16/01/2020 07:36

Sự cần thiết trong việc đảm bảo hình thức hợp đồng góp hụi

Sự cần thiết trong việc đảm bảo hình thức hợp đồng góp hụi

Tại nhiều địa phương hình thức góp hụi đã không còn mấy xa lạ. Bên cạnh những lợi ích từ việc chơi hụi như nhằm tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn về tài chính, huy động nguồn vốn để người dân có thể phát triển sản xuất, phục vụ kinh tế gia đình thì hụi cũng là hình thức đầy rủi ro. Xuất phát từ việc không phải ai tham gia cũng biết có những quy định pháp luật về họ hụi, niêu, phường. Sự thiếu hiểu biết pháp luật cũng như chủ quan đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc khi có tranh chấp xảy ra giữa các bên.

Tại bản án dân sự phúc thẩm số 16/2018/DS-PT ngày 23/01/2018 về tranh chấp hụi giữa nguyên đơn là bà Văn Kiều N và bị đơn là bà Nguyễn Thị N1 có nội dung như sau:

Bà nguyễn Thị N1 có tham gia chơi hụi của bà 10 chưng hụi ngày (mỗi chưng 50.000 đồng, có 67 chưng, hụi khui ngày 04/10/2016) và một chưng hụi nữa tháng, loại hụi 3.000.000 đồng, khui ngày 15/03/2016, có 35 chưng. Cụ thể:

Dây hụi ngày 50.000 đồng, có 67 chưng, khui ngày 04/10/2016, bà Nguyễn Thị N1 chơi 10 chưng bà Nguyễn Thị N1 hốt hụi ngày 15/10/2016 số tiền 30.300.000 đồng, sau đó bà Nguyễn Thị N1 có đóng lại hụi chết từ ngày hốt hụi đến ngày 21/11/2016, từ ngày 21/11/2016 đến ngày mãn hụi ngày 10/12/2016 còn lại 19 kỳ hụi chết bà Nguyễn Thị N1 chưa đóng bằng số tiền 9.500.000 đồng.

Dây hụi 3.000.000 đồng, nữa tháng khui một lần, có 35 chưng, khui lần đầu ngày 15/03/2016 (âm lịch), hụi chưa mãn, bà Nguyễn Thị N1 đã hốt hụi ngày 30/3/2016 số tiền 84.660.000 đồng (bỏ hốt hụi là 480.000 đồng), sau khi hốt hụi bà Nguyễn Thị N1 đóng lại được 15 kỳ hụi chết (đóng đến ngày 15/11/2016), kể từ ngày 16/11/2016 (kỳ hụi thứ 16) bà Nguyễn Thị N1 không đóng hụi chết cho đến ngày 15/4/2017 (kỳ khui hụi thứ 25), bà Nguyễn Thị N1 còn nợ 09 kỳ hụi chết không đóng số tiền 27.000.000 đồng. Từ ngày 15/4/2017 đến ngày mãn hụi là ngày 30/8/2017 còn thêm 09 kỳ hụi nữa bằng số tiền 27.000.000 đồng. Tổng số tiền bà N1 không đóng hụi chết từ ngày 16/11/2016 đến ngày mãn hụi ngày 30/8/2017 là 18 kỳ bằng 54.000.000 đồng. Tuy nhiên, do dây hụi này chưa mãn, bà Văn Kiều N chỉ yêu cầu bà Nguyễn Thị N1 trả 09 kỳ hụi chết chưa đóng tính đến ngày 15/4/2017 số tiền 27.000.000 đồng.

Bà Nguyễn Thị N1 không đồng ý trả tiền nợ hụi theo yêu cầu khởi kiện của bà Văn Kiều N vì cho rằng mình không có tham gia chơi hụi với bà Văn Kiều N1. Nếu tham gia chơi hụi thì phải có danh sách hụi viên và tất cả các hụi viên phải ký vào danh sách thành viên dây hụi, khi giao nhận hụi không có biên nhận nhận tiền hụi. Việc bà Văn Kiều N yêu cầu chỉ căn cứ vào danh sách hụi do chính bà lập và của những người làm chứng, việc lập danh sách hụi này sơ xài ai lập cũng được, ngoài ra bà Văn Kiều N không có bất cứ chứng cứ nào khác.”

Tại phiên tòa phúc thẩm Tòa án nhân đan tỉnh Bạc Liêu đã ra quyết định không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Văn Kiều N đòi bà Nguyễn Thị N1 trả số tiền hụi 27.000.000 đồng của dây hụi 3.000.000 đồng, khui ngày 15/03/2016, tiền hụi tính đến ngày 15/4/2017 và trả số tiền hụi 9.500.000 đồng của dây hụi 50.000 đồng, khui ngày 04/10/2016. Tổng cộng: 36.500.000 đồng.

Đã có rất nhiều vụ vỡ họ, hụi, phường xảy ra dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng song việc thực hiện pháp luật vẫn chưa thực sự đồng bộ. Các dây hụi, phường thường được hình thành dựa vào sự quen biết hay lòng tin giữa các thành viên tham gia do đó các giao dịch hầu hết thực hiện bằng miệng, hay những mảnh giấy ghi nhận đóng hụi, nhận tiền hụi sơ sài không chữ kí không công chứng, chứng thực. Và dĩ nhiên, khi có một bên ôm số tiền hụi bỏ trốn hoặc các bên có tranh chấp xảy ra thì các chứng cứ trên không đủ cơ sở pháp lý cần thiết để Tòa án giải quyết vụ án, việc đòi lại tài sản của các thành viên là hết sức khó khăn.

Pháp luật có quy định về hình thức thỏa thuận của họ, hụi biêu, phường tại Điều 7 Nghị định 144/2006/NĐ-CP về họ, hụi, biêu, phường

Điều 7. Hình thức thoả thuận về họ

Thoả thuận về họ được thể hiện bằng lời nói hoặc bằng văn bản. Văn bản thoả thuận về họ được công chứng, chứng thực nếu những người tham gia họ có yêu cầu.

Như vậy, tại thời điểm này pháp luật chấp nhận cả hai hình thức thõa thuận của họ hụi biêu, phường là bằng miệng hoặc bằng văn bản. Khi không có giấy tờ thoả thuận, các bên vẫn có thể nộp đơn khởi kiện nếu chứng minh được sự tồn tại của thoả thuận về họ, hụi.

Tuy nhiên, việc chứng minh là rất phức tạp và cơ hội để lấy lại số tiền đã mất là khá mong manh. Để khắc phục những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 19/2019/NĐ-CP về họ, hụi, biêu, phường đã quy định hình thức thõa thuận về hụi phải được lập thành văn bản.

Điều 7. Hình thức thoả thuận về dây họ

1. Thoả thuận về dây họ được thể hiện bằng văn bản. Văn bản thoả thuận về dây họ được công chứng, chứng thực nếu những người tham gia dây họ yêu cầu.

...

Các thành viên trong dây hụi thường dựa vào mối quan hệ quen biết và sự tin tưởng lẫn nhau nên việc công chứng, chứng thực các giấy tờ giao dịch mỗi lần góp hụi hay rút hụi là rất ít do thủ tục phức tạp, tốn thời gian hoặc họ không lường trước được những nguy cơ có thể xảy ra. Việc công chứng chứng giao dịch hụi vì thế cũng bị xem nhẹ để đến khi có tranh chấp xảy ra thì các giấy tờ đó là chứng cứ có tính xác thực, có thể làm bằng chứng cung cấp cho Tòa án.

Hiểu rõ các quy định pháp luật và thực hiện theo đúng chính sách của pháp luật là nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của cá nhân cũng như góp phần giúp nhà nước quản lý về họ hụi, biêu, phường.

Như Ý
3576

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn