18/10/2021 14:01

Sự việc đã được giải quyết bằng quyết định đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền

Sự việc đã được giải quyết bằng quyết định đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền

Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 quy định cụ thể các trường hợp Thẩm phán phải trả lại đơn khởi kiện, trong đó có trường hợp sự việc đã được giải quyết bằng quyết định đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cho thấy còn nhiều trường hợp Thẩm phán vẫn thụ lý giải quyết. Điều này đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, đồng thời gây nên sự chồng chéo về thẩm quyền trong công tác giải quyết tranh chấp của các cơ quan nhà nước.

1. Quy định của pháp luật

Sự việc đã được giải quyết bằng quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là một trong những căn cứ để Toà án trả lại đơn khởi kiện hoặc ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.

Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 192 BLTTDS năm 2015 về việc “Trả lại đơn khởi kiện, hậu quả của việc trả lại đơn khởi kiện” thì Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện trong các trường hợp sau đây: “Sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp vụ án mà Tòa án bác đơn yêu cầu ly hôn, yêu cầu thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại, yêu cầu thay đổi người quản lý tài sản, thay đổi người quản lý di sản, thay đổi người giám hộ hoặc vụ án đòi tài sản, đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà, đòi quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu và theo quy định của pháp luật được quyền khởi kiện lại”.

Theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 217 BLTTDS năm 2015 về việc “Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự” thì sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong trường hợp: “Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 192 của Bộ luật này mà Tòa án đã thụ lý”. 

Đồng thời, căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 218 BLTTDS năm 2015 về “Hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự” thì: “Khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 192, điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, đối với sự việc đã được giải quyết bằng một quyết định đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì Thẩm phán sẽ trả lại đơn khởi kiện, trong trường hợp sau khi thụ lý vụ án Toà án mới phát hiện sự việc này đã được giải quyết bằng một quyết định đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì Toà án sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Trong trường hợp Toà án đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự vì căn cứ nêu trên thì đương sự không có quyền khởi kiện lại đối với vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp.

2. Một tình huống cụ thể

Một trong những quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dẫn đến những bất cập trong công tác thụ lý giải quyết vụ việc dân sự của Toà án chính là quyết định giải quyết khiếu nại các tranh chấp về quyền sử dụng đất mà người sử dụng đất không không có giấy chứng nhận đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ví dụ một trường hợp tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dù đã quản lý và sử dụng nhiều năm như sau: Bà Đ.T.T.H (bà H) khởi kiện bà N.T,C (bà C) về “Tranh chấp quyền sử dụng đất” cho biết trước đây cha mẹ ông N.T.T (ông T là chồng của bà, chết năm 2007) là cụ N.T.K (cụ K) và cụ T.T.H (cụ H1) nhận chuyển nhượng của bà L.T.S diện tích 20.000ha cao su, trong đó diện tích đăng ký theo trích lục địa bộ năm 1973 là 17.000ha, diện tích chưa đăng ký khoảng hơn 4ha. Cụ K, cụ H1 nhận chuyển nhượng của bà H.T.M diện tích đất hơn 20.000ha cao su, trong đó diện tích đăng ký theo trích lục địa bộ năm 1973 là 17.000ha, diện tích chưa đăng ký khoảng hơn 4ha. Năm 1975, cụ K, cụ H1 đăng ký kê khai sử dụng toàn bộ diện tích đất trên với chính quyền địa phương. Khi cụ K, cụ H1 chết con là ông T đăng ký kê khai ruộng đất và được UBND xã M, huyện N, tỉnh Đ cấp giấy chứng nhận ngày 11/7/1992.

Toàn bộ diện tích đất trên gia đình bà luôn quản lý sử dụng ổn định. Ngày 08/12/1987, gia đình bà N.T.C (bà C) gặp nhiều khó khăn, nên ông T cho bà C tạm thời canh tác trên diện tích đất khoảng 2,5 sào để sản xuất hoa màu làm kinh tế thêm phụ gia đình. Ngày 09/10/1998, bà C làm đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Diện tích đất bà C xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là bà C mượn của gia đình bà canh tác, đất nằm trong hành lang lộ giới và đất đang có tranh chấp, Hội đồng xét duyệt cấp giấy chứng nhận xã M lại xác nhận nguồn gốc đất của bà C có “nguồn gốc ông T cho năm 1987 và bà C sử dụng ổn định phù hợp với quy hoạch”. Ngày 9/8/2002, UBND huyện N cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà C diện tích 2.526m2. Ngày 21/12/2006, UBND huyện N cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà C với diện tích 1.962m2 đất.

Bà C trình bày: Thời gian đầu lập nghiệp bà xin làm công nhân cạo mủ cho đồn điền cao su do ông T làm chủ. Tuy nhiên, do gia đình không có đất canh tác và gia đình phát cỏ, canh tác trên diện tích đất hiện đang có tranh chấp. Thực tế, bà và gia đình cũng không rõ đất thuộc quyền quản lý của ai. Lúc đó, ông T sinh sống ở Tp Hồ Chí Minh thỉnh thoảng có về trông coi đất và nói với bà là đất hiện gia đình bà đang canh tác là đất của ông T nên bà có ngỏ lời xin đất này để canh tác và được ông T đồng ý. Ngày 08/12/1987, ông T viết “giấy xác nhận” cho bà diện tích đất trên.

Năm 1995, ông T đã tranh chấp với bà. Năm 2000, gia đình ông T lại tiếp tục kiện gia đình bà đòi lại đất. Ngày 21/11/2000, UBND huyện N ban hành quyết định bác đơn khiếu nại của ông T, UBND tỉnh Đ ban hành quyết định bác đơn khiếu nại của ông T về việc tranh chấp diện tích đất mà đã cho gia đình bà từ năm 1987.

Thời điểm đó đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

TAND tỉnh Đ ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.

Ngày 12/12/2018, bà H kháng cáo với nội dung: Tòa án cấp sơ thẩm ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trái với quy định của pháp luật làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà.

Tại Quyết định giải quyết việc kháng cáo đối với quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, TANDCC tại Tp H: Chấp nhận một phần kháng cáo của bà H, hủy Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự sơ thẩm của TAND tỉnh Đ và chuyển hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh Đ tiếp tục giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.

3. Bình luận án

Về hướng giải quyết đối với vụ án này hiện nay còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng, cần chấp nhận yêu cầu của bà H buộc bà C trả lại diện tích đất nêu trên vì các lý do sau:

Thứ nhất, việc đình chỉ giải quyết vụ án “tranh chấp quyền sử dụng đất và yêu cầu huỷ quyết định giải quyết khiếu nại của Uỷ ban nhân dân” mà chưa xem xét đến yêu cầu huỷ Quyết định giải quyết khiếu nại của UBND huyện N và của UBND tỉnh Đ là bỏ sót yêu cầu khởi kiện của đương sự.

Thứ hai, việc đình chỉ giải quyết vụ án với nhận định: diện tích đất bà H tranh chấp với bà C đã được UBND tỉnh Đ giải quyết bằng quyết định có hiệu lực pháp luật là không đúng vì chính Quyết định của UBND tỉnh Đ đang là đối tượng bị khởi kiện nhưng chưa được giải quyết, nên không thể dùng làm căn cứ giải quyết yêu cầu khởi kiện tranh chấp đất đai. Hay nói cách khác, việc dùng một đối tượng đang bị khởi kiện nhưng chưa được xem xét làm căn cứ để đình chỉ vụ án về một đối tượng khác đang bị khởi kiện là không phù hợp với quy định tại điểm c khoản 1 Điều 192 và điểm g khoản 1 Điều 217 BLTTDS năm 2015.

Quan điểm thứ hai, không chấp nhận yêu cầu của bà H buộc bà C trả lại diện tích đất trên vì các lý do sau:

Thứ nhất, điện tích 1.962m2 đất các đương sự có tranh chấp là thửa đất số 72, tờ bản đồ số 17, tại xã M, huyện N, tỉnh Đ. Năm 1995, ông T (là chồng bà H) đã có tranh chấp với bà C, nhưng tại thời điểm đó đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND theo Điều 38 Luật đất đai năm 1993.

Thứ hai, UBND huyện N có Quyết định giải quyết khiếu nại lần 1 ngày 21/11/2000 và UBND tỉnh Đ có Quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 ngày 19/12/2001. Theo điểm c khoản 2 Điều 38 Luật đất đai năm 1993 thì quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 có hiệu lực thi hành. Nay bà H vợ ông T lại có tranh chấp diện tích đất trên với bà C mà diện tích đất tranh chấp đã được giải quyết bằng quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND tỉnh Đ rồi là không có căn cứ.

Theo quan điểm của tác giả: Diện tích 1.962m2 đất các đương sự có tranh chấp là thửa đất số 72 (thửa cũ 56), tờ bản đồ số 17, tại xã M, huyện N, tỉnh Đ.

Năm 1995, ông T (là chồng bà H) đã có tranh chấp với bà C, nhưng tại thời điểm đó đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND theo khoản 2 Điều 38 Luật Đất đai năm 1993 quy định:

Các tranh chấp về quyền sử dụng đất mà người sử dụng đất không có giấy chứng nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì do Uỷ ban nhân dân giải quyết theo quy định sau đây:

a) Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh giải quyết các tranh chấp giữa cá nhân, hộ gia đình với nhau, giữa cá nhân, hộ gia đình với tổ chức, giữa tổ chức với tổ chức nếu các tổ chức đó thuộc quyền quản lý của mình;

b) Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giải quyết các tranh chấp giữa tổ chức với tổ chức, giữa tổ chức với hộ gia đình, cá nhân nếu tổ chức đó thuộc quyền quản lý của mình hoặc của Trung ương;

c) Trong trường hợp không đồng ý với quyết định của Uỷ ban nhân dân đã giải quyết tranh chấp, đương sự có quyền khiếu nại lên cơ quan hành chính Nhà nước cấp trên. Quyết định của cơ quan hành chính Nhà nước cấp trên trực tiếp có hiệu lực thi hành”.

Tại điểm c khoản 2 Điều 38 Luật Đất đai năm 1993 quy định “Trong trường hợp không đồng ý với quyết định của Uỷ ban nhân dân đã giải quyết tranh chấp, đương sự có quyền khiếu nại lên cơ quan hành chính Nhà nước cấp trên. Quyết định của cơ quan hành chính Nhà nước cấp trên trực tiếp có hiệu lực thi hành”.

Ngày 21/11/2000, UBND huyện N có Quyết định giải quyết khiếu nại lần 1 với nội dung: Bác đơn khiếu nại của ông T về việc đòi lại diện tích đất 2.152,15m2 mà ông T đã viết giấy cho bà C ngày 08/12/1987; Căn nhà bà C nằm trong hành lang bảo vệ đường bộ và bảo vệ lưới điện quốc gia, yêu cầu bà C tự tháo bỏ. Ngày 19/12/2001, UBND tỉnh Đ có Quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 với nội dung: Công nhận quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND huyện N về việc giải quyết khiếu nại của ông T và bà C là đúng với quy định của pháp luật; Bác đơn khiếu nại của ông T về 2.658m2 đất thuộc thửa đất số 56 (cũ). Như vậy, quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND tỉnh Đ là quyết định có hiệu lực thi hành.

Ngày 4/8/2002, bà C được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngày 21/12/2006, bà C được cấp đổi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm đình chỉ giải quyết vụ án là đúng theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 192 và điểm g khoản 1 Điều 217 BLTTDS năm 2015. Theo đó, điểm c khoản 2 Điều 192 BLTTDS năm 2015 quy định trường hợp Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện: “Sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp vụ án mà Tòa án bác đơn yêu cầu ly hôn, yêu cầu thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại, yêu cầu thay đổi người quản lý tài sản, thay đổi người quản lý di sản, thay đổi người giám hộ hoặc vụ án đòi tài sản, đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà, đòi quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu và theo quy định của pháp luật được quyền khởi kiện lại”, và điểm g khoản 1 Điều 217 BLTTDS năm 2015 quy định sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 192 của Bộ luật này mà Tòa án đã thụ lý. Còn Tòa án cấp phúc thẩm hủy quyết định đình chỉ giải quyết của Tòa án cấp sơ thẩm là không có cơ sở pháp luật.

Luật gia VÕ NGỌC BÌNH

Nguồn: Tạp chí Tòa án

1522

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn