03/07/2024 16:04

Tăng lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng, những chính sách nào có sự thay đổi?

Tăng lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng, những chính sách nào có sự thay đổi?

Từ ngày 1/7, lương cơ sở chính thức tăng lên 2,34 triệu đồng (tăng 30%). Vậy, các chính sách khác liên quan đến tiền lương cơ sở sẽ thay đổi như thế nào?

Sáng 29/6/2024, tại Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội chính thức phê chuẩn việc điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%) từ ngày 1/7/2024. Cùng điểm qua một số chính sách thay đổi khi tăng lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng từ ngày 01/7/2024.

(1) Mức lương cơ sở từ ngày 01/7/2024 là 2.340.000 đồng/tháng

Theo Điều 3 Nghị định 73/2024/NĐ-CP có quy định mức lương cơ sở từ ngày 01/7/2024 là 2.340.000 đồng/tháng.

Mức lương cơ sở làm căn cứ:

+ Tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định 73/2024/NĐ-CP;

+ Tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật;

+ Tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.

Đồng thời, đối với các cơ quan, đơn vị đang được áp dụng các cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù ở trung ương:

+ Thực hiện bảo lưu phần chênh lệch giữa tiền lương và thu nhập tăng thêm tháng 6 năm 2024 của cán bộ, công chức, viên chức với tiền lương từ ngày 01/7/2024 sau khi sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù.

+ Trong thời gian chưa sửa đổi hoặc bãi bỏ các cơ chế này thì thực hiện mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hằng tháng tính theo mức lương cơ sở 2.340.000 đồng/tháng theo cơ chế đặc thù từ ngày 01/7/2024 bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm được hưởng tháng 6 năm 2024 (không bao gồm phần tiền lương và thu nhập tăng thêm do điều chỉnh hệ số tiền lương ngạch, bậc khi nâng ngạch, nâng bậc).

+ Trường hợp tính theo nguyên tắc trên, nếu mức tiền lương và thu nhập tăng thêm từ ngày 01/7/2024 theo cơ chế đặc thù thấp hơn mức tiền lương theo quy định chung thì thực hiện chế độ tiền lương theo quy định chung.

(2) Tăng 15% lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng

Theo quy định tại Điều 2 Nghị định 75/2024/NĐ-CP về thời điểm và mức điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng cụ thể như sau:

- Từ ngày 01/7/2024, điều chỉnh tăng thêm 15% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 6/2024 đối với các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 75/2024/NĐ-CP.

- Từ ngày 01/7/2024, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 75/2024/NĐ-CP, sau khi điều chỉnh theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 75/2024/NĐ-CP, có mức hưởng thấp hơn 3.500.000 đồng/tháng thì được điều chỉnh tăng thêm như sau:

+ Tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng dưới 3.200.000 đồng/người/tháng;

+ Tăng lên bằng 3.500.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng từ 3.200.000 đồng/người/tháng đến dưới 3.500.000 đồng/người/tháng.

- Mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng sau khi điều chỉnh theo quy định tại Điều 2 Nghị định 75/2024/NĐ-CP là căn cứ để tính điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng ở những lần điều chỉnh tiếp theo.

(3) Tăng mức đóng BHYT đối với người thuộc hộ nghèo, cận nghèo

Theo khoản 10 Điều 18 Quyết định 595/QĐ-BHXH 2017 sửa đổi bởi Quyết định 505/QĐ-BHXH 2020 quy định như sau:

- Những người thuộc hộ gia đình cận nghèo, người thuộc hộ gia đình nghèo đa chiều u không thuộc trường hợp quy định tại điểm 3.7 khoản 3 Điều 17 Quyết định 595/QĐ-BHXH 2017  tham gia BHYT có mức đóng BHYT hằng tháng bằng 4,5% mức lương cơ sở do đối tượng tự đóng và được ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng.

- Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng BHYT đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo đang sinh sống tại các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững và các huyện được áp dụng cơ chế, chính sách theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP.

Do đó, mức đóng BHYT đối với người thuộc hộ nghèo, cận nghèo sẽ tăng lên từ 24.300 đồng/tháng (mức lương cơ sở 1.800.000) lên 31.590 đồng/tháng sau khi tăng lương cơ sở lên 2,34 triệu từ 01/7/2024.

(4) Tăng mức đóng BHYT đối với học sinh, sinh viên

Theo khoản 11 Điều 18 Quyết định 595/QĐ-BHXH 2017 thì học sinh, sinh viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân sẽ phải đóng BHYT với mức đóng hằng tháng bằng 4,5% mức lương cơ sở và được ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng.

Trước khi tăng lương cơ sở lên 2,34 triệu: Mức đóng BHYT của học sinh, sinh viên là 4,5% x 1.800.000 x 70% = 56.700 đồng/tháng.

Hiện tại, kể từ 01/7/2024 tăng lương cơ sở từ lên 2,34 triệu thì con số này sẽ tăng lên là 4,5% x 2.340.000 x 70% = 73.710 đồng/tháng.

Nguyễn Ngọc Trầm
170

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn