Chào chị Ban biên tập xin giải đáp như sau:
Theo Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi tại khoản 82 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 quy định cụ thể các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả bao gồm:
- Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm:
+ Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;
+ Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;
+ Tác phẩm báo chí;
+ Tác phẩm âm nhạc;
+ Tác phẩm sân khấu;
+ Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự (sau đây gọi chung là tác phẩm điện ảnh);
+ Tác phẩm mỹ thuật, mỹ thuật ứng dụng;
+ Tác phẩm nhiếp ảnh;
+ Tác phẩm kiến trúc;
+ Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học;
+ Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian;
+ Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.
- Tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ theo quy định theo khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh.
- Các tác phẩm được bảo hộ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 phải do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác.
Như vậy, theo quy định trên thì nhạc bản quyền Youtube là loại hình tác phẩm âm nhạc được bảo hộ quyền tác giả.
Theo quy tắc về bản quyền trên Youtube như sau:
“Nhà sáng tạo chỉ được đăng tải những video mà mình sản xuất hoặc có quyền sử dụng. Điều đó có nghĩa là họ không được phép đăng tải video mà họ không sản xuất hoặc sử dụng trái phép nội dung có bản quyền của người khác trong video của mình, chẳng hạn như các bản nhạc, trích đoạn từ chương trình có bản quyền hoặc video do người dùng khác sản xuất, khi chưa có sự cho phép cần thiết.”
Theo đó, Youtube không cho phép người khác đăng tải video mà họ không sản xuất hoặc sử dụng trái phép nội dung có bản quyền của tác giả như các bản nhạc, trích đoạn từ chương trình có bản quyền hoặc video do người dùng khác sản xuất, khi chưa có sự cho phép cần thiết.
Trường hợp người nào vi phạm bản quyền nếu chủ sở hữu bản quyền gửi đơn khiếu nại hợp lệ theo DMCA (Luật bản quyền năm 1998 của Hoa Kỳ) thông qua biểu mẫu web, Youtube sẽ gỡ bỏ video đó và đưa ra cảnh cáo vi phạm bản quyền. Nếu một người dùng phải nhận 3 cảnh cáo vi phạm bản quyền trong 90 ngày, tài khoản của họ cùng với mọi kênh liên kết đều sẽ bị chấm dứt.
Như vậy, người sử dụng nhạc bản quyền Youtube không xin phép có thể chịu các hình thức cảnh cáo vi phạm bản quyền của Youtube.
Theo Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định về các mức xử phạt hành chính đối với các hành vi xâm phạm tác phẩm âm nhạc như sau:
Đối với hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả
Theo Điều 18 Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định mức phạt hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả như sau:
- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng.
- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.
Đối với hành vi sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại
Theo Điều 29 Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định mức phạt hành vi sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại như sau:
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng
+ Đối với hành vi sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại trong nhà hàng, cơ sở lưu trú du lịch, cửa hàng, siêu thị mà không trả tiền sử dụng cho chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan theo quy định.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng
+ Sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại để phát sóng mà không trả tiền sử dụng cho chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan theo quy định;
+ Sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại trong lĩnh vực hàng không, giao thông công cộng và các hoạt động kinh doanh thương mại khác mà không trả tiền sử dụng cho chủ sở hữu theo quy định.
- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng
+ Đối với hành vi sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại trong cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ bưu chính viễn thông, môi trường kỹ thuật số mà không trả tiền sử dụng cho chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan theo quy định.
- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc dỡ bỏ bản sao bản ghi âm, ghi hình dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng và kỹ thuật số đối với hành vi quy định.
Cụm từ “trên môi trường internet” được thay thế bằng cụm từ “trên môi trường mạng” khoản 2 Điều 3 Nghị định 28/2017/NĐ-CP.
Ngoài ra, theo Điều 225 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 52 Điều 1 Bộ luật Hình sự 2017 quy định như sau:
Người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà cố ý thực hiện một trong các hành vi sau đây:
- Xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
+ Sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình;
+ Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình.
Như vậy, hành vi sử dụng nhạc bản quyền Youtube không xin phép ngoài việc chịu các hình thức cảnh cáo vi phạm bản quyền còn có thể bị xử phạt hành chính và nặng hơn là bị xử lý hình sự.