19/08/2022 11:25

Tài sản đang thế chấp tại ngân hàng có được bán không?

Tài sản đang thế chấp tại ngân hàng có được bán không?

Tôi có bán lại một chiếc xe đang thế chấp ngân hàng, hai bên có thỏa thuận là tôi sẽ giao xe và bên mua sẽ đặt cọc trước một khoản và sau đó trả góp hàng tháng để tôi trả nợ cho ngân hàng, việc mua bán này phía ngân hàng không biết. Tuy nhiên sau khi nhận xe, bên mua thường xuyên trả tiền chậm trễ, tôi thường xuyên nhắc nhở nhưng hai bên vẫn không thỏa thuận được. Ban biên tập cho tôi hỏi giờ tôi muốn hủy hợp đồng mua bán xe có được không? ( Anh Huy – tp.HCM)

Chào anh, về vấn đề của anh, THƯ VIỆN BẢN ÁN có một số quan điểm như sau:

Đối với tài sản đang thế chấp, Bộ luật Dân sự có quy định:

 “Điều 320. Nghĩa vụ của bên thế chấp

1. Giao giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp luật có quy định khác.

2. Bảo quản, giữ gìn tài sản thế chấp.

3. Áp dụng các biện pháp cần thiết để khắc phục, kể cả phải ngừng việc khai thác công dụng tài sản thế chấp nếu do việc khai thác đó mà tài sản thế chấp có nguy cơ mất giá trị hoặc giảm sút giá trị.

4. Khi tài sản thế chấp bị hư hỏng thì trong một thời gian hợp lý bên thế chấp phải sửa chữa hoặc thay thế bằng tài sản khác có giá trị tương đương, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

5. Cung cấp thông tin về thực trạng tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp.

6. Giao tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp để xử lý khi thuộc một trong các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm quy định tại Điều 299 của Bộ luật này.

7. Thông báo cho bên nhận thế chấp về các quyền của người thứ ba đối với tài sản thế chấp, nếu có; trường hợp không thông báo thì bên nhận thế chấp có quyền hủy hợp đồng thế chấp tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc duy trì hợp đồng và chấp nhận quyền của người thứ ba đối với tài sản thế chấp.

8. Không được bán, thay thế, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 321 của Bộ luật này.”

 Khoản 4, 5 Điều 321 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

Điều 321. Quyền của bên thế chấp

4. Được bán, thay thế, trao đổi tài sản thế chấp, nếu tài sản đó là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Trong trường hợp này, quyền yêu cầu bên mua thanh toán tiền, số tiền thu được, tài sản hình thành từ số tiền thu được, tài sản được thay thế hoặc được trao đổi trở thành tài sản thế chấp.

Trường hợp tài sản thế chấp là kho hàng thì bên thế chấp được quyền thay thế hàng hóa trong kho, nhưng phải bảo đảm giá trị của hàng hóa trong kho đúng như thỏa thuận.

5. Được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nếu được bên nhận thế chấp đồng ý hoặc theo quy định của luật.”

Như vậy, pháp luật có quy định không được bán, thay thế, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp trừ trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 321 BLDS. Bản thân anh và người mua đều biết rõ chiếc xe đang thế chấp tại ngân hàng nhưng vẫn mua bán mà không có sự đồng ý của ngân hàng là vi phạm điều cấm của luật. Do đó có căn cứ xác định hợp đồng mua bán xe của anh với bên kia vô hiệu.

 Điều 131 Bộ luật Dân sự quy định hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu:

“1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.

2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.

3. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.

4. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.

5. Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định.”

Như vậy, khi giao dịch mua bán vô hiệu, các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận. Trong trường hợp này anh hoàn trả số tiền đã nhận cho bên bán và đồng thời được nhận lại xe về theo quy định của pháp luật.

Anh có thể tham khảo thêm một vụ việc tương tự đã được Tòa án xét xử tại Bản án 50/2021/DS-ST ngày 08/06/2021 về yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu và giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu, noi dung như sau:

Ngày 29/3/2016, bà L có mua một chiếc xe ô tô khách 16 chỗ ngồi của vợ chồng ông Nguyễn Đức Th, bà Lê Thị Minh T và hai bên tiến hành ký kết hợp đồng đặt cọc tại Văn phòng công chứng. Theo đó, bà đã đặt cọc cho vợ chồng ông Th, bà T số tiền 200.000.000 đồng; số tiền còn lại mỗi tháng bà trả 25.000.000 đồng về sau bà tự trả cho Ngân hàng và vợ chồng ông Th, bà T không chịu trách nhiệm với số tiền nói trên. Vợ chồng bà T giao xe cho bà sử dụng từ ngày 29/3/2016. Tại thời điểm ký kết hợp đồng đặt cọc, bà biết chiếc xe ô tô biển kiểm soát 92B-009.70 đang thế chấp tại Ngân hàng để vay vốn.

Văn bản thỏa thỏa tại Văn phòng công chứng An Phát có nội dung: “…Nếu trễ 03 ngày không đóng tiền thì bà T lấy xe và toàn bộ giấy tờ liên quan…”. Đến ngày 29/12/2016, bà T chặn xe lại không báo trước cho bà mà còn đuổi khách để lấy lại xe. Theo lời trình bày của bị đơn, việc các bên xảy ra tranh chấp là do lỗi của bà L không trả tiền hàng tháng đúng hạn như thỏa thuận nên bà đã lấy lại chiếc xe ô tô trên và hiện nay chiếc xe này bà đang quản lý. Bà L khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng mua bán xe vô hiệu.

Tòa án nhân dân huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam nhận định: Tại thời điểm giao dịch, các bên đều biết rõ chiếc xe này đang thế chấp tại Ngân hàng thương mại A nhưng các bên vẫn thực hiện việc mua bán mà không được sự đồng ý của Ngân hàng là vi phạm điều cấm của luật theo quy định tại khoản 8 Điều 320 của Bộ luật dân sự năm 2015 về nghĩa vụ của bên thế chấp: “Không được được bán, thay thế, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp...”. Do đó, cần tuyên bố Văn bản thỏa thuận về việc mua bán xe lập ngày 20/6/2016 giữa bà Trần Thị L và vợ chồng bà Lê Thị Minh T vô hiệu.

Về lỗi làm cho hợp đồng vô hiệu và trách nhiệm bồi thường thiệt hại của các bên: Khi xác lập việc mua bán tài sản là chiếc xe khách 16 chỗ ngồi, các bên đều biết chiếc xe này đang thế chấp nhưng vẫn giao kết hợp đồng về việc mua bán chiếc xe nêu trên là vi phạm điều cấm của luật quy định tại Điều 123 của Bộ luật dân sự năm 2015. Do vậy, trong trường hợp này lỗi của các bên là ngang nhau nên các bên phải có nghĩa vụ trả lại cho nhau những gì đã nhận là phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 131 của Bộ luật dân sự năm 2015. 

Từ những nhận định trên, Tòa án quyết định: Tuyên bố Văn bản thỏa thuận về việc mua bán xe ô tô vô hiệu. Giao chiếc xe ô tô cho vợ chồng bà Lê Thị Minh T và ông Nguyễn Đức Th. Buộc vợ chồng ông Nguyễn Đức Th và bà Lê Thị Minh T phải có nghĩa vụ liên đới trả cho bà Trần Thị L số tiền là 300.000.000.

Như vậy, nhìn chung đối với các giao dịch mua bán, cả người mua và người bán cần lưu ý và tìm hiểu kĩ quy định của pháp luật và tình trạng thực tế của tài sản đó trước khi quyết định giao kết hợp đồng để tránh xảy ra những tranh chấp sau này. 

Phương Uyên
15691

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn