Theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 có liệt kê tài sản bao gồm: vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.
Trong đó, bất động sản bao gồm đất đai; nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai; Tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng; tài sản khác theo quy định của pháp luật và động sản là những tài sản không phải là bất động sản.
Đồng thời, Bộ luật cũng đề cập tài sản hiện có là tài sản đã hình thành và chủ thể đã xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản trước hoặc tại thời điểm xác lập giao dịch. Tài sản hình thành trong tương lai bao gồm: Tài sản chưa hình thành; Tài sản đã hình thành nhưng chủ thể xác lập quyền sở hữu tài sản sau thời điểm xác lập giao dịch.
Quy định không đề cập tài sản có bảo lưu quyền sở hữu là một loại tài sản riêng, một loại tài sản độc lập so với tài sản được quy định trên. Tài sản có bảo lưu quyền sở hữu được phát sinh từ hợp đồng mua bán, cụ thể tại Điều 331 Bộ luật Dân sự 2015 có nêu:
- Trong hợp đồng mua bán, quyền sở hữu tài sản có thể được bên bán bảo lưu cho đến khi nghĩa vụ thanh toán được thực hiện đầy đủ.
- Bảo lưu quyền sở hữu phải được lập thành văn bản riêng hoặc được ghi trong hợp đồng mua bán.
- Bảo lưu quyền sở hữu phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký.
Như vậy, tài sản có bảo lưu quyền sở hữu được phát sinh từ hợp đồng mua bán tài sản có bảo lưu quyền sở hữu quyền sở hữu tài sản có thể được bên bán bảo lưu cho đến khi nghĩa vụ thanh toán được thực hiện đầy đủ bởi bên mua, tức sau khi bên mua hoàn thành nghĩa vụ thanh toán thì sẽ chuyển quyền sở hữu sang bên mua. Bảo lưu quyền sở hữu là một trong những biện pháp bảo đảm để thực hiện nghĩa vụ nhằm thực hiện hợp đồng.
Căn cứ quy định tại Điều 317 Bộ luật Dân sự 2015 có giải thích thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp). Khi đó, tài sản thế chấp sẽ do bên thế chấp giữ, hoặc các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp. Vậy đối với tài sản có bảo lưu quyền sở hữu thì có được dùng để bảo đảm, dùng để thế chấp thực hiện nghĩa vụ khác?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 295 Bộ luật Dân sự 2015 thì tài sản bảo đảm phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm, trừ trường hợp cầm giữ tài sản, bảo lưu quyền sở hữu. Và tại khoản 4 Điều 8 Nghị định 21/2021/NĐ-CP có đề cập tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ có bao gồm tài sản bán trong hợp đồng mua bán tài sản có bảo lưu quyền sở hữu. Nhưng như nội dung đề cập tại phần thứ nhất nêu trên thì tài sản có bảo lưu quyền sở hữu thì quyền sở hữu chưa được chuyển giao cho người mua mà để thực hiện việc thế chấp thì phải "dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia".
Nguyên tắc áp dụng pháp luật, nếu pháp luật chuyên ngành quy định phải ưu tiên áp dụng pháp luật chuyên ngành, nếu pháp luật chuyên ngành không có quy định thì mới áp dụng các quy định chung. Đối với biện pháp bảo đảm thế chấp đã được quy định rõ ràng tại Điều 317 Bộ luật Dân sự 2015 thì tài sản thế chấp phải thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp. Do đó, không thể áp dụng khoản 1 Điều 295 Bộ luật Dân sự năm 2015 để xác định tài sản có bảo lưu quyền sở hữu được dùng để thế chấp.
Như vậy, đối với tài sản có bảo lưu quyền sở hữu trong quan hệ hợp đồng mua bán thì tài sản này không được dùng để thế chấp bảo đảm thực hiện một nghĩa vụ khác.