01/11/2023 18:23

Tất toán là gì? Chậm tất toán khoản vay bị xử lý thế nào?

Tất toán là gì? Chậm tất toán khoản vay bị xử lý thế nào?

Tôi muốn hỏi tất toán là gì? Chậm tất toán khoản vay bị xử lý thế nào?_Hoài Vy(Lâm Đồng)

Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Tất toán là gì?

Tất toán là một thao tác nhằm chấm dứt giao dịch giữa ngân hàng và khách hàng vào giai đoạn đôi bên kết thúc hợp đồng. Nghĩa là cả ngân hàng và khách hàng đều đã hoàn trả, thanh toán đầy đủ tất cả khoản nợ cho bên còn lại theo thỏa thuận ký kết trước đó.

Ví dụ:

- Khách hàng đã trả xong các khoản nợ trong hợp đồng vay vốn thì được gọi là tất toán khoản vay.

- Ngân hàng chi trả tiền lãi và gốc khi kết thúc kỳ hạn gửi tiền tiết kiệm gọi là tất toán sổ tiết kiệm.

Các hình thức tất toán phổ biến hiện nay

Các hình thức tất toán phổ biến hiện nay bao gồm:

- Tất toán khoản vay: là thời điểm khách hàng thanh toán toàn bộ khoản vay cho ngân hàng. Khách hàng có thể thực hiện thủ tục này trước thời gian mà không phải chờ đến đúng ngày được ký trên hợp đồng.

- Tất toán tài khoản tiết kiệm: là hoạt động mà ngân hàng thanh toán tiền lãi và gốc cho tài khoản tiết kiệm theo mong muốn của khách hàng. Có 02hình thức tất toán tài khoản tiết kiệm, bao gồm:

+ Tất toán tài khoản tiết kiệm có kỳ hạn: Tài khoản tiết kiệm có kỳ hạn nhất định từ 03 - 36 tháng, đến hạn sẽ được thực hiện tất toán, lúc này khách hàng nhận lại cả tiền lãi lẫn tiền gốc.

+ Tất toán tài khoản tiết kiệm không kỳ hạn:  Với những tài khoản gửi tiết kiệm không kỳ hạn, khách hàng được quyền tất toán bất kỳ lúc nào. Quá trình đóng tài khoản và thực hiện tất toán diễn ra cũng vô cùng đơn giản và nhanh chóng.

Một số điều cần lưu ý liên qua đến tất toán:

- Tất toán trước hạn là hành động khách hàng kết thúc các giao dịch trước thời gian thỏa thuận trong hợp đồng (Thường là hợp đồng vay tiền). Việc trả trước hạn được coi như khách hàng đang phá vỡ hợp đồng và sẽ phải thanh toán phí theo quy định. Phí phạt hợp đồng tùy thuộc vào thời gian mà khách hàng tất toán và cũng tùy thuộc vào quy định từng ngân hàng.

- Số tiền tất toán Là số tiền được nhận lại vào ngày tất toán sổ tiết kiệm, hoặc số tiền cần đóng để hoàn tất việc tất toán khoản vay.

- Ngày tất toán là ngày cuối cùng được quy định trong hợp đồng mà ngân hàng hay khách hàng phải hoàn tất việc thanh toán đầy đủ số tiền cho bên còn lại để kết thúc hợp đồng.

2. Chậm tất toán khoản vay bị xử lý thế nào?

Chậm tất toán khoản vay được coi là hành vi phạm hợp đồng vay giữa khách hàng với ngân hàng.

Theo đó, khách hàng có thể chịu thêm lãi suất và phạt vi phạm hợp đồng khi đến hạn mà không trả hoặc trả không đầy đủ theo thỏa thuận trong hợp đồng và theo qu. Cụ thể:

Phạt vi phạm hợp đồng

Theo quy định tại Điều 25 Thông tư 39/2016/TT-NHNN sẽ phạt khách hàng vi phạm và bồi thường thiệt hại theo quy định sau:

- Tổ chức tín dụng và khách hàng được thỏa thuận về việc phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật đối với trường hợp tổ chức tín dụng hoặc khách hàng không thực hiện đúng nội dung trong thỏa thuận cho vay, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN.

- Tổ chức tín dụng và khách hàng có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại.

- Trường hợp tổ chức tín dụng và khách hàng có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm.

Như vậy, ngân hàng chỉ được phạt khách hàng vi phạm hợp đồng vay trả nợ chậm khi ngân hàng và khách hàng có thỏa thuận về phạt vi phạm trong hợp đồng. Trường hợp không có thỏa thuận thì khách hàng không phải chịu phạt.

Lãi suất chậm trả

Theo khoản 4 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định khi đến hạn thanh toán mà khách hàng không trả hoặc trả không đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận, thì khách hàng phải trả lãi tiền vay như sau:

- Lãi trên nợ gốc theo lãi suất cho vay đã thỏa thuận tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả.

- Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi theo quy định tại điểm a khoản này, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả;

- Trường hợp khoản nợ vay bị chuyển nợ quá hạn, thì khách hàng phải trả lãi trên dư nợ gốc bị quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả, lãi suất áp dụng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn.

- Trường hợp áp dụng lãi suất cho vay điều chỉnh, tổ chức tín dụng và khách hàng phải thỏa thuận nguyên tắc và các yếu tố để xác định lãi suất điều chỉnh, thời điểm điều chỉnh lãi suất cho vay.

- Trường hợp căn cứ các yếu tố để xác định lãi suất điều chỉnh dẫn đến có nhiều mức lãi suất cho vay khác, thì tổ chức tín dụng áp dụng mức lãi suất cho vay thấp nhất.

Như vậy, trường hợp khách hàng không trả đúng hạn nợ gốc và lãi vay, các ngân hàng thương mại được phép thu lãi chậm trả với một số hạn mức cụ thể. Theo đó, lãi chậm trả trên số dư lãi chậm thanh toán có thể lên tới 10%/năm. Đối với khoản nợ gốc bị quá hạn, mức lãi suất tối đa là 150% lãi suất cho vay ban đầu. Ngoài ra, ngân hàng cũng phải tuân thủ nguyên tắc lựa chọn mức lãi suất thấp nhất trong trường hợp áp dụng lãi suất cho vay điều chỉnh có nhiều mức khác nhau.

Lưu ý: Khi khách hàng không trả hoặc trả nợ không đúng hạn có thể bị liệt kê vào danh sách khách hàng có lịch sử nợ xấu, điều đó sẽ ảnh hưởng đến các quyền lợi của khách hàng sau này. Vì khi khách hàng có nhu cầu tiếp tục vay vốn hoặc mở thẻ tín dụng... tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng thì họ sẽ dựa lịch sử trả nợ để làm căn cứ có nên cho vay hay không.

Hứa Lê Huy
12565

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn