01/06/2024 11:16

Sinh viên nhờ người khác làm hộ luận văn tốt nghiệp có thể bị xử phạt như thế nào?

 Sinh viên nhờ người khác làm hộ luận văn tốt nghiệp có thể bị xử phạt như thế nào?

Cho tôi hỏi việc được nhờ người khác làm hộ luận văn tốt nghiệp có bị xử lý hay không? (chị Nga_Bến Tre)

 Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Sinh viên có thể nhờ người khác làm hộ luận văn tốt nghiệp không?

Tại tại khoản 2 Điều 6 Quyết định 42/2007/QĐ-BGDĐT có quy định về Quy chế học sinh sinh viên các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp hệ chính quy định các hành vi sinh viên, người học không được làm. 

Trong đó, hành vi vi phạm pháp luật giáo dục về gian lận trong học tập như: quay cóp, mang tài liệu vào phòng thi, xin điểm; học, thi, thực tập, trực hộ người khác hoặc nhờ người khác học, thi, thực tập, trực hộ; sao chép, nhờ hoặc làm hộ tiểu luận, đồ án, khóa luận tốt nghiệp; tổ chức hoặc tham gia tổ chức thi hộ hoặc các hành vi gian lận khác.

Cũng tại Điều 61 Luật Giáo dục đại học năm 2012 quy định về hành vi người học không được làm bao gồm:

 Điều 61. Các hành vi người học không được làm

1. Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên, người học của cơ sở giáo dục đại học và người khác.

2.Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi cử, tuyển sinh.

3.Tham gia tệ nạn xã hội, gây rối an ninh trật tự trong cơ sở giáo dục đại học hoặc nơi công cộng và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

4.Tổ chức hoặc tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật.

Vì thế, căn cứ tại khoản 2 Điều 6 Quyết định 42/2007/QĐ-BGDĐT và Khoản 2 Điều 61 Luật Giáo dục đại học năm 2012, sinh viên không được phép nhờ người khác làm hộ luận văn tốt nghiệp vì đó là hành vi vi phạm pháp luật giáo dục.

2. Sinh viên nhờ người khác làm hộ luận văn tốt nghiệp có thể bị xử phạt như thế nào?

Hình thức kỷ luật và nội dung vi phạm được quy định tại Điều 9 Quy chế công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học hệ chính quy do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kèm theo Thông tư 10/2016/TT-BGDĐT. Theo đó tùy tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm có thể được nhắc nhở, phê bình hoặc phải chịu một trong các hình thức kỷ luật sau: 

- Khiển trách: áp dụng đối với sinh viên có hành vi vi phạm lần đầu nhưng ở mức độ nhẹ;

- Cảnh cáo: áp dụng đối với sinh viên đã bị khiển trách mà tái phạm hoặc vi phạm ở mức độ nhẹ nhưng hành vi vi phạm có tính chất thường xuyên hoặc mới vi phạm lần đầu nhưng mức độ tương đối nghiêm trọng;

- Đình chỉ học tập có thời hạn: áp dụng đối với những sinh viên đang trong thời gian bị cảnh cáo mà vẫn vi phạm kỷ luật hoặc vi phạm nghiêm trọng các hành vi sinh viên không được làm; sinh viên vi phạm pháp luật bị xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo. Tùy từng trường hợp cụ thể, Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học căn cứ vào quy chế đào tạo để quyết định thời hạn đình chỉ học tập theo các mức: đình chỉ một học kỳ, đình chỉ một năm học hoặc đình chỉ theo thời gian sinh viên bị xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo.

- Buộc thôi học: áp dụng đối với sinh viên đang trong thời gian bị đình chỉ học tập mà vẫn tiếp tục vi phạm kỷ luật hoặc vi phạm lần đầu nhưng có tính chất và mức độ vi phạm đặc biệt nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu đến cơ sở giáo dục đại học và xã hội; vi phạm pháp luật bị xử phạt tù giam.

Do đó, theo quy định nêu trên sinh viên nhờ người làm hộ khóa luận tốt nghiệp sẽ bị xử lý kỷ luật như sau:

- Lần 1: Đình chỉ có thời hạn

- Lần 2: Buộc thôi học

Lưu ý: Số lần vi phạm là số lần tính trong cả khóa học.

(Quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 10/2016/TT-BGDĐT)

Như vậy, trường hợp sinh viên nhờ người làm hộ khóa luận tốt nghiệp thì có thể bị xử lý kỷ luật đình chỉ có thời hạn hoặc buộc thôi học tùy theo số lần vi phạm.

Lê Thị Hồng Mai
604

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn