23/07/2020 07:52

TAND tối cao giải đáp vướng mắc về án ma túy

TAND tối cao giải đáp vướng mắc về án ma túy

TAND Tối cao đã giải đáp nhiều ý kiến, phản ánh vướng mắc liên quan đến việc áp dụng pháp luật khi giải quyết các vụ án về ma túy.

TAND Tối cao vừa ban hành công văn (số 89/TANDTC-PC) thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử. Trong văn bản, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã giải đáp nhiều ý kiến, phản ánh vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự, hành chính và dân sự. Đáng chú ý, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã giải đáp khá cụ thể về đường lối giải quyết các vụ án về ma túy.

“Tổ chức sử dụng” khác với “phạm tội có tổ chức”

Từ thắc mắc của các tòa, TAND Tối cao đã khái quát tình huống như sau: Đối tượng có hành vi đưa ma túy cho người khác sử dụng nhưng không phát hiện có người chỉ huy, phân công, điều hành đối tượng để đưa ma túy cho người khác sử dụng. Vậy trường hợp này có xử lý đối tượng là người trực tiếp đã cung cấp ma túy cho người khác về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy hay không?

Với tình huống trên, TAND Tối cao giải đáp: Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy không đồng nhất với khái niệm “phạm tội có tổ chức”. Theo quy định tại Điều 17 của BLHS thì phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.

Còn tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy được hiểu là thực hiện một trong các hành vi bố trí, sắp xếp, điều hành con người, phương tiện; cung cấp ma túy, điểm, phương tiện, dụng cụ… để thực hiện việc sử dụng trái phép chất ma túy.

Trong tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy cũng có đồng phạm nhưng đồng phạm ở đây được hiểu là thực hiện theo sự chỉ huy, phân công điều hành (không có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm, không bắt buộc phải có sự phân công, chỉ đạo, điều hành chặt chẽ trong các đồng phạm).

Do đó, hành vi cung cấp ma túy cho người khác sử dụng là một trong các hành vi “tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”. Người có hành vi này bị xử lý theo quy định tại Điều 255 của BLHS.

Rủ nhau sử dụng ma túy là “rủ rê, dụ dỗ”

Với câu hỏi “Trường hợp rủ nhau sử dụng trái phép chất ma túy thì có được xác định là rủ rê, dụ dỗ người khác sử dụng trái phép chất ma túy để xử lý hình sự theo quy định tại Điều 258 của BLHS hay không?”, TAND Tối cao giải đáp như sau:

Khoản 1 Điều 258 của BLHS quy định người nào rủ rê, dụ dỗ, xúi giục hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

Như vậy, người có hành vi dụ dỗ, khêu gợi sự ham muốn của người khác để họ sử dụng trái phép chất ma túy với mình thì thuộc trường hợp quy định tại Điều 258 của BLHS. Tuy nhiên, đối với trường hợp các con nghiện cùng nhau góp tiền, cùng nhau sử dụng ma túy thì không xác định là rủ rê, lôi kéo người khác sử dụng ma túy theo quy định tại Điều 258 của BLHS.

Ngoài ra, tình tiết “đối với hai người trở lên” (quy định tại điểm c khoản 2 Điều 251 BLHS - tội mua bán trái phép chất ma túy)được hiểu là trong một lần phạm tội với hai người trở lên hay bao gồm cả phạm tội từ hai lần trở lên nhưng mỗi lần là một người khác nhau? Tòa Tối cao giải đáp: Tình tiết “đối với hai người trở lên” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 251 BLHS được hiểu là trong một lần phạm tội, người phạm tội đã mua bán trái phép chất ma túy đối với từ hai người trở lên.

Đủ yếu tố cấu thành hai tội thì xử hai tội

Trong thực tiễn xét xử, các tòa cũng thường gặp tình huống đối tượng bị bắt quả tang bán ma túy, sau đó qua điều tra thu được một lượng ma túy khác mà đối tượng này cất giấu trong nhà, đối tượng khai vừa để sử dụng vừa để bán. Vậy xử lý đối tượng này về tội mua bán trái phép chất ma túy hay tội tàng trữ trái phép chất ma túy?

Về vấn đề này, TAND Tối cao giải đáp: Trường hợp này phải căn cứ vào hành vi và ý thức chủ quan của người phạm tội để xem xét trách nhiệm hình sự. Nếu các hành vi đủ yếu tố cấu thành của hai tội thì xem xét xử lý cả về hai tội theo quy định của BLHS.

Trường hợp bắt được đối tượng mua bán trái phép chất ma túy, sau đó đối tượng khai có tàng trữ trái phép chất ma túy ở nhà để sử dụng thì xem xét xử lý đối tượng này về tội mua bán trái phép chất ma túy và tội tàng trữ trái phép chất ma túy.

Trường hợp bắt được đối tượng mua bán trái phép ma túy, sau đó đối tượng tiếp tục khai còn tàng trữ ma túy trái phép ở nhà để mua bán thì cộng tổng khối lượng ma túy để xử lý về tội mua bán trái phép chất ma túy theo quy định của BLHS.

Mua bán không phải là ma túy, tội gì?

Theo TAND Tối cao, nếu theo kết luận giám định chất thu giữ không phải là ma túy nhưng người thực hiện hành vi mua bán, trao đổi… ý thức rằng đó là chất ma túy thì bị xử lý về tội mua bán trái phép chất ma túy theo quy định tại khoản 1 Điều 251 BLHS, nếu không có các tình tiết định khung tăng nặng khác.

Trường hợp một người biết là chất ma túy giả nhưng làm cho người khác tưởng là chất ma túy thật nên mua bán, trao đổi… thì sao? Tòa Tối cao cho rằng người đó không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm về ma túy mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 BLHS nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác nữa trong cấu thành tội phạm của tội này.

 Nguồn: Báo Pháp luật TP. HCM

8207

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn