời không chắc chắn. Vì theo điểm c khoản 2 Điều 440 thì Tòa án nước ngoài chỉ được xem là có thẩm quyền giải quyết nếu Tòa án đó thụ lý trước Tòa án Việt Nam. Quy định này không bắt buộc Tòa án Việt Nam phải “đang giải quyết”, do đó, nếu xét về thời điểm thì Tòa án Việt Nam đã thụ lý trước Tòa án nước ngoài dẫn đến bản án này không được công nhận tại Việt Nam. Nếu cách hiểu này được vận dụng thì có thể thấy chủ thể Việt Nam không có bất kỳ phán quyết nào có hiệu lực tại Việt Nam để bảo vệ quyền lợi cho họ.

Ngoài ra, quy định tại điểm c khoản 1 Điều 472 BLTTDS 2015 chỉ đề cập đến việc Tòa án hoặc Trọng tài đã thụ lý mà không dựa vào kết quả của việc giải quyết đó. Trong trường hợp vụ việc này bị đình chỉ ở Tòa án nước ngoài, tức không có một phán quyết về nội dung vụ việc thì quyền quyền lợi của các bên sẽ được bảo vệ như thế nào?

2.3. Vụ việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Tòa án hoặc phán quyết của Trọng tài

Nhìn chung, đây là một trường hợp khá hợp lý. Cơ sở cho trường hợp hạn chế thẩm quyền tại điểm d khoản 1 Điều 472 là nguyên tắc một vụ việc không được xét xử hai lần. Do đó, nếu vụ việc đã được Tòa án hoặc Trọng tài nước ngoài ra bản án, quyết định hoặc phán quyết thì Tòa án Việt Nam phải trả lại đơn khởi kiện hoặc đình chỉ vụ việc. Tuy nhiên, nếu đặt trong ngữ cảnh của toàn bộ Điều 472 thì có thế thấy rằng quy định này có phần không cần thiết. Bởi để giải quyết được một vụ việc thì bắt buộc Tòa án hay Trọng tài phải thụ lý vụ việc đó. Và đương nhiên, theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 472 nêu trên thì Tòa án Việt Nam đã phải từ chối thẩm quyền của mình chứ chưa cần đến lúc cơ quan có thẩm quyền nước ngoài ra phán quyết về vấn đề này. Dẫu sao đoạn 2: “Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài không được Tòa án Việt Nam công nhận thì Tòa án Việt Nam vẫn có thẩm quyền giải quyết vụ việc đó” là một quy định quan trọng để bổ sung vào khoảng trống thẩm quyền ở những trường hợp nêu trên.

2.4. Khi bị đơn được hưởng quyền miễn trừ tư pháp

Đây là một trường hợp hạn chế thẩm quyền kinh điển Tư pháp quốc tế. Các quốc gia thông thường sẽ xây dựng một đạo luật riêng về quyền miễn trừ đối với Nhà nước nước ngoài và các cơ quan của Nhà nước đó. Chẳng hạn đạo luật  “Foreign Sovereign Immunities Act (FSIA) 1976” của Hoa Kỳ, “Foreign States Immunities Act 1985” của Úc, “State Immunity Act 1978” của Anh… Dựa trên các đạo luật này, Tòa án sẽ quyết định từ chối thẩm quyền của mình nếu vụ việc có bị đơn là Nhà nước nước ngoài và thuộc các trường hợp được miễn trừ.

Nhưng đối với Việt Nam, mặc dù có được đề cập đến ở một số văn bản, chúng ta vẫn chưa có một đạo luật quy định cụ thể về quyền miễn trừ của quốc gia, do đó, quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 472 có thể rất hợp lý nhưng lại khó phát huy hết tác dụng. Không những vậy, các quy định nói trên lại đang thiên về học thuyết miễn trừ tuyệt đối, theo đó, Nhà nước nước ngoài chỉ chịu trách nhiệm pháp lý về dân sự khi họ từ bỏ quyền miễn trừ mà thôi. Điều này dẫn đến việc bảo vệ quyền lợi của các chủ thể trong nước trong quan hệ với quốc gia nước ngoài không được bảo đảm.

Bên cạnh đó, quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 472 cũng gặp phải tình trạng giống với điểm a Điều này, tức chỉ bị giới hạn nếu vụ việc thuộc thẩm quyền chung. Nhưng một cách rõ ràng rằng, trường hợp bị đơn có quyền miễn trừ tư pháp thì không phân biệt thẩm quyền chung hay riêng, Tòa án Việt Nam vẫn phải trả lại đơn khởi kiện. Bởi lẽ, quyền miễn trừ tư pháp xuất phát từ chủ quyền của quốc gia – yếu tố tối cao trong quan hệ quốc tế. Và thực tế, các đạo luật kể trên chỉ nêu ra các trường hợp không được phép hưởng quyền miễn trừ chứ không hề đề cập đến thẩm quyền chung hay thẩm quyền riêng biệt.

3. Kiến nghị hoàn thiện Điều 472 BLTTDS 2015

Thông qua một số phân tích và bình luật trên, tác giả xin đưa ra một số kiến nghị sau với mong muốn hoàn thiện hơn quy định của Điều 472 BLTTDS 2015.

Thứ nhất, tại khoản 1 Điều 472 nên bỏ cụm từ “nếu vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền chung” mà việc xác định phạm vi thẩm quyền chung hay riêng sẽ được quy định cho từng trường hợp cụ thể. Điều này vừa giúp các quy định đi vào chiều sâu vừa tránh trùng lặp ở một số điểm như đã phân tích ở trên.

Thứ hai, tại điểm a khoản 1 Điều 472 cần phải tách thỏa thuận lựa chọn trọng tài và lựa chọn Tòa án thành hai trường hợp khác nhau. Đối với lựa chọn Trọng tài, dù vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền riêng biệt thì Tòa án Việt Nam vẫn phải từ chối thụ lý. Đối với trường hợp thỏa thuận lựa chọn Tòa án nước ngoài, việc giới hạn thẩm quyền chỉ áp dụng cho thẩm quyền chung mà thôi. Đồng thời, bổ sung việc xác định thỏa thuận trọng tài và thỏa thuận lựa chọn Tòa án vô hiệu hoặc không thể thực hiện được theo pháp luật của nước điều chỉnh cho quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.

Thứ ba, nên kết hợp điểm c và điểm d thành một trường hợp và quy định điều kiện để từ chối thẩm quyền là Tòa án, Trọng tài thụ lý vụ việc trước Tòa án Việt Nam. Đồng thời, bổ sung thêm Tòa án Việt Nam sẽ có thẩm quyền xét xử khi cơ quan có thẩm quyền nước ngoài không thể đưa ra phán quyết giải quyết vụ việc.

Thứ tư, tại điểm đ, bị đơn được hưởng quyền miễn trừ tư pháp thì Tòa án Việt Nam phải từ chối thẩm quyền dù thuộc thẩm quyền chung hay riêng.

Nguồn: Theo Tạp chí Toà án

37127

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]