01/07/2019 11:47

Sổ đỏ, sổ hồng có phải là tài sản? Có kiện đòi được không?

Sổ đỏ, sổ hồng có phải là tài sản? Có kiện đòi được không?

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trong ngôn ngữ dân gian thường được gọi là “Sổ đỏ”, “Sổ hồng” (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận) có phải là tài sản không? Trường hợp đương sự khởi kiện đòi lại Giấy chứng nhận bị người khác chiếm giữ thì Tòa án có thụ lý giải quyết không? Đây là vấn đề đang còn rất nhiều tranh cãi và có nhiều quan điểm khác nhau.

1. Giấy chứng nhận có phải là tài sản?

Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về tài sản như sau:

“1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản;

2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”.

Khoản 8 Điều 6 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 quy định: “8. Giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác”.

Điều 115 BLDS 2015 quy định về quyền tài sản như sau: “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác”.

Khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định: “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất”.

Như vậy, theo các quy định nêu trên, Giấy chứng nhận không phải là tài sản.

2. Tòa án có thụ lý giải quyết yêu cầu kiện đòi Giấy chứng nhận không?

Tranh chấp yêu cầu đòi lại Giấy chứng nhận chưa được quy định cụ thể là tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Tuy nhiên, có thể thấy việc chiếm giữ các giấy tờ nêu trên là hành vi cản trở chủ sử dụng đất, chủ sở hữu thực hiện quyền dân sự của mình.

Vấn đề đặt ra là trường hợp đương sự khởi kiện đòi lại Giấy chứng nhận bị người khác chiếm giữ thì Tòa án có thụ lý giải quyết không?

Về vấn đề này, hiện nay có các ý kiến khác nhau như sau:

Quan điểm thứ nhất: Tòa án phải thụ lý giải quyết

Những người theo quan điểm này lập luận rằng:

– Khoản 2 Điều 14 BLDS 2015 quy định: “2. Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng; trong trường hợp này, quy định tại Điều 5 và Điều 6 của Bộ luật này được áp dụng”.

Khoản 2 Điều 4 BLTTDS 2015 quy định:

“2. Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.
Vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng là vụ việc dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự nhưng tại thời điểm vụ việc dân sự đó phát sinh và cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu Tòa án giải quyết chưa có điều luật để áp dụng.

Việc giải quyết vụ việc dân sự quy định tại khoản này được thực hiện theo các nguyên tắc do Bộ luật Dân sự và Bộ luật này quy định”.

Như vậy, cả BLDS 2015 và BLTTDS 2015 đều quy định Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.

Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 14 BLDS 2015 cũng quy định: “Trường hợp quyền dân sự bị xâm phạm hoặc có tranh chấp thì việc bảo vệ quyền được thực hiện theo pháp luật tố tụng tại Tòa án hoặc Trọng tài”.

Do vậy, nếu chủ sử dụng đất, chủ sở hữu khởi kiện đòi lại Giấy chứng nhận thì Tòa án phải thụ lý, giải quyết.

Quan điểm thứ hai: Tòa án không thụ lý giải quyết

Những người theo quan điểm này lập luận rằng:

– Theo quy định tại khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013, theo quy định tại khoản 1 Điều 105 và Điều 115 BLDS 2015 về tài sản và quyền tài sản và như đã phân tích ở trên thì Giấy chứng nhận không phải là tài sản hay quyền tài sản, nó chỉ là chứng thư pháp lý thể hiện quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất. Do đó, không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Vì vậy, đương sự không có quyền khởi kiện tại Tòa án. Đồng thời, vấn đề này cũng đã được hướng dẫn tại Mục 3 Công văn số 141/TANDTC-KHXX ngày 21/9/2011 về việc thẩm quyền giải quyết các yêu cầu trả lại giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản.

Những người theo quan điểm này cũng cho rằng: Người bị chiếm giữ Giấy chứng nhận có thể yêu cầu cơ quan chức năng (cơ quan công an) giải quyết theo thẩm quyền buộc người chiếm giữ bất hợp pháp giấy tờ nêu trên phải trả lại cho mình. Trong trường hợp giấy tờ bị mất thì họ có quyền đề nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp lại giấy tờ bị mất theo quy định của pháp luật.

Do còn có các quan điểm khác nhau như trên nên trong thực tiễn có Tòa án thụ lý giải quyết, có Tòa án không thụ lý giải quyết; có Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý giải quyết chấp nhận yêu cầu đòi Giấy chứng nhận nhưng khi bản án bị kháng cáo, Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.

3. Đề xuất, kiến nghị

Chúng tôi nhất trí với quan điểm thứ nhất, nếu chủ sử dụng đất, chủ sở hữu nhà, tài sản khởi kiện đòi lại Giấy chứng nhận bị chiếm giữ thì Tòa án phải thụ lý giải quyết. Bởi lẽ, cả BLDS 2015 và BLTTDS 2015 đều có quy định Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Sở dĩ trước đây Tòa án không thụ lý yêu cầu đòi Giấy chứng nhận là vì BLDS và BLTTDS trước đây không có quy định này.

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, dù Tòa án có thụ lý giải quyết hay không thụ lý giải quyết sẽ đều có những vướng mắc nhất định. Trường hợp Tòa án thụ lý, buộc bên chiếm giữ trả lại Giấy chứng nhận mà họ không hợp tác (chối bỏ việc đang chiếm giữ giấy tờ hoặc có thể nói là đã mất) thì có khả năng thi hành án được hay không hay việc giải quyết vẫn chỉ là trên “giấy”?

Trong thực tiễn đời sống dân sự, hầu như việc tranh chấp đòi lại Giấy chứng nhận thường đi liền với các tranh chấp dân sự khác như tranh chấp hợp đồng vay tài sản, hợp đồng thế chấp,… Đây là những hợp đồng song vụ, trong đó, quyền của bên này là nghĩa vụ của bên kia và ngược lại. Và như vậy, khi chủ sử dụng đất, chủ sở hữu nhà, tài sản khác gắn liền với đất thực hiện nghĩa vụ của mình thì thông thường bên giữ Giấy chứng nhận sẽ trả lại giấy tờ cho họ. Tuy nhiên, nếu không thuộc trường hợp trên thì chủ sử dụng đất, chủ sở hữu nhà, tài sản khác gắn liền với đất sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc chứng minh một người đang giữ Giấy chứng nhận của mình. Trong trường hợp này, họ cũng có thể đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm thủ tục xin cấp lại Giấy chứng nhận. Việc làm thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận sẽ nhanh hơn nhiều so với thủ tục tố tụng kiện đòi Giấy chứng nhận tại Tòa án.

Bên cạnh đó, cũng phải thấy rằng, dù bản án của Tòa án xử buộc bên chiếm giữ Giấy chứng nhận trả lại giấy tờ mà họ không thi hành thì cũng khó thực hiện việc cưỡng chế buộc họ thi hành bản án có hiệu lực pháp luật. Và như đã phân tích ở trên, Giấy chứng nhận không phải là tài sản. Do đó, Giấy chứng nhận không trị giá được thành tiền, dù bên chiếm giữ không thi hành bản án thì cũng không cấu thành tội không thi hành án quy định tại Điều 379 Bộ luật Hình sự 2015.

Để bảo đảm việc áp dụng thống nhất pháp luật, tránh tình trạng bản án có hiệu lực mà không thể thi hành, các cơ quan ở Trung ương (Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cần ban hành văn bản liên tịch hướng dẫn về vấn đề này.

Theo chúng tôi, cần hướng dẫn theo hướng tách ra làm 2 trường hợp như sau:

(1) Đối với Giấy chứng nhận không có liên quan đến nghĩa vụ dân sự của chủ sử dụng đất, chủ sở hữu nhà, tài sản khác gắn liền với đất thì được “như” trường hợp mất Giấy chứng nhận và họ có thể đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận làm thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận theo quy định tại Điều 77 Nghị định 43/2014/NĐ-CP về cấp lại Giấy chứng nhậnquyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng do bị mất.

(2) Đối với Giấy chứng nhận có liên quan đến nghĩa vụ dân sự của chủ sử dụng đất, chủ sở hữu nhà, tài sản khác gắn liền với đất thì Tòa án giải quyết buộc các bên thực hiện nghĩa vụ của mình trong đó có nghĩa vụ trả lại Giấy chứng nhận. Trong bản án của Tòa án cần tuyên rõ, khi bản án có hiệu lực pháp luật, chủ sử dụng đất, chủ sở hữu nhà, tài sản đã thực hiện nghĩa vụ của mình mà bên giữ Giấy chứng nhận vẫn không trả lại Giấy chứng nhận thì chủ sử dụng đất, chủ sở hữu nhà, tài sản khác gắn liền với đất có quyền đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu cấp Giấy chứng nhận mới và hủy bỏ Giấy chứng nhận đang bị chiếm giữ.

Như vậy, nếu văn bản liên tịch hướng dẫn như trên, một mặt sẽ tạo thuận lợi cho người dân, mặt khác, giảm tải công việc, chi phí cho Tòa án, cơ quan thi hành án.

Nguồn: Theo Tạp chí Tòa án

4857

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]