13/09/2024 18:34

Sổ tay hướng dẫn xử lý nước an toàn tạm thời dùng cho sinh hoạt trong khi ngập lụt do bão Yagi

Sổ tay hướng dẫn xử lý nước an toàn tạm thời dùng cho sinh hoạt trong khi ngập lụt do bão Yagi

Bão Yagi và lũ lụt để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng về môi trường, dưới đây, là hướng dẫn xử lý nước sạch sinh hoạt và vệ sinh môi trường trong khi ngập lụt do Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) ban hành.

Hướng dẫn xử lý nước an toàn tạm thời dùng cho sinh hoạt trong khi ngập lụt

Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) đã có Công văn 480/MT-SKMT ngày 06/9/2024 gửi Sở Y tế 63 tỉnh, thành phố về việc tập trung ứng phó bão lũ số 3 (bão Yagi) và mưa lũ.

Công văn 480/MT-SKMT: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/Cong-van-480.pdf

Theo đó, phụ lục ban hành kèm theo Công văn 480/MT-SKMT có hướng dẫn xử lý nước và vệ sinh môi trường mùa bão lụt.

Sổ tay hướng dẫn xử lý nước và vệ sinh môi trường mùa bão lụt: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/huong-dan-xu-ly-nuoc-vsmt-mua-bao-lu.pdf

Cụ thể, xử lý nước an toàn tạm thời dùng cho sinh hoạt trong khi ngập lụt như sau:

Nên lựa chọn nước mưa, nước giếng đào, nước giếng khoan để xử lý. Trong trường hợp phải sử dụng nước ao hồ, sông suối, kênh rạch thì cần lựa chọn những điểm có khả năng ít bị ô nhiễm nhất, cố gắng lấy nước càng xa bờ càng tốt để xử lý theo 03 bước sau đây:

Bước 1: Làm trong nước

 Có nhiều cách làm trong nước, đơn giản nhất là dùng phèn chua hoặc lọc bằng vải sạch.

 - Làm trong bằng phèn chua: Dùng phèn chua với liều lượng 1g phèn chua (một miếng bằng khoảng nửa đốt ngón tay) cho 20 lít nước. Múc một gáo nước, hoà lượng phèn tương đương thể tích nước cần làm trong cho tan hết, cho vào dụng cụ chứa nước và khuấy đều, chờ khoảng 30 phút cho cặn lắng hết xuống đáy rồi gạn lấy nước trong.

 - Nếu không có phèn chua thì có thể dùng vải sạch để lọc nước, giữ lại các cặn bẩn, làm vài lần cho đến khi được nước trong (Lưu ý vải lọc bằng cốt tông để lọc nước đi qua được, cần thay vải khi thấy cặn trên vải lọc nhiều).

 Lưu ý: Trong trường hợp phải sử dụng nguồn nước bề mặt quá đục hoặc nhiều phù sa cần lọc bỏ bớt phù sa bằng các lớp vải màn trước khi làm trong nước.

Bước 2: Khử khuẩn nước

Sau khi nước đã được làm trong cần tiến hành khử khuẩn nước.

- Bằng các chế phẩm khử khuẩn:

 Khử khuẩn nước bằng các chế phẩm khử khuẩn nước sinh hoạt đã được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành còn hiệu lực và hạn sử dụng. Thực hiện khử khuẩn theo đúng hướng dẫn sử dụng trên nhãn sản phẩm hoặc hướng dẫn của cán bộ y tế.

Lưu ý:

+ Nước đã được khử khuẩn có thể sử dụng cho mục đích sinh hoạt.

+ Nếu sử dụng các các chế phẩm có hoạt chất khử khuẩn là Clo, sau khi khử khuẩn ngửi thấy mùi Clo thì việc khử khuẩn mới có tác dụng. Nếu lỡ cho quá nhiều Clo cần mở nắp, chờ thêm nửa giờ hoặc một giờ nữa cho bớt mùi rồi mới sử dụng.

 + Việc khử khuẩn nước bằng hóa chất dạng bột cần được thực hiện theo hướng dẫn của các cán bộ y tế có chuyên môn. 

+ Trước khi tiến hành khử khuẩn cần kiểm tra hạn sử dụng của chế phẩm trên nhãn sản phẩm.

- Sử dụng các thiết bị lọc nước:

Ngoài các biện pháp xử lý nước như trên, hộ gia đình có thể sử dụng thêm thiết bị lọc để xử lý nước. Hiệu quả lọc nước của thiết bị phụ thuộc vào chất lượng nước đầu vào, công nghệ lọc, tình trạng và chất lượng của thiết bị lọc, thời gian sử dụng… Hiện nay có nhiều loại thiết bị lọc nước của nhiều hãng với các loại công nghệ khác nhau thì tuân thủ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất để đảm bảo hiệu quả lọc nước.

Lưu ý: sử dụng nước đã được làm trong ở bước 1 để tránh bít tắc thiết bị lọc.

Bước 3: Trữ nước an toàn

Nước sau khi được khử khuẩn cần được lưu trữ an toàn trong các dụng cụ chứa nước sạch có nắp đậy để tránh muỗi đẻ trứng và tái nhiễm bẩn.

Lưu ý: Có thể sử dụng các nguồn nước an toàn khác như nước đóng chai, đóng bình hoặc nước đã đun sôi.

Hướng dẫn xử lý vệ sinh môi trường trong khi ngập lụt

(1) Xử lý rác trong khi ngập lụt

Đối với các lán trại cho nhân dân sơ tán tránh bão lụt, nên đào các rãnh có chiều rộng 1m; chiều dài 1,5m; sâu 2m. Rác được đổ vào rãnh, hàng ngày rắc một lớp đất lên mặt rác. Một hố như vậy có thể dùng cho 200 người trong một tuần rồi lấp bằng một lớp đất dày 40cm lèn chặt.

 Nếu có điều kiện có thể cung cấp các thùng đựng rác thể tích từ 50 đến 100 lít cho 12 - 25 người dùng tại các khu vượt lũ. Khi đầy thùng phải mang đi chôn hoặc đốt.

(2) Quản lý gia súc, gia cầm và xử lý xác súc vật khi ngập lụt

Trong khi ngập lụt, gia súc và gia cầm phải được quản lý chặt chẽ, không thả rông gia súc, gia cầm để tránh làm ô nhiễm môi trường. Làm vệ sinh chuồng trại và tẩy uế hàng ngày bằng các loại hoá chất khử khuẩn thông thường như: vôi bột, Chloramin B.

Nếu thấy gia súc, gia cầm có biểu hiện mắc bệnh phải cách li hoặc đem tiêu huỷ (chôn hoặc đốt) đúng theo quy định.

Lưu ý:

Trước khi chôn xác súc vật chết hoặc bị bệnh cần xử lý bằng vôi bột hoặc hoá chất sát trùng, tốt nhất là bao gói kín bằng vật liệu không thấm nước và chôn ở nơi đất cao, xa nguồn nước và khu dân cư. Đào hố chôn sao cho tất cả xác súc vật được vùi sâu dưới đất ít nhất 0,8 m, đổ 2 - 3 kg vôi bột lên trên, hoặc phun dung dịch hoá chất khử khuẩn, tẩy uế rồi lấp đất, lèn chặt. Cắm biển báo hiệu nơi chôn xác súc vật để tránh bị đào bới. Trường hợp phải chôn ở nơi có nguy cơ ngập nước thì phải lèn chặt bằng đất đá không để xác súc vật nổi lên. Những nơi có điều kiện có thể thiêu huỷ xác động vật chết.

(3) Xử lý tạm thời phân người khi ngập lụt

Đối với các hộ gia đình, cần tận dụng những chỗ đất cao, chưa bị ngập, đào những hố nhỏ mỗi chiều 0,5m để làm hố tiêu tạm thời. Những hố tiêu này nên làm cách xa nhà ở và nguồn nước để hạn chế sự phát tán mầm bệnh.

Khi có sơ tán dân cư đến các nơi vượt lũ, sống trong các lều, trại dựng tạm thì tận dụng những chỗ đất cao, chưa bị ngập, tùy theo khả năng có thể đào các hố tiêu theo các kiểu sau:

 - Hố tiêu nông cho 100 người dùng: bề rộng 30 cm hoặc hẹp hơn; chiều dài 300 - 350 cm; chiều sâu 90- 150 cm.

 - Hố tiêu sâu cho 100 người sử dụng: bề rộng 75 - 90 cm; chiều dài 300 - 350 cm; chiều sâu 180 - 240 cm.

Những hố tiêu này nên làm cách xa nhà ở và nguồn nước trên 50 m để hạn chế sự phát tán mầm bệnh. Khi sử dụng xong dùng tro hoặc đất lấp lại, khi kết thúc sơ tán phải lấp kín và lèn chặt đất.

Nếu có điều kiện bố trí các nhà tiêu di động thì áp dụng tiêu chuẩn một chỗ ngồi cho 30 người, đặt cách xa lán trại 50 m.

Ở những nơi nước ngập cao mà không kịp sơ tán hoặc vì lý do nào đó mà phải ở lại nơi ngập lụt thì có thể xử lý tạm thời bằng cách dùng thùng, chậu, rổ... lót nilông, đổ tro, trấu hoặc đất vào, đi tiểu vào đó rồi treo phía ngoài nhà hoặc trên cây chờ khi nước rút đem đi chôn.

(4) Chôn cất tử thi trong khi ngập lụt

Tử thi phải được chôn ở các nghĩa trang. 

Trong trường hợp nghĩa trang bị ngập nước, tử thi phải được chôn ở nơi đất cao đã được địa phương bố trí trước và phải được đánh dấu để dễ tìm lại. 

Trường hợp tử thi có hiện tượng bốc mùi hoặc thối rữa thì phải xử lý bằng chế phẩm khử khuẩn và phải được bao gói kín tránh gây ô nhiễm môi trường. 

Những nơi có hỏa táng thì nên chở đến nơi có lò hỏa táng càng sớm càng tốt.

Xem thêm tại Sổ tay hướng dẫn xử lý nước và vệ sinh môi trường mùa bão lụt: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/huong-dan-xu-ly-nuoc-vsmt-mua-bao-lu.pdf

Bùi Thị Như Ý
222

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]