23/03/2020 16:42

Sự khác nhau giữa Phòng công chứng và Văn phòng công chứng

Sự khác nhau giữa Phòng công chứng và Văn phòng công chứng

Phòng công chứng và Văn phòng công chứng là hai tổ chức hành nghề công chứng khác nhau, tuy nhiên không ít người nhầm tưởng rằng hai tổ chức này là một. Dưới đây là những tiêu chí cơ bản giúp mọi người thấy được sự khác nhau của hai tổ chức trên:

Tiêu chí

Phòng công chứng

Văn phòng công chứng

Pháp luật điều chỉnh

- Luật công chứng

- Luật công chứng

- Luật doanh nghiệp (vì Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động như một loại hình công ty hợp danh)

Địa vị pháp lý

- Là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp, có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng.

 

CSPL: Khoản 2 Điều 19 Luật Công chứng 2014

- Là công ty hợp danh, có từ hai công chứng viên hợp danh trở lên.

- Văn phòng công chứng không có thành viên góp vốn.

- Văn phòng công chứng có con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính bằng nguồn thu từ phí công chứng, thù lao công chứng và các nguồn thu hợp pháp khác.

 

CSPL: Khoản 1, 4 Điều 22 Luật Công chứng 2014

Thành lập

- Phòng công chứng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập.

- Căn cứ vào nhu cầu công chứng tại địa phương, Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Nội vụ xây dựng đề án thành lập Phòng công chứng trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.

 

CSPL: Khoản 1 Điều 19, Khoản 1 Điều 20 Luật Công chứng 2014

- Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật Công chứng và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đối với loại hình công ty hợp danh.

- Các công chứng viên thành lập Văn phòng công chứng phải có hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.

 

CSPL: Khoản 1 Điều 22, Khoản 1 Điều 23 Luật Công chứng 2014

 

Tên gọi

Tên gọi bao gồm cụm từ “Phòng công chứng” kèm theo số thứ tự thành lập và tên của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Phòng công chứng được thành lập.

 

CSPL: Khoản 3 Điều 19, Khoản 1 Điều 20 Luật Công chứng 2014

Tên gọi bao gồm cụm từ “Văn phòng công chứng” kèm theo họ tên của Trưởng Văn phòng hoặc họ tên của một công chứng viên hợp danh khác của Văn phòng công chứng do các công chứng viên hợp danh thỏa thuận, không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của tổ chức hành nghề công chứng khác, không được vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

 

CSPL: Khoản 3 Điều 22 Luật Công chứng 2014

Người đại diện

Người đại diện theo pháp luật của Phòng công chứng là Trưởng phòng. Trưởng phòng công chứng phải là công chứng viên, do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.

 

CSPL: Khoản 2 Điều 19, Khoản 1 Điều 20 Luật Công chứng 2014

Người đại diện theo pháp luật của Văn phòng công chứng là Trưởng Văn phòng. Trưởng Văn phòng công chứng phải là công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng và đã hành nghề công chứng từ 02 năm trở lên.

 

CSPL: Khoản 2 Điều 22 Luật Công chứng 2014

Trách nhiệm tài sản

Là đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước thành lập, vì vậy khi phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì Nhà nước sẽ trả.

Văn phòng công chứng do cá nhân tự chịu trách nhiệm tài sản.


Mặc dù có sự khác biệt, tuy nhiên Phòng công chứng và Văn phòng công chứng có những điểm giống nhau sau đây:

- Đều mang tính chất công (việc hành nghề công chứng).

- Nhiệm vụ và trách nhiệm nghề nghiệp như nhau.

- Việc thành lập đều được do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định thành lập, không phải thông qua Bộ Tư pháp.

- Giá trị pháp lý không có sự phân biệt.

- Không có sự phân biệt về quyền và nghĩa vụ.

- Đều phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên của mình.

Thu Linh
20804

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]