21/10/2024 19:56

Sửa đổi quy định về đèn xanh, đèn vàng từ ngày 01/01/2025

Sửa đổi quy định về đèn xanh, đèn vàng từ ngày 01/01/2025

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 được Quốc hội thông qua ngày 27/6/2024, có hiệu lực từ ngày 01/01/2025. Trong đó, đã sửa đổi quy định về đèn xanh, đèn vàng của đèn giao thông.

1. Sửa đổi quy định về đèn xanh, đèn vàng từ ngày 01/01/2025

Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 đã sửa đổi quy định về đèn giao thông so với Luật Giao thông đường bộ 2008.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 11 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024, tín hiệu đèn giao thông có 03 màu, gồm: màu xanh, màu vàng, màu đỏ; có hiển thị thời gian hoặc không hiển thị thời gian. Người tham gia giao thông đường bộ phải chấp hành như sau:

- Tín hiệu đèn màu xanh là được đi; trường hợp người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang đi ở lòng đường, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường.

(Hiện hành, điểm a khoản 3 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định: Tín hiệu xanh là được đi)

- Tín hiệu đèn màu đỏ là cấm đi.

(Hiện hành, điểm b khoản 3 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định: Tín hiệu đỏ là cấm đi)

- Tín hiệu đèn màu vàng phải dừng lại trước vạch dừng; trường hợp đang đi trên vạch dừng hoặc đã đi qua vạch dừng mà tín hiệu đèn màu vàng thì được đi tiếp; trường hợp tín hiệu đèn màu vàng nhấp nháy, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ được đi nhưng phải quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường hoặc các phương tiện khác.

(Hiện hành, điểm c khoản 3 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định: Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường)

Như vậy, có thể thấy rằng tại Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 đã đặc biệt quan tâm đến quyền ưu tiên của người đi bộ, người khuyết tật.

2. Các trường hợp không được vượt xe khi tham gia giao thông từ ngày 01/01/2025

Theo quy định hiện hành tại khoản 5 Điều 14 Luật giao thông đường bộ 2008, có 06 trường hợp không được vượt xe khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 đã bổ sung thêm 04 trường hợp không được vượt xe khi tham gia giao thông từ ngày 01/1/2025.

Cụ thể, tại khoản 6 Điều 14 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024, có 10 trường hợp không được vượt xe khi tham gia giao thông, gồm:

(1) Khi không bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều này;

(2) Trên cầu hẹp có một làn đường;

(3) Đường cong có tầm nhìn bị hạn chế;

(4) Trên đường hai chiều tại khu vực đỉnh dốc có tầm nhìn bị hạn chế;

(5) Nơi đường giao nhau, đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt;

(6) Khi điều kiện thời tiết hoặc đường không bảo đảm an toàn cho việc vượt;

(7) Khi gặp xe ưu tiên;

(8) Ở phần đường dành cho người đi bộ qua đường;

(9) Khi có người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường;

(10) Trong hầm đường bộ.

Như vậy, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 đã bổ sung thêm 04 trường hợp không được vượt xe khi tham gia giao thông là: trên đường hai chiều tại khu vực đỉnh dốc có tầm nhìn bị hạn chế; ở phần đường dành cho người đi bộ qua đường; khi có người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường và trong hầm đường bộ.

3. Những hành vi mà người điều khiển, người ngồi trên xe máy không được làm khi tham gia giao thông

Căn cứ khoản 3, 4 Điều 33 Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định những hành vi mà người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy không được làm khi tham gia giao thông, gồm:

* Đối với người điều khiển xe:

- Đi xe dàn hàng ngang;

- Đi xe vào phần đường dành cho người đi bộ và phương tiện khác;

- Sử dụng ô, điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính;

- Sử dụng xe để kéo, đẩy xe khác, vật khác, mang, vác và chở vật cồng kềnh;

- Buông cả hai tay hoặc đi xe bằng một bánh đối với xe hai bánh, bằng hai bánh đối với xe ba bánh;

- Hành vi khác gây mất trật tự, an toàn giao thông.

* Đối với người ngồi trên xe:

- Mang, vác vật cồng kềnh;

- Sử dụng ô;

- Bám, kéo hoặc đẩy các phương tiện khác;

- Đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái;

- Hành vi khác gây mất trật tự, an toàn giao thông.

Ngoài những hành vi không được thực hiện khi tham gia giao thông theo quy định trên, thì người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách.

Nguyễn Phạm Hoàng Thuy
428

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]