24/05/2023 11:59

Sinh viên Luật cần chuẩn bị gì để trở thành Kiểm sát viên?

Sinh viên Luật cần chuẩn bị gì để trở thành Kiểm sát viên?

Con trai tôi đang học ngành Luật, tôi muốn định hướng cho cháu theo nghề kiểm sát viên được không? “Mạnh Hùng – Phú Yên”

Chào anh, ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Tiêu chuẩn chung của Kiểm sát viên

Kiểm sát viên là gì?

Kiểm sát viên là người được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật để thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp.

Tiêu chuẩn chung của Kiểm sát viên?

Theo quy định tại Điều 75 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014 về tiêu chuẩn chung của Kiểm sát viên, như sau:

- Là công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết, trung thực, bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.

- Có trình độ cử nhân luật trở lên.

- Đã được đào tạo về nghiệp vụ kiểm sát.

- Có thời gian làm công tác thực tiễn theo quy định.

- Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Như vậy, sinh viên tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân Luật hoàn toàn có thể trở thành Kiểm sát viên nếu đủ đam mê, nhiệt huyết…, ngoài ra còn cần phải đáp ứng đầy đủ những tiêu chí chung theo yêu cầu của ngành.

2. Quy trình để khoác lên mình chiếc áo màu xanh mang sắc màu Kiểm sát

Bước 1: Phải là Cử nhân Luật

Sinh viên Luật phải tốt nghiệp Đại học ngành Luật. Nếu tốt nghiệp trường Đại học Kiểm sát thì quá lý tưởng để thành Kiểm sát viên. Thông thường là 04 năm (nhiều sinh viên học vượt thời gian có thể rút ngắn hơn).

Bước 2: Được đào tạo nghiệp vụ Kiểm sát viên

Bước 3: Tham gia thi tuyển Công chức ngành Kiểm sát theo quy định tại Quyết định 303/QĐ-VKSTC của Viện kiểm sát Nhân dân tối cao.

Hằng năm ngành Kiểm sát sẽ có những đợt tổ chức thi tuyển công chức ngành Kiểm sát để tiến hành bổ sung nhân lực cho ngành (Dựa trên tình hình nhân sự thực tế ở các địa phương). Thông tin thi tuyển này được cập nhật trên trang thông tin điện tử cũng như các phương tiện truyền thông khác của các địa phương nơi có nhu cầu về nhân sự.

Về điều kiện thi tuyển, xét tuyển cơ bản phải đáp ứng những yêu cầu cơ bản sau đây:

- Tuổi đời dự tuyển: Từ đủ 18 đến 35 tuổi đối với nam và từ đủ 18 đến 30 tuổi đối với nữ;

- Có đơn dự tuyển; có lý lịch rõ ràng, lịch sử gia đình và bản thân phù hợp với quy định về bảo vệ chính trị nội bộ ngành Kiểm sát nhân dân;

- Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt;

- Đủ sức khỏe để công tác theo kết luận của cơ quan y tế có thẩm quyền; không bị dị hình, dị tật, khuyết tật; nam cao từ 1,60 m, nặng từ 50 kg trở lên; nữ cao từ 1,55 m, nặng từ 45 kg trở lên, không nói lắp, nói ngọng.

Điều kiện cụ thể chi tiết sẽ có trong thông báo thi tuyển của từng địa phương.

Bước 4: Tham gia thi tuyển Kiểm sát viên

Sau khi hoàn thành khóa đào tạo nghiệp vụ. Người dự thi sẽ đủ điều kiện tham gia kì thi tuyển Kiểm sát viên các cấp. Chức danh được bổ nhiệm vào ngành sau khi thi đậu: Chuyên viên.

Bước 5: Được bổ nhiệm làm Kiểm sát viên

Sau khi đã hoàn thành tất cả các bước trên, tuỳ theo nhu cầu cán bộ của Viện kiểm sát, có thể được bổ nhiệm trở thành Kiểm sát viên.

Sau đó tiếp tục công tác 1 thời gian sẽ đi học và thi, thi đậu sẽ bổ nhiệm Kiểm Sát Viên Sơ cấp. Tiếp tục công tác 5 năm ở Kiểm sát viên sơ cấp, tiếp tục thi, thi đậu sẽ bổ nhiệm Kiểm Sát Viên Trung cấp. Tương tự với việc bổ nhiệm Kiểm sát viên cao cấp và Kiểm sát viên viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Ngoài ra, trong trường hợp đặc biệt sẽ được bổ nhiệm Kiểm sát viên (theo quy định tại Điều 81 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014).

3. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Kiểm sát viên

Kiểm sát viên được bổ nhiệm lần đầu có thời hạn là 05 năm; trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc nâng ngạch thì thời hạn là 10 năm.

Theo quy định tại Điều 83 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014 về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Kiểm sát viên, như sau:

- Khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, Kiểm sát viên tuân theo pháp luật và chịu sự chỉ đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân.

+ Kiểm sát viên tuân theo pháp luật và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình trong việc thực hành quyền công tố, tranh tụng tại phiên tòa và kiểm sát hoạt động tư pháp.

+ Kiểm sát viên phải chấp hành quyết định của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân. Khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật thì Kiểm sát viên có quyền từ chối nhiệm vụ được giao và phải kịp thời báo cáo bằng văn bản với Viện trưởng;

+ Trường hợp Viện trưởng vẫn quyết định việc thi hành thì phải có văn bản và Kiểm sát viên phải chấp hành nhưng không phải chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành, đồng thời báo cáo lên Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp trên có thẩm quyền. Viện trưởng đã quyết định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

+ Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân có trách nhiệm kiểm tra, xử lý nghiêm minh đối với vi phạm pháp luật của Kiểm sát viên khi thực hiện nhiệm vụ được giao; có quyền rút, đình chỉ hoặc hủy bỏ các quyết định trái pháp luật của Kiểm sát viên.

- Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp do luật định.

- Trong vụ việc có nhiều Kiểm sát viên tham gia giải quyết thì Kiểm sát viên ở ngạch thấp hơn phải tuân theo sự phân công, chỉ đạo của Kiểm sát viên ở ngạch cao hơn.

- Khi thực hiện nhiệm vụ, Kiểm sát viên có quyền ra quyết định, kết luận, yêu cầu, kiến nghị theo quy định của pháp luật.

Như vậy, khi khoác lên mình màu áo thiên thanh, mang sự mệnh bảo vệ quyền con người, công dân, tổ quốc… thì một Kiểm sát viên cần tuân thủ và thực nghiêm chỉnh những quyền, nghĩa vụ của mình.

Nguyễn Ngọc Trầm
5546

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]