29/11/2024 18:34

Sinh viên sư phạm giảng dạy tại Trung tâm Giáo dục Thường xuyên có cần bồi hoàn học phí được hỗ trợ không?

Sinh viên sư phạm giảng dạy tại Trung tâm Giáo dục Thường xuyên có cần bồi hoàn học phí được hỗ trợ không?

Những đối tượng phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí? Sinh viên sư phạm được hỗ trợ học phí khi tốt nghiệp giảng dạy tại Trung tâm giáo dục thường xuyên có phải bồi hoàn tiền hỗ trợ?

Những đối tượng phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí?

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 116/2020/NĐ-CP đề cập những đối tượng phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt gồm:

- Sinh viên sư phạm đã hưởng chính sách không công tác trong ngành giáo dục sau 02 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp;

- Sinh viên sư phạm đã hưởng chính sách và công tác trong ngành giáo dục nhưng không đủ thời gian công tác theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 6 Nghị định 116/2020/NĐ-CP;

- Sinh viên sư phạm được hưởng chính sách đang trong thời gian đào tạo nhưng chuyển sang ngành đào tạo khác, tự thôi học, không hoàn thành chương trình đào tạo hoặc bị kỷ luật buộc thôi học.

Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 116/2020/NĐ-CP cũng đề cập những trường hợp không phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt gồm:

- Trong thời hạn 02 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp, sinh viên sư phạm công tác trong ngành giáo dục và có thời gian công tác tối thiểu gấp hai lần thời gian đào tạo tính từ ngày được tuyển dụng;

- Sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp đang công tác trong ngành giáo dục, nhưng chưa đủ thời gian theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 6 Nghị định 116/2020/NĐ-CP và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều động bố trí công tác ngoài ngành giáo dục;

- Sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp tiếp tục được cơ quan đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc đấu thầu cử đi đào tạo giáo viên trình độ cao hơn và tiếp tục công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian quy định.

Như vậy, đối với trường hợp sinh viên sư phạm đã hưởng chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt không công tác trong ngành giáo dục sau 02 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp thì sẽ phải bồi hoàn kinh phí.

Sinh viên sư phạm giảng dạy tại Trung tâm Giáo dục Thường xuyên có cần bồi hoàn học phí được hỗ trợ không?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định 116/2020/NĐ-CP xác định sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp công tác trong ngành giáo dục, bao gồm:

- Giáo viên, giảng viên làm nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu hoặc chuyên môn, viên chức làm công tác quản lý trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, các cơ sở giáo dục khác được cấp có thẩm quyền cho phép thành lập, các cơ quan nghiên cứu khoa học về giáo dục và đào tạo;

- Công chức, viên chức làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục theo quy định của Nghị định quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục.

Ngoài ra, tại khoản 12 Điều 5 Luật Giáo dục 2019 có định nghĩa cơ sở giáo dục là tổ chức thực hiện hoạt động giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân gồm nhà trường và cơ sở giáo dục khác. 

Đồng thời, tại khoản 1 Điều 47 Luật Giáo dục 2019 có đề cập các loại hình nhà trường, bao gồm:

- Trường công lập do Nhà nước đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và đại diện chủ sở hữu;

- Trường dân lập do cộng đồng dân cư ở cơ sở gồm tổ chức và cá nhân tại thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc, xã, phường, thị trấn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm điều kiện hoạt động. Loại hình trường dân lập chỉ áp dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non;

- Trường tư thục do nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động.

Đối với các cơ sở giáo dục khác được liệt kê tại khoản 1 Điều 65 Luật Giáo dục 2019, bao gồm:

- Nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập, lớp xóa mù chữ, lớp ngoại ngữ, lớp tin học, lớp dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện đi học ở trường, lớp dành cho trẻ khuyết tật;

- Trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, các trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên;

- Viện Hàn lâm, viện do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ được phép đào tạo trình độ tiến sĩ.

Như vậy, trường hợp sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp công tác làm nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu hoặc chuyên môn, viên chức làm công tác quản lý trong trung tâm giáo dục thường xuyên thì được xem là công tác trong ngành giáo dục và không phải bồi hoàn tiền hỗ trợ đóng học phí và sinh hoạt.

Lê Anh Tú
94

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]