14/10/2023 16:36

Tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp xử lý thế nào?

Tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp xử lý thế nào?

Tôi muốn hỏi tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp xử lý thế nào?_Lê Hùng(Hà Nội)

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Quy định về đăng ký tên doanh nghiệp

Theo Điều 18 Nghị 01/2021/NĐ-CP quy định về đăng ký tên doanh nghiệp như sau:

- Người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp không được đăng ký tên doanh nghiệp trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp khác đã đăng ký trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc, trừ những doanh nghiệp đã giải thể hoặc đã có quyết định có hiệu lực của Tòa án tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản.

- Phòng Đăng ký kinh doanh(ĐKKD) có quyền chấp thuận hoặc từ chối tên dự kiến đăng ký của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Để tránh tên doanh nghiệp bị trùng, nhầm và vi phạm quy định về đặt tên doanh nghiệp, ý kiến Phòng ĐKKD là quyết định cuối cùng. Trường hợp không đồng ý với quyết định của Phòng ĐKKD, doanh nghiệp có thể khởi kiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.

- Doanh nghiệp hoạt động theo Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư (đồng thời là Giấy chứng nhận ĐKKD) hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương được cấp trước ngày 01/7/2015 được tiếp tục sử dụng tên doanh nghiệp đã đăng ký và không bắt buộc phải đăng ký đổi tên doanh nghiệp trong trường hợp có tên trùng, tên gây nhầm lẫn với tên doanh nghiệp đã đăng ký trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

- Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có tên trùng và tên gây nhầm lẫn tự thương lượng với nhau để đăng ký đổi tên doanh nghiệp.

2. Tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp xử lý thế nào?

Theo quy định tại Điều 19 Nghị 01/2021/NĐ-CP thì trường hợp tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp xử lý như sau:

Lưu ý đặt tên doanh nghiệp để không xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp

- Không được sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của tổ chức, cá nhân đã được bảo hộ để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp được sự chấp thuận của chủ sở hữu tên thương mại, nhãn hiệu đó.

- Trước khi đăng ký đặt tên doanh nghiệp, người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp tham khảo các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đã đăng ký và được lưu giữ tại Cơ sở dữ liệu về nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý của cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp.

- Căn cứ để xác định tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp được thực hiện theo các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Hướng xử lý tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp

- Doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu đặt tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Trường hợp tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp thì doanh nghiệp có tên vi phạm phải đăng ký thay đổi tên doanh nghiệp.

Trình tự thực hiện yêu cầu thay đổi tên doanh nghiệp

Bước 1: Gửi văn bản đề nghị

- Chủ thể quyền sở hữu công nghiệp có quyền gửi văn bản đề nghị đến Phòng ĐKKD để yêu cầu doanh nghiệp có tên xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp phải thay đổi tên doanh nghiệp cho phù hợp. Kèm theo văn bản đề nghị của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp phải có bản sao các giấy tờ sau đây:

+ Văn bản kết luận của cơ quan có thẩm quyền về việc sử dụng tên doanh nghiệp là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp;

+ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý; bản trích lục Sổ đăng ký quốc gia về nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ do cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp cấp; Giấy chứng nhận nhãn hiệu đăng ký quốc tế được bảo hộ tại Việt Nam do cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp cấp; hợp đồng sử dụng đối tượng quyền sở hữu công nghiệp trong trường hợp người yêu cầu là người được chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp đó.

Bước 2: Xác định thông tin và tiến hành thủ tục đăng ký thay đổi tên doanh nghiệp

- Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 3 Điều này, Phòng ĐKKD ra thông báo yêu cầu doanh nghiệp có tên xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp phải thay đổi tên doanh nghiệp và tiến hành thủ tục đăng ký thay đổi tên doanh nghiệp trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra thông báo. Kèm theo thông báo phải có các giấy tờ quy định tại khoản 3 Điều 19 Nghị 01/2021/NĐ-CP.

+ Sau thời hạn trên, nếu doanh nghiệp không đăng ký thay đổi tên doanh nghiệp theo yêu cầu, Phòng ĐKKD thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

- Trường hợp cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, theo đó áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thay đổi tên doanh nghiệp hoặc buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không thực hiện trong thời hạn do pháp luật quy định thì cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm thông báo cho Phòng ĐKKD để yêu cầu doanh nghiệp báo cáo theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 216 Luật Doanh nghiệp.

- Đối với doanh nghiệp không báo cáo, Phòng ĐKKD thực hiện thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 212 Luật Doanh nghiệp.

Bước 3: Thông báo kết quả

- Phòng ĐKKD thông báo kết quả xử lý đối với trường hợp tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp cho chủ thể quyền sở hữu công nghiệp quy định tại khoản 3 Điều 19 Nghị 01/2021/NĐ-CP.

Như vậy, khi đặt tên cho doanh nghiệp người thành lập cần tìm hiểm, tra cứu và tham khảo kĩ các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đã đăng ký để tránh việc đăng ký trùng hoặc gây nhầm lẫn dẫn tới tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Trân trọng!

Hứa Lê Huy
797

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]