Chào bạn, Ban biên tập xin giải đáp như sau:
Theo quy định tại Điều 36 Luật cán bộ, công chức 2008 về điều kiện đăng ký dự tuyển công chức, cụ thể:
- Người có đủ các điều kiện sau đây không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo được đăng ký dự tuyển công chức:
+ Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.
+ Đủ 18 tuổi trở lên.
+ Có đơn dự tuyển; có lý lịch rõ ràng.
+ Có văn bằng, chứng chỉ phù hợp.
+ Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt.
+ Đủ sức khoẻ để thực hiện nhiệm vụ.
+ Các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí dự tuyển.
- Những người sau đây không được đăng ký dự tuyển công chức:
+ Không cư trú tại Việt Nam.
+ Mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
+ Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành hoặc đã chấp hành xong bản án, quyết định về hình sự của Tòa án mà chưa được xóa án tích; đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục.
(*) Ngoài điều kiện đăng ký dự tuyển công chức thực hiện theo quy định trên. Cơ quan sử dụng công chức xác định các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí dự tuyển phù hợp với khung năng lực vị trí việc làm nhưng không thấp hơn các tiêu chuẩn chung, không được trái với quy định của pháp luật, không được phân biệt loại hình đào tạo và báo cáo bằng văn bản để cơ quan quản lý công chức xem xét, quyết định.
Xem thêm: Thủ tục từ chức, xin thôi việc đối với cán bộ, công chức, viên chức mới nhất
Theo quy định tại Điều 10 Nghị định 138/2020/NĐ-CP về đối tượng xét tuyển công chức, cụ thể:
- Việc tuyển dụng công chức thông qua hình thức xét tuyển do cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức quyết định và được thực hiện riêng đối với từng nhóm đối tượng sau:
+ Người cam kết tình nguyện làm việc từ 05 năm trở lên ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
+ Người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của Luật Giáo dục, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học;
+ Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng.
Như vậy, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi không nằm trong nhóm đối tượng xét tuyển công chức khi cam kết thời gian làm việc. Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc mới thuộc đối tượng tuyển dụng công chức thông qua hình thức xét tuyển.
Bên cạnh việc xét tuyển công chức thì thí sinh có thể ứng tuyển thông qua hình thức thi tuyển công chức.
Theo quy định tại Điều 8 Nghị định 138/2020/NĐ-CP về hình thức, nội dung và thời gian thi tuyển công chức, như sau:
(*) Thi tuyển công chức được thực hiện theo 2 vòng thi như sau:
- Vòng 1: Thi kiểm tra kiến thức, năng lực chung
+ Hình thức thi: Thi trắc nghiệm trên máy vi tính (cơ quan chưa có điều kiện tổ chức thi trên máy vi tính thì thi trắc nghiệm trên giấy)
Trường hợp tổ chức thi trên máy vi tính thì nội dung thi trắc nghiệm không có phần thi tin học.
+ Nội dung thi gồm 3 phần, thời gian thi như sau:
Phần I: Kiến thức chung, 60 câu. Thời gian thi 60 phút.
Phần II: Ngoại ngữ, 30 câu hỏi do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức quyết định. Thời gian thi 30 phút.
Tuy nhiên, người dự thi sẽ miễn phần thi ngoại ngữ nếu thuộc các trường hợp tại điểm c khoản 1 Điều 8 Nghị định 138/2020/NĐ-CP.
Phần III: Tin học, 30 câu hỏi theo yêu cầu của vị trí việc làm. Thời gian thi 30 phút.
- Vòng 2: Thi môn nghiệp vụ chuyên ngành
+ Hình thức thi: Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức quyết định một trong ba hình thức thi: Phỏng vấn; viết; kết hợp phỏng vấn và viết.
+ Nội dung thi: Kiểm tra kiến thức về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật về ngành, lĩnh vực tuyển dụng; kỹ năng thực thi công vụ của người dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển.
+ Thời gian thi: Thi phỏng vấn 30 phút (trước khi thi phỏng vấn, thí sinh dự thi có không quá 15 phút chuẩn bị); thi viết 180 phút (không kể thời gian chép đề).
+ Thang điểm (thi phỏng vấn, thi viết): 100 điểm. Trường hợp lựa chọn hình thức thi kết hợp phỏng vấn và viết thì tỷ lệ điểm phỏng vấn và viết do Chủ tịch Hội đồng thi quyết định nhưng phải bảo đảm có tổng là 100 điểm.
+ Trường hợp cơ quan quản lý công chức có yêu cầu đặc thù cao hơn về nội dung, hình thức, thời gian thi tại vòng 2 thì thống nhất ý kiến với Bộ Nội vụ trước khi thực hiện.
Như vậy, người thi tuyển sẽ trải qua 2 vòng thi kiểm tra kiến thức, năng lực chung và thi môn nghiệp vụ chuyên ngành và có kết quả điểm thi tại vòng 2 đạt từ 50 điểm trở lên lấy theo thứ tự điểm từ cao xuống thấp trong chỉ tiêu được tuyển dụng của từng vị trí việc làm.