Thực tế hiện nay có một số trường hợp vợ chồng trong thời gian chung sống tạo lập được tài sản chung nhất định. Sau đó, vợ chồng xảy ra mâu thuẫn nên sống ly thân. Trong thời gian vợ chồng sống ly thân, vợ hoặc chồng dùng tài sản chung của vợ chồng để tạo ra nguồn thu nhập khác hoặc có trường hợp vợ hoặc chồng có được thu nhập từ việc tặng, cho riêng… Khi ly hôn, họ tranh chấp về số tài sản có được trong thời gian vợ chồng ly thân. Vậy tài sản có được trong thời gian sống ly thân có phải là tài sản chung của vợ chồng?
Nội dung vụ việc như sau: Anh A và chị B trong thời gian chung sống tạo lập được khối tài sản chung gồm một thửa đất ruộng hơn 20.000m2, một căn nhà. Do mâu thuẫn nên vợ chồng anh A, chị B sống ly thân từ đầu năm 2018. Cuối năm 2018, anh A được người bạn mua tặng 02 tờ vé số. Sau đó, anh A trúng giải đặc biệt, lãnh thưởng hơn 03 tỷ đồng. Sau đó, chị B nộp đơn ly hôn anh A tại Tòa án nhân dân huyện X và yêu cầu anh A chia tài sản chung của vợ chồng gồm một thửa đất ruộng hơn 20.000m2, một căn nhà và số tiền anh A trúng thưởng vé số. Đối với tài sản chung của anh A, chị B gồm một thửa đất ruộng hơn 20.000m2, một căn nhà thì đã rõ. Tuy nhiên, đối với số tiền anh A trúng thưởng vé số hơn 03 tỷ đồng có phải là tài sản chung của vợ chồng anh A và chị B không thì có hai quan điểm khác nhau.
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì “Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung”. Theo đó, anh A được người bạn tặng 02 tờ vé số. Còn số tiền anh A trúng thưởng hơn 03 tỷ đồng là nguồn thu nhập hợp pháp khác của anh A trong thời kỳ hôn nhân. Vì vậy, cần xác định số tiền trúng thưởng vé số là tài sản chung của vợ chồng anh A và chị B.
Quan điểm thứ hai cũng là quan điểm của tác giả cho rằng: Tại Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định như sau: “1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng; 2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này”. Như vậy, việc người bạn của anh A chỉ tặng cho riêng anh A 02 tờ vé số. Do đó, tiền trúng thưởng hơn 03 tỷ đồng là tài sản phát sinh từ tài sản riêng của anh A. Do đó, cần xác định số tiền trúng thưởng vé số là tài sản riêng của anh A.
Theo quan điểm của tác giả thì hiện nay nhiều cặp vợ chồng vì nhiều lý do khác nhau dẫn đến mâu thuẫn và sống ly thân. Khi một bên khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn và có tranh chấp về tài sản có được trong thời gian vợ chồng sống ly thân thì cần làm rõ vấn đề sau:
Thứ nhất, nếu trong thời gian ly thân mà một bên vợ hoặc chồng dùng tài sản chung của vợ chồng có được trước đó để sản xuất, kinh doanh mà sinh hoa lợi, lợi tức hoặc có lợi nhuận… thì cần xác định đây là tài sản chung của vợ chồng có được trong thời ký hôn nhân. Khi giải quyết, Tòa án sẽ xem xét công sức của các bên mà phân chia sao cho đảm bảo quyền lợi của bên có công sức nhiều hơn.
Thứ hai, tài sản phát sinh từ tài sản riêng của một bên vợ hoặc chồng trong thời gian vợ chồng sống ly thân thì cần xác định đây là tài sản riêng của vợ hoặc chồng.
Trở lại nội dung vụ án trên thì rõ ràng số tiền trúng thưởng vé số có được do người bạn của anh A tặng cho riêng anh A 02 tờ vé số. Cho nên cần xác định số tiền trùng thưởng là tài sản riêng của anh A như quan điểm thứ hai.
Vụ việc trên cũng là vướng mắc thực tiễn hiện nay. Tác giả rất mong bạn đọc cùng trao đổi và thảo luận để nhận thức áp dụng pháp luật trong thực tiễn được thống nhất.
Nguồn: Theo Tạp chí Tòa án