02/12/2023 16:40

Tảo hôn là gì? Tảo hôn, tổ chức tảo hôn bị xử lý như thế nào?

Tảo hôn là gì? Tảo hôn, tổ chức tảo hôn bị xử lý như thế nào?

Tôi muốn biết tảo hôn là gì? Người thực hiện hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn bị xử lý như thế nào? Mỹ Lan – Hà Giang.

Chào chị, ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Tảo hôn là gì?

Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định pháp luật. Hiện nay, độ tuổi đủ điều kiện kết hôn: Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi. (điểm a khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014)

Tác hại và hệ lụy của việc tảo hôn

Tảo hôn gây ra nhiều tác hại và hệ lụy nghiêm trọng cho cả cá nhân, gia đình và xã hội, cụ thể như sau:

- Đối với cá nhân

+ Gây ảnh hưởng đến sức khỏe: Tuổi dậy thì là giai đoạn cơ thể đang phát triển và hoàn thiện, việc kết hôn sớm khiến cơ thể chưa kịp phát triển hoàn thiện, dễ mắc các bệnh phụ khoa, bệnh sinh sản, bệnh hậu sản,...

+ Gây khó khăn cho việc học tập và phát triển: Trẻ em tảo hôn thường bỏ học để chăm sóc gia đình, con cái, dẫn đến thiếu hụt kiến thức và kỹ năng, khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm và phát triển bản thân.

+ Gây mất cơ hội hạnh phúc: Tảo hôn thường là do sự ép buộc của gia đình, không dựa trên tình yêu và sự tự nguyện, dễ dẫn đến mâu thuẫn, xung đột trong gia đình, ảnh hưởng đến hạnh phúc của cả hai bên.

- Đối với gia đình

+ Gây suy thoái nòi giống: Trẻ em sinh ra do tảo hôn thường có sức khỏe yếu, dễ mắc các bệnh di truyền, ảnh hưởng đến chất lượng dân số.

+ Gây khó khăn cho việc phát triển kinh tế: Gia đình có trẻ tảo hôn thường khó khăn trong việc nuôi dạy con cái, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế của gia đình.

- Đối với xã hội

+ Làm gia tăng tệ nạn xã hội: Tảo hôn tạo điều kiện cho các tệ nạn xã hội như bạo lực gia đình, mại dâm,... phát triển.

+ Góp phần làm suy giảm đạo đức xã hội: Tảo hôn là hành vi vi phạm pháp luật, thể hiện lối sống thiếu hiểu biết, thiếu tôn trọng quyền con người.

Như vậy, tảo hôn là việc nam nữ thực hiện kết hôn khi chưa đủ tuổi theo quy định pháp luật. Đồng thời, tảo hôn là một trong các trường hợp bị cấm kết hôn về bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình.

2. Tảo hôn, tổ chức tảo hôn bị xử lý như thế nào?

Đối với hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn sẽ bị xử phạt hành chính, đồng thời có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có mức độ vi phạm nghiêm trọng, cụ thể :

- Theo quy định tại Điều 58 Nghị định 82/2020/NĐ-CP về mức xử phạt đối với hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn như sau:

+ Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.

+ Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án.

- Bên cạnh đó, hành vi tảo hôn mức độ vi phạm nghiêm trọng có thể bị xử phạt hình sự về tội tổ chức tảo hôn hoặc tội giao cấu với trẻ em như sau:

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm: Người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. (Điều 183 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017)

Như vậy, hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Trường hợp vi phạm nghiêm trọng hoặc tái phạm nhiều lần có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức tảo hôn với hình phạt tiền lên đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm.

3. Một số tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình cần vận động xóa bỏ

- Kết hôn trước tuổi quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

- Việc đăng ký kết hôn không do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện.

- Cưỡng ép kết hôn do xem “lá số” và do mê tín dị đoan; cản trở hôn nhân do khác dân tộc, tôn giáo.

- Cấm kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi từ bốn đời trở lên.

- Nếu nhà trai không có tiền cưới và đồ sính lễ thì sau khi kết hôn, người con rể buộc phải ở rể để trả công cho bố, mẹ vợ.

- Quan hệ gia đình theo chế độ phụ hệ hoặc mẫu hệ, không bảo đảm quyền bình đẳng giữa vợ và chồng, giữa con trai và con gái.

+ Chế độ phụ hệ:

Khi ly hôn, nếu do người vợ yêu cầu ly hôn thì nhà gái phải trả lại nhà trai toàn bộ đồ sính lễ và những phí tổn khác; nếu do người chồng yêu cầu ly hôn thì nhà gái vẫn phải trả lại nhà trai một nửa đồ sính lễ. Sau khi ly hôn, nếu người phụ nữ kết hôn với người khác thì không được hưởng và mang đi bất cứ tài sản gì. Sau khi cha, mẹ ly hôn, con phải theo cha.

Khi người chồng chết, người vợ góa không có quyền hưởng phần di sản của người chồng quá cố để lại. Nếu người vợ góa tái hôn với người khác thì không được hưởng và mang đi bất cứ tài sản gì.

Khi người cha chết, chỉ các con trai có quyền còn các con gái không có quyền hưởng phần di sản của người cha quá cố để lại.

+ Chế độ mẫu hệ:

Người con bị bắt buộc phải mang họ của người mẹ.

Khi người vợ chết, người chồng góa không có quyền hưởng phần di sản của người vợ quá cố để lại và không được mang tài sản riêng của mình về nhà.

Khi người mẹ chết, chỉ các con gái có quyền còn các con trai không có quyền hưởng phần di sản của người mẹ quá cố để lại.

Sau khi ở rể, người con rể bị “từ hôn” hoặc sau khi ăn hỏi, nhận đồ sính lễ, người con trai bị “từ hôn” thì không được bù trả lại.

- Không kết hôn giữa người thuộc dân tộc này với người thuộc dân tộc khác và giữa những người khác tôn giáo.

(Căn cứ Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 126/2014/NĐ-CP)

Trân trọng!

Nguyễn Ngọc Trầm
14042

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]