20/11/2023 10:20

Tham ô tài sản bị xử lý hình sự thế nào?

Tham ô tài sản bị xử lý hình sự thế nào?

Gần đây, trong vụ án của bà Trương Mỹ Lan xảy ra tại Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB, các bị cáo đã bị truy tố về nhiều tội danh trong đó có Tham ô tài sản. Tôi muốn hỏi với tội tham ô tài sản sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự thế nào? “Cao Toàn-Hồ Chí Minh”

Chào anh, ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Tội tham ô tài sản là gì? Cấu thành tội phạm Tham ô tài sản?

Tội tham ô tài sản là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định từ Điều 353 đến Điều 359 Bộ luật Hình sự 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. (Theo quy định tại Điều 353 Bộ luật hình sự năm 2015)

Cấu thành tội phạm Tham ô tài sản như sau:

- Về chủ thể: là chủ thể đặc biệt, là người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức nhà nước và doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước và có trách nhiệm quản lý đối với tài sản mà họ chiếm đoạt.

Là người từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự.

Đối với Tội tham ô tài sản các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm là các dấu hiệu quan trọng nhất để xác định hành vi phạm tội.

- Về khách thể: là những quan hệ xã hội liên quan đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức trong nhà nước và của cả các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước; làm cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp này bị suy yếu, mất uy tín; làm cho nhân dân mất niềm tin vào Đảng và Nhà nước. 

Hành vi tham ô tài sản đã tác động đến tài sản mà người phạm tội có trách nhiệm quản lý. Tài sản này bao gồm tài sản của nhà nước giao cho các cơ quan, tổ chức trong nhà nước hoặc là tài sản của các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước.

- Về mặt khách quan:

+ Thủ đoạn phạm tội: lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội. Người phạm tội sử dụng quyền hạn được giao như một phương tiện phạm tội để biến tài sản mà mình quản lý thành tài sản của mình.

+ Về hành vi của tội phạm: là hành vi chiếm đoạt một cách công khai hay bí mật mà tài sản người phạm tội quản lý. Hành vi chiếm đoạt tài sản đó có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của người phạm tội, nếu người phạm tội không có chức vụ, quyền hạn đó thì họ khó hoặc không thể thực hiện được hành vi chiếm đoạt tài sản. 

- Về mặt chủ quan:

+ Lỗi: người phạm tội thực hiện hành vi với lỗi cố ý trực tiếp, tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.

2. Khung hình phạt đối với tội Tham ô tài sản

- Khung cơ bản: Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm khi người lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

+ Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương XXIII Bộ luật hình sự năm 2015 (Các tội phạm về chức vụ), chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

- Khung 2: Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm khi người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Có tổ chức;

+ Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

+ Phạm tội 02 lần trở lên;

+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

+ Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn;

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;

+ Ảnh hưởng xấu đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức.

- Khung 3: Phạt tù từ 15 năm đến 20 năm khi người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;

+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

+ Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động.

- Khung 4: Phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình khi người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

+ Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

- Hình phạt bổ sung: Cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

3. Một số bản án về tội Tham ô tài sản

Bản án về tội tham ô tài sản số 56/2023/HS-PT

Bản án về tội tham ô tài sản số 61/2023/HS-PT

Bản án về tội tham ô tài sản số 950/2022/HS-PT

Bản án về tội tham ô tài sản số 552/2022/HS-PT

Bản án về tội tham ô tài sản số 419/2022/HS-ST

Trân trọng!

Bùi Thị Như Ý
8895

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]