17/11/2023 09:54

Tặng quà cho giáo viên ngày 20/11 có bị xem là đưa hối lộ không?

Tặng quà cho giáo viên ngày 20/11 có bị xem là đưa hối lộ không?

Trong ngày nhà giáo Việt Nam năm 2023, tôi muốn chuẩn bị một món quà để tặng cho giáo viên chủ nhiệm lớp con trai tôi. Tôi muốn hỏi tặng quà cho giáo viên ngày 20/11 có bị xem là đưa hối lộ không? “Lê Hà-Hà Tĩnh”

Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Ý nghĩa ngày 20/11

Tại Quyết định 167-HĐBT ngày 26/9/1982 về Ngày Nhà giáo Việt Nam của Hội đồng Bộ trưởng có nêu rõ:

Điều 1.- Từ nay hàng năm sẽ lấy ngày 20 tháng 11 là ngày Nhà giáo Việt Nam.

Điều 2.- Để ngày 20 tháng 11 có ý nghĩa thiết thực, hàng năm, từ tháng 10 các cấp chính quyền và đoàn thể cần họp để xem xét tình hình công tác và hoạt động của đội ngũ giáo viên ở địa phương mình; kiểm điểm những việc đã làm và đề ra những việc cần tiếp tục làm nhằm động viên đội ngũ giáo viên phát huy truyền thống tốt đẹp của giáo giới Việt Nam , rèn luyện phẩm chất và năng lực, làm gương sáng cho học sinh noi theo. Về phía giáo viên, cần có những hình thức sinh hoạt phong phú nhằm nâng cao nhận thức về vinh dự và trách nhiệm của người giáo viên trong xã hội nước ta ngày nay, từ đó mà ra sức phấn đấu làm tốt hơn nhiệm vụ cao cả của mình.

Điều 3.- Việc tổ chức ngày 20 tháng 11 hàng năm do Ủy ban nhân dân và hội đồng giáo dục các cấp chủ trì, có sự phối hợp với các ngành giáo dục và các đoàn thể nhân dân. Các cấp, các ngành cần phân công cán bộ lãnh đạo đi thăm hỏi giáo viên, tổ chức các cuộc họp mặt thân mật với giáo viên, nhân dịp này có thể tổ chức khen thưởng các giáo viên có thành tích.

Việc tổ chức ngày Nhà giáo Việt Nam cần được tiến hành trọng thể và thiết thực, tránh hình thức phô trương, gây phiền hà cho học sinh và cha mẹ học sinh.

Điều 4.- Trong ngày 20 tháng 11, các trường có thể sắp xếp lại việc học tập và giảng dạy để giáo viên được nghỉ và tham gia các sinh hoạt của trường và của địa phương.

Ngày 20/11/1982, lần đầu tiên, lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam được tiến hành trọng thể trong cả nước. 

Đến nay, Lễ Nhà giáo Việt Nam 20/11 vẫn được xem là ngày tôn sư trọng đạo nhằm tôn vinh tất cả những làm công tác giảng dạy. Đây cũng là dịp để học trò bày tỏ lòng biết ơn đến thầy cô của mình bằng các lời chúc, bó hoa hay các lá thư mang lời hay ý đẹp.

2. Tặng quà cho giáo viên ngày 20/11 có bị xem là đưa hối lộ không?

Tặng quà 20/11 cho thầy cô là vấn đề mang tính chất đặc biệt nhạy cảm, xuất phát từ ý nghĩa của việc tặng quà trong ngày lễ này, thì nó chỉ nên mang tính chất thể hiện thái độ biết ơn, trân trọng của người tặng đối với người nhận.

Theo Điều 364 Bộ luật hình sự 2015 có quy định về tội đưa hối lộ như sau:

1. Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

b) Lợi ích phi vật chất.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

c) Dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

đ) Phạm tội 02 lần trở lên;

e) Của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

3. Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.

4. Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt từ tù 12 năm đến 20 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

6. Người nào đưa hoặc sẽ đưa hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công, người có chức vụ trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước cũng bị xử lý theo quy định tại Điều này.

7. Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Như vậy, các hành vi trực tiếp hay trung gian đưa cho người có chức vụ, quyền hạn để họ làm hoặc không làm một việc vì lợi ích của đối tượng đưa tài sản, thì sẽ bị quy về hành vi đưa hối lộ. Nếu giá trị tài sản mà các cá nhân thực hiện đưa cho người có quyền hạn từ 2 triệu đồng trở nên thì có thể bị truy cứu TNHS về tội đưa hối lộ. 

Đối với việc tặng quà cho giáo viên trong ngày 20/11, nếu giá trị quà tặng từ 2 triệu trở lên, đồng thời đặt trong ngữ cảnh là cá nhân đó thể hiện ý chí (lời nói, hành động) mong muốn người nhận giúp đỡ, hỗ trợ lợi ích của người nhận, thì người tặng quà có thể bị truy cứu TNHS về tội đưa hối lộ.

Trân trọng!

Bùi Thị Như Ý
1349

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn