Ta có thể hiểu đơn giản răng giấy biên nhận tiền mua đất là văn bản thể hiện sự giao nhận tiền giữa các bên tham gia giao dịch mua bán đất kèm theo chữ ký xác nhận. Khi lập giấy biên nhận tiền mua đất thì văn bản này sẽ có giá trị pháp lý về việc xác nhận đã có sự giao nhận tiền giữa người mua và người bán, qua đó hạn chế rủi ro pháp lý hay tranh chấp có thể xảy ra.
Trong nhiều trường hợp, khi lập giấy biên nhận tiền mua đất thường sẽ có thêm người làm chứng để gia tăng mức độ tin cậy.
Lưu ý: Thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo.
Pháp luật hiện hành chưa có quy định về mẫu giấy biên nhận tiền mua đất. Tuy nhiên giấy biên nhận tiền mua đất thường sẽ có các nội dung gồm: thông tin cá nhân, địa chỉ liên lạc của các bên giao nhận tiền; thời gian, địa điểm lập giấy giao nhận tiền; nội dung thỏa thuận và số tiền giao nhận;...
Dưới đây là 02 mẫu giấy biên nhận tiền mua đất được dùng nhiều mà bạn đọc có thể tham khảo thêm:
Mẫu giấy biên nhận tiền mua đất (Mẫu số 1)
Tải về mẫu giấy biên nhận tiền mua đất mẫu số 1: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/mau-giay-bien-nhan-tien-mua-dat-1.doc
Mẫu giấy biên nhận tiền mua đất viết tay (Mẫu số 2)
Tải về mẫu giấy biên nhận tiền mua đất viết tay mẫu số 2: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/mau-giay-bien-nhan-tien-mua-dat-2.doc
Khi viết giấy biên nhận tiền mua đất cần lưu ý môt số nội dung sau:
- Về thông tin cá nhân của các bên giao nhận tiền: Cần ghi đầy đủ, chính xác những nội dung gồm: Họ và tên, số CMND/CCCD/thẻ Căn Cước, hộ khẩu thường trú, nơi ở hiện tại,...
- Về số tiền giao nhận: Ghi rõ cụ thể số tiền, ghi cả bằng số và bằng chữ để tránh thêm hoặc bớt số khi ghi số tiền bằng số.
- Về nội dung thỏa thuận giữa các bên: Ghi đầy đủ, chính xác những nội dung mà các bên đã thỏa thuận khi giao nhận tiền, thông tin về mảnh đất giao dịch và quyền sở hữu mảnh đất sau khi các bên đã giao nhận tiền.
- Nếu có người làm chứng thì người này phải cung cấp đầy đủ các thông tin cá nhân và ghi vào trong giấy biên nhận tiền mua đất. Người làm chứng phải chứng kiến toàn bộ quá trình giao dịch của các bên và làm chứng về việc giao dịch hoàn toàn trên cơ sở tự nguyện, không có yếu tố ép buộc.
Giấy biên nhận tiền mua đất phải được lập thành 02 bản giao cho mỗi bên xác minh giao dịch thành công và làm căn cứ để giải quyết tranh chấp (nếu có). Việc thêm nội dung làm chứng sẽ tăng giá trị của giấy biên nhận tiền mua đất.
Tại Điều 116 Bộ luật dân sự 2015 quy định về giao dịch dân sự như sau:
Giao dịch dân sự
Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Theo đó, ta có thể thấy rằng việc các bên ký kết giấy biên nhận tiền mua đất tức là đã xác lập giao dịch dân sự về việc giao cho nhau một khoản tiền hoặc tài sản tương ứng với thỏa thuận. Vì vậy cho nên điều kiện để giây biên nhận tiền mua đất có hiệu lực pháp lý cũng chính là điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực.
Đối với điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự thì được quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự
1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.
Như vậy, để giây biên nhận tiền mua đất có hiệu lực pháp lý thì cần phải đáp ứng điều kiện:
- Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất;
- Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
- Mục đích và nội dung giao dịch không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội